Thứ 5, 02/05/2024, 07:02[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) Ký ức không quên của chiến sĩ Điện Biên Lưu Đức Nhuận

Thứ 6, 19/04/2024 | 08:49:25
3,892 lượt xem
70 năm đã trôi qua nhưng ký ức về một thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí những người lính Điện Biên, trong đó có cựu chiến binh Lưu Đức Nhuận, thôn Thái Phú Đoài, xã Hồng Phong (Vũ Thư).

Hội Cựu chiến binh tỉnh thăm, tặng quà gia đình cựu chiến binh Lưu Đức Nhuận nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông Nhuận sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước bị giặc Pháp xâm chiếm. Từ nhỏ ông đã có lòng yêu nước, căm thù giặc. Cậu bé Nhuận gầy gò, ốm yếu nhưng hàng ngày vẫn thường núp ở bãi sông canh gác, nếu thấy tàu chiến của Pháp trên sông sẽ nhanh chân chạy về báo động để bà con dân làng trú ẩn.

Tháng 6/1953, chưa tròn 18 tuổi, ông Nhuận xung phong gia nhập bộ đội Việt Minh và được phân công về Đại đoàn 312, chuẩn bị tham gia chiến dịch chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể lại: Chúng tôi hành quân bộ từ Phú Thọ qua Sơn La, sang Điện Biên, tất cả đều đi bằng đường rừng, trèo đèo, lội suối. Khi đó tôi chỉ nặng có 37kg nên chỉ đeo cái ba lô và vác khẩu súng hành quân bộ thôi đã thấy vô cùng gian khổ. Thế mà những cô gái dân công hỏa tuyến, vóc người nhỏ nhắn lại có sức mạnh phi thường, có thể đẩy những chiếc xe thồ tải vũ khí, đạn dược, lương thực nặng hàng trăm ki-lô-gam vượt qua những tuyến đường rừng núi hiểm trở để phục vụ chiến dịch. Mùa đông, vùng núi Tây Bắc lạnh thấu xương. Hồi ấy tôi đi đôi dép lê đã cũ, trên vai đeo 1 chiếc máy thông tin liên lạc, đường đồi núi gập ghềnh, cheo leo. Có lần đang hành quân leo dốc, dép bị đứt, tôi bị trượt ngã, gãy gần hết hàm răng trên, mãi sau này tôi mới thay răng giả vào.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tương quan lực lượng ta và địch hoàn toàn chênh lệch. Phía Pháp quân số gấp hơn 2 lần bộ đội ta, lại được trang bị số lượng máy bay, xe tăng, đại bác, mìn, đạn hùng hậu, lương thực dồi dào. Trong khi đó, ta chỉ có các đơn vị bộ binh và một vài đơn vị pháo binh, phòng không; số lượng vũ khí, lương thực bằng một phần rất nhỏ của địch, tiếp viện vô cùng khó khăn. Pháp đã xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thành một pháo đài “bất khả chiến bại”. Nhưng quân và dân ta vẫn bước vào chiến dịch với lòng quyết tâm và ý chí sắt đá tạo nên sức mạnh phi thường.

Mở màn chiến dịch, Đại đoàn 312, đơn vị của ông Nhuận có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam. Chiều tối ngày 13/3/1954, trận đánh bắt đầu. Hàng chục khẩu sơn pháo, lựu pháo, súng cối đồng loạt khai hỏa, bắn cấp tập vào cụm cứ điểm Him Lam. Đại đoàn 312 giành thắng lợi ngay trong trận mở màn, chiếm được sở chỉ huy của địch tại Him Lam. Tiếp theo, Đại đoàn 312 được nhận lệnh đánh đồi Độc Lập. Đêm, rạng sáng ngày 15/3/1954, sau loạt đạn pháo của ta đồng loạt bắn phá, các chiến sĩ tiến lên đánh chiếm. 

“Tôi ở tiểu đội đột kích có nhiệm vụ đi đầu nên khi đó tôi cầm lá cờ đỏ sao vàng và 10m vải trắng xông lên. Sở dĩ cầm vải trắng vì đây là trận đánh diễn ra trong đêm tối, mảnh vải trắng chính là hoa tiêu để chiến sĩ ta tìm ra hướng đánh. Địch chống trả điên cuồng, tôi bị sức ép của mìn nổ hất văng ra, nhiều chiến sĩ khác bị trúng đạn, trọng thương nhưng vẫn chiến đấu ngoan cường. Cuối cùng, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” lỗ chỗ vết đạn đã được một chiến sĩ khác của Đại đoàn 312 cắm và hùng dũng tung bay trên cứ điểm đồi Độc Lập bất chấp mưa bom, bão đạn” - ông Nhuận kể lại 2 trận đánh của chiến dịch.

Để đánh vào trung tâm chỉ huy của tướng De Castries trên đồi A1, bộ đội ta đào các đường hầm siết dần vòng vây và đào hầm bí mật thọc sâu trung tâm chỉ huy để đặt khối bộc phá lớn. “Ngày ấy đói lắm, chiến sĩ gầy guộc, dụng cụ thì chỉ có chiếc xẻng, thế nhưng đêm ngày vẫn đục núi, khoét đồi, đào hào giao thông, yếu tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ” - ông Nhuận kể lại.

Cựu chiến binh Lưu Đức Nhuận nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng chỉ huy tài ba góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nhớ lại giây phút lịch sử 70 năm trước, ông Nhuận kể tiếp: Chiều tối ngày 7/5/1954, khi ta đánh sập hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp, tướng De Castries bị bắt, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay, quân ta vỡ òa sung sướng, ôm chầm lấy nhau, có chiến sĩ xúc động khóc nức nở. Trong thời khắc ấy, tôi vừa hạnh phúc vừa thương nhớ đồng đội đã hy sinh. Tiểu đội của tôi có 9 người, chỉ có duy nhất tôi còn sống, 8 chiến sĩ đã mãi mãi hóa thân vào núi rừng Điện Biên.

Sau này ông Nhuận về đi học nâng cao trình độ và công tác ở Bưu điện tỉnh Thái Bình. Năm 1975, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường tòng quân lần thứ hai, tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và công tác trong quân đội đến năm 1982 mới nghỉ hưu. Ông vinh dự được tặng thưởng 2 Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng Nhất.

Hơn 30 năm qua, ông Nhuận luôn nhiệt tình, mẫn cán, gánh vác công việc của thôn, của xã, chung sức cùng bà con dựng xây quê hương Hồng Phong tiến bộ đi lên. Gần đây, do sức khỏe yếu ông mới nghỉ. 90 tuổi đời, 64 năm tuổi đảng, ông Nhuận tự hào đã sống, cống hiến trọn cuộc đời mình cho quê hương, đất nước, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Một góc nhỏ trong phòng khách đơn sơ của gia đình cựu chiến sĩ Điện Biên Lưu Đức Nhuận được dành riêng để treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, ảnh chân dung Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày