Chủ nhật, 19/05/2024, 04:14[GMT+7]

Hành trình “tri thức hóa” nông dân

Thứ 6, 08/09/2023 | 09:57:46
8,663 lượt xem
Muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp phải có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Muốn có một nền nông nghiệp tri thức, người nông dân phải được tri thức hóa. “Tri thức hóa” nông dân trong hoạt động khuyến nông được thực hiện qua các hoạt động như thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật… để lan tỏa tri thức, kỹ năng giúp người nông dân nâng cao trình độ, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, tiếp cận và làm chủ khoa học và công nghệ để trở thành những nông dân chuyên nghiệp. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, hoạt động khuyến nông Thái Bình đã có nhiều đóng góp quan trọng trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thành công từ những mô hình trình diễn do Trung tâm Khuyến nông Thái Bình triển khai góp phần giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, hình thành những cánh đồng lớn.

Đồng hành cùng nông dân

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống khuyến nông Thái Bình không ngừng được củng cố và hoạt động có hiệu quả đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đội ngũ cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Các hoạt động khuyến nông thể hiện đa dạng trên tất cả các lĩnh vực, đến với nhiều vùng, nhiều đối tượng, đã tạo chuyển biến lớn về năng suất, chất lượng, được các địa phương và bà con nông dân trong tỉnh ghi nhận, đánh giá cao.

Những năm 1993 - 2003, yêu cầu cấp bách trong giai đoạn này là sản xuất để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đội ngũ cán bộ khuyến nông đã tăng cường công tác điều tra, phân loại và xây dựng thành công bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, bản đồ sử dụng đất nông nghiệp cho khoảng 80% địa phương trong tỉnh, từ đó làm căn cứ cho các địa phương xây dựng phương án chỉ đạo sản xuất. Các biện pháp kỹ thuật về xác định cơ cấu giống, thời vụ gieo cấy, gieo mạ non, cấy nông tay, bón phân cân đối… được tập huấn sâu rộng và toàn diện tới nông dân. Song song với đó, Trung tâm đã nghiên cứu, tìm kiếm và du nhập hàng nghìn giống lúa mới để khảo nghiệm, xây dựng mô hình, tìm ra bộ giống lúa phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh, năng suất cao vượt trội gấp 2 - 3 lần giống cũ, bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh. Trong giai đoạn từ năm 1993 - 2003, với sự đóng góp tích cực của Trung tâm Khuyến nông đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong tỉnh phát triển vượt bậc, đưa năng suất lúa từ 72,69 tạ/ha/năm (năm 1991) lên 126 tạ/ha/năm (năm 2002), lương thực bình quân đầu người từ 398kg (năm 1991) lên 604kg (năm 2002); sản lượng thịt hơi xuất chuồng 31,8 nghìn tấn (năm 1991) lên 60,6 nghìn tấn (năm 2002).

Từ năm 2003 - 2013, công tác khuyến nông tập trung vào mục tiêu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Qua triển khai công tác khảo nghiệm, xây dựng mô hình, các giống cây trồng, con vật nuôi mới, có hiệu quả được khuyến cáo mở rộng, điển hình: giống lúa BC15, D.ưu 527, lúa nếp Lang liêu, giống ngô nếp MX4, MX10, giống dưa Kim cô nương, Bạch lê… Đặc biệt, giống lúa BC15 do cán bộ Trung tâm Khuyến nông Thái Bình chọn tạo đã được Tập đoàn ThaiBinh Seed lọc và nhân dòng thuần.  Hiện nay, giống BC15 đã có trong cơ cấu giống lúa của tỉnh và vươn tầm khắp cả nước. Khi áp dụng bộ giống lúa ngắn ngày đã làm cơ cấu mùa vụ thay đổi, đây là bước đột phá rõ nét trong thâm canh cây lúa tại Thái Bình và là một trong những tỉnh đi đầu với thời vụ xuân muộn - mùa sớm. Từ đó mở lối cho phong trào phát triển cây vụ đông của tỉnh, các mô hình luân canh, xen canh, tăng vụ được phát triển, nhiều mô hình đạt 4 - 5 vụ đã hình thành; các mô hình chuyển đổi vụ lúa xuân, lúa mùa trên chân đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây rau màu có giá trị kinh tế cao được phát động mạnh mẽ.

Từ năm 2013 đến nay, bám sát định hướng của ngành nhằm phát triển nông nghiệp sinh thái, hiệu quả và bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái, hoạt động khuyến nông đã chú trọng hỗ trợ các đối tượng nông dân sản xuất hàng hóa, áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến và ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào sản xuất. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số.

“Tri thức hóa” nông dân trong thời kỳ mới

Ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Nông nghiệp đang trở thành ngành kinh doanh hiện đại, thay vì chỉ dựa trên kinh nghiệm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, những người sản xuất nông nghiệp phải cập nhật tri thức mới, kỹ năng mới để làm giàu trí tuệ của mình, để nghĩ sâu hơn, nhìn xa hơn, trông rộng hơn. “Tri thức hóa” nông dân, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý sản xuất, kinh doanh, thương mại nông sản tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoạt động khuyến nông.

“Tri thức hóa” nông dân gắn với quá trình tổ chức lại sản xuất, phát triển các tổ chức nông dân; phân loại các hộ nông dân để có các giải pháp hỗ trợ đào tạo, tư vấn, cung cấp các dịch vụ thông tin, phát triển nông nghiệp khác nhau; xây dựng một số mô hình “sáng tạo đổi mới” trong nông nghiệp phù hợp với các nhóm hộ nông dân; nâng cao năng lực của các tổ chức dịch vụ công nhà nước và đa dạng hình thức cung cấp thông tin cho nông dân.

Đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động khuyến nông phù hợp với trình độ phát triển sản xuất, áp dụng phương pháp “khuyến nông nhóm” để nông dân tự tác động lẫn nhau, cán bộ khuyến nông chỉ hướng dẫn, thúc đẩy. Chuyển từ khuyến nông “cầm tay chỉ việc” sang tư vấn, gợi ý. Trên cơ sở ứng dụng những tiến bộ công nghệ thông tin để xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh thêm các kênh thông tin tuyên truyền khuyến nông trên điện thoại thông minh, internet như: tin nhắn SMS, mạng xã hội facebook, nhóm zalo, website ngành nông nghiệp, chuyển đổi số, phần mềm cơ sở dữ liệu nông nghiệp của tỉnh… để cung cấp cho nông dân các tài liệu, cẩm nang kỹ thuật, clip hướng dẫn kỹ thuật sản xuất một cách thuận lợi, nhanh chóng, giảm chi phí in ấn. Đồng thời, cũng tạo điều kiện thông tin hai chiều, giúp người dân phản ánh những vấn đề cần thiết, bất cập trong quá trình sản xuất đến các đơn vị chức năng, chính quyền các cấp.

Chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển đủ khẳng định vai trò, sứ mệnh công tác khuyến nông đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Thái Bình. Trong những năm tiếp theo, hệ thống khuyến nông tiếp tục phát huy những thành tích và kinh nghiệm tốt, không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khuyến nông đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn sản xuất và mong đợi của bà con nông dân, xứng đáng với kỳ vọng của người đứng đầu ngành nông nghiệp: “Ở đâu có nông dân - ở đó có khuyến nông”.

Ngân Huyền