Thứ 5, 02/05/2024, 18:54[GMT+7]

Rượu bia lưu hành và gây hại cho cơ thể như thế nào? Chất cồn lưu giữ ở trong máu bao lâu? Biết giữ gìn sức khỏe và tham gia giao thông an toàn

Thứ 6, 19/04/2024 | 15:17:17
1,246 lượt xem

1. Hiểu thêm về rượu, bia và nồng độ cồn

- Theo một số kênh tài liệu tổng hợp cho hay: Việt Nam là một trong số các nước có tỷ lệ người sử dụng rượu, bia cao trên thế giới hiện nay. Việt Nam cũng là một quốc gia mà ở bất cứ vùng nào cũng có thể nấu được rượu.

- Bia hay rượu là những loại đồ uống có chứa chất cồn ethanol với nồng độ khác nhau, ví dụ như bia có chứa khoảng 5% cồn, rượu vang chứa khoảng 9 - 16% cồn, rượu mạnh chứa trên 20 - 50% cồn ethanol, là thành phần gây ra các tác hại khi chúng ta uống nhiều rượu, bia.

- Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khái niệm đơn vị cồn như sau: một đơn vị cồn tương đương với 10g cồn ethanol nguyên chất, [bằng 200ml bia 5% (1 cốc); bằng 75ml rượu vang 14% (một ly); bằng 25ml rượu mạnh 40% (một chén)].

2. Rượu, bia đi qua các bộ phận nào và gây hại cho cơ thể ra sao?

- Sau khi đi vào miệng, rượu, bia sẽ qua thực quản vào đến dạ dày, xuống ruột non, thẩm thấu vào máu, theo hệ tuần hoàn đi đến gan, phổi, thận, rồi vào tất cả các tế bào của cơ thể.

+ Đối với miệng: Rượu sẽ làm kích ứng niêm mạc trong khoang miệng, khi nồng độ cồn cao sẽ làm tăng nguy cơ ung thư miệng và họng.

+ Đối với dạ dày: Khi vào tới dạ dày, rượu sẽ ngấm qua niêm mạc dạ dày, hấp thu khoảng 20% mà không cần tham gia vào quá trình tiêu hóa giống như các loại thức ăn khác.

Rượu, bia là tác nhân gây kích ứng niêm mạc dạ dày, gây trào ngược, dễ dẫn tới viêm loét, nặng thì chảy máu dạ dày, có thể thủng dạ dày và viêm loét lâu ngày có thể dẫn tới ung thư dạ dày.

+ Đối với ruột: Rượu uống vào sẽ được hấp thu 80% qua ruột non để đi vào máu rồi đến các cơ quan, phủ tạng khác.
Tại đường ruột và đặc biệt là ruột già, rượu bia là một trong những nguyên nhân tác động gây ra hội chứng viêm ruột kích thích và viêm đại tràng co thắt (Bụng đau văng vẳng, phân lổn nhổn, lúc táo lúc nát).

+ Đối với gan:

Có đến 90% lượng cồn hấp thu vào máu sẽ tiến thẳng đến gan. Tại gan, cồn sẽ được các tế bào gan xử lý và tiến hành quá trình khử độc trước khi đào thải ra ngoài.
Chính vì vậy, những người uống nhiều rượu, bia, men gan sẽ tăng cao (báo hiệu sự tham gia của gan vào quá trình thải độc) và lượng cồn trong máu cao thì thời gian thải độc cũng kéo dài hơn.
Nếu lượng rượu, bia đưa vào cơ thể nhiều và liên tục kéo dài, sẽ khiến gan làm việc quá tải, dẫn đến giảm chức năng gan, xơ gan hoặc có thể ung thư gan.

+ Đối với thận, phổi và da: Chỉ có khoảng 10% lượng cồn từ rượu, bia lưu hành trong máu và được đào thải qua nước tiểu, mồ hôi, khí thở.

3. Thời gian thải trừ hết rượu, bia trong cơ thể là bao lâu?

- Thời gian thải trừ nồng độ cồn trong máu nhanh hay chậm, phụ thuộc vào số lượng rượu, bia mà bạn đã uống vào cơ thể.

- Theo các nghiên cứu khoa học, đối với người trưởng thành có sức khỏe bình thường thì cứ sau một giờ, gan sẽ đào thải được một đơn vị cồn (10 gam ethanol).

- Tuy nhiên, ở mỗi thể trạng khác nhau, quãng thời gian thải độc rượu, bia của gan có thể tăng lên hay giảm đi, nó ảnh hưởng vào các yếu tố như:

+ Bệnh lý: Người có bệnh nền, tuổi tác, cân nặng, hoặc khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm lại và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.

+ Uống rượu kèm theo có uống nhiều nước và nói nhiều, thở mạnh, cũng làm cho nồng độ cồn đào thải nhanh hơn.

- Như vậy, nếu bạn uống 10 chén rượu mạnh 40% (tương đương với 10 đơn vị cồn), gan sẽ mất khoảng 10 tiếng để đào thải lượng cồn giảm đi tương đối. Ngoài ra, gan cần thêm 3 tiếng nữa để thải trừ tuyệt đối hết cồn trong máu (trở về 0).

4. Biết giữ gìn sức khỏe và tham gia giao thông an toàn?

- Bạn phải nhớ được là bạn đã uống bao nhiêu rượu, bia sau bữa nhậu.

- Bạn phải quy ra được là sau bữa nhậu, bạn đã uống bao nhiêu đơn vị cồn.

- Cứ mỗi đơn vị cồn bạn uống vào, thì bạn phải nghỉ ít nhất là 1,3 giờ đồng hồ, để chờ cho cơ thể của bạn đào thải hết lượng cồn là 10 gam ethanol.

- Nếu bạn uống vào 10 đơn vị cồn thì bạn phải chờ 13 tiếng sau; nếu uống 15 đơn vị cồn thì bạn phải chờ 20 tiếng sau; nếu uống 20 đơn vị cồn, thì bạn phải chờ 24 tiếng sau; lúc đó cơ thể bạn mới không còn cồn trong máu.

- Nếu bạn quá say và không còn nhớ là đã uống bao nhiêu đơn vị cồn sau bữa nhậu, thì tốt nhất bạn nên nghỉ sau 48 tiếng, rồi hãy lái xe tham gia giao thông.

5. Vài điều giúp bạn bảo vệ sức khỏe và giúp đào thải cồn nhanh sau khi uống nhiều rượu, bia

- Muốn đỡ say, đỡ mệt, trước khi uống rượu, bia, bạn nên tranh thủ ăn 1 - 2 bát cơm (hoặc cháo) là tốt nhất. Bởi lẽ, khi dạ dày chứa thức ăn, sẽ làm chậm sự hấp thu cồn trực tiếp từ dạ dày vào máu.

- Cùng với uống rượu, bia, bạn nên uống thật nhiều nước lọc sẽ rất tốt. Bởi lẽ, nước làm loãng máu và loãng cồn trong máu. Nước sẽ được đào thải cùng với một lượng cồn đi qua nước tiểu.

- Bạn nên uống 1 - 2 cốc nước bột sắn dây (pha rất ít đường) trước, trong và sau khi uống nhiều rượu, bia sẽ rất ổn. Bởi lẽ, sắn dây có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, thư giãn cân cơ, chống say, đỡ mệt mỏi.

- Hết sức cảnh giác với rượu, bia không rõ nguồn gốc, không an toàn, không nên uống.

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc