Chủ nhật, 19/05/2024, 06:15[GMT+7]

Kiến Xương: Chú trọng bảo vệ các công trình trọng điểm, xung yếu

Thứ 7, 03/06/2023 | 10:29:32
567 lượt xem
Với phương châm lấy phòng ngừa là chính, chủ động về mọi mặt, huyện Kiến Xương đã xây dựng phương án bảo vệ các vị trí trọng điểm, xung yếu trong phòng, chống lụt bão để chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Các loại vật tư, phương tiện phòng, chống thiên tai được cất giữ cẩn thận tại các điếm canh đê trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã Vũ Hòa cho biết: Những năm qua, cứ tới mùa mưa bão xã đều cắt cử lực lượng trực bảo vệ đê, kè, cống, canh coi gác nước, tổ chức ứng cứu, khắc phục hậu quả kịp thời. Tuy nhiên, hệ thống đê bao trên địa bàn có nhiều đoạn đã xuống cấp, xuất hiện nhiều mạch sủi, lỗ rò rỉ, một số đoạn thân đê thấp thường bị tràn gây nguy hiểm nên thường xuyên phải xử lý và mua đất về dự trữ. Trước mùa mưa bão năm nay, xã đã bố trí nguồn kinh phí nâng cấp những khu vực xung yếu, mua 150m3 đất để đắp 300m mặt đê cao hơn 40cm so với nền cũ; phát quang toàn bộ hành lang đê, tu sửa 2 điếm canh, thường xuyên trục vớt bèo bồng, vật cản trên sông trục. Cùng với đó, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền để người dân chủ động các phương án phòng, chống lụt bão, nhất là đối với các hộ sinh sống khu vực ngoài bãi đê có các trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp.

Ông Phạm Xuân Chúng, thôn 5, xã Vũ Hòa cho biết: Gia đình tôi chăn nuôi ở khu vực này đã hơn 20 năm với diện tích 4 mẫu. Hiện tại, tôi nuôi 2 mẫu ao cá, còn lại là chăn nuôi tổng hợp. Hàng năm đến mùa mưa bão, nhà tôi thường bị ảnh hưởng như hỏng mái chuồng nuôi, hoa màu, cây cối bị dập nát. Tuy nhiên, tôi nhớ nhất là sự cố tràn đê năm 2017, toàn bộ khu vực chăn nuôi ở vùng này bị ngập nước, tôi chỉ kịp cứu hơn 100 con lợn, hơn 10 con bò, hơn 1.000 con vịt, còn lại toàn bộ cá theo nước ra đi, gà chết vì ngập nước, gây thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Từ đó, tôi đã cẩn trọng hơn trong thực hiện các biện pháp như gia cố chằng chống nhà cửa, chuồng trại trước khi mùa bão về, làm hàng rào lưới vây xung quanh trang trại đề phòng nước lớn để giữ cá hoặc chủ động đánh bắt cá trước khi mưa bão đến.

Ông Bùi Minh Thuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bình cho biết: Là xã duyên giang, có điểm đê thuộc loại xung yếu, vì vậy công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn luôn được địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng. Rút kinh nghiệm từ vụ sạt lở tại một số điểm của đê bao trong tháng 6/2022, trước mùa mưa bão năm nay xã đã chủ động kiểm tra các công trình, tiến hành tu bổ, nâng cấp 1.300m mặt đê, xử lý các lỗ rò trên đê bao, đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện. Đến nay xã đã phân công 116 người trong lực lượng xung kích, 12 người kiểm tra đê, kè, cống, 10 người cứu thương, 2 người thông tin, 40 người cừ sách, 36 người gác điếm, chuẩn bị 3.000 bao tải, đánh dấu 1.500 cây tre, 2 máy phát điện, 4 ô tô tải, 2 máy xúc, 2 thuyền vận tải và dự trữ số lượng lớn đá hộc, đá dăm, đất.

Xác định công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, Kiến Xương đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi; chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023. Chỉ đạo các địa phương huy động mọi nguồn lực chủ động xử lý những sự cố đê điều, thủy lợi mới phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ bão và tu bổ thêm các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế thấp nhất sự cố có thể xảy ra. Huyện thành lập các đoàn đi kiểm tra đánh giá thực trạng các công trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu để sớm có phương án bảo vệ an toàn cho người dân. Mỗi trọng điểm xung yếu huyện yêu cầu đều phải lập phương án cứu hộ đê, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng khi có sự cố xảy ra gồm: 2.000m3 đất dự trữ, 20.000 bao tải, 1.000 bó rào, cành cây, 1.000 cây tre. Đối với các xã duyên giang thường xuyên tổ chức kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, phát hiện sớm các ẩn họa có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống đê điều, đồng thời tiến hành cắm cừ dự phòng các cống xung yếu và chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư tập trung tại các vị trí bảo vệ trọng điểm. Cùng với đó, huyện kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng tránh, kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra.

Trước mắt, để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, Kiến Xương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tránh mọi biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác chỉ đạo và xử lý tình huống.

Huyện Kiến Xương cấp phát một số dụng cụ, vật tư cần thiết phục vụ công tác phòng, chống lụt bão cho các xã, thị trấn.

Quốc Cường 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày