Thứ 6, 03/05/2024, 17:33[GMT+7]

Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Thứ 6, 22/12/2023 | 15:20:49
15,994 lượt xem
Sáng ngày 22/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.

Video: 221223_-_TRUC_TUYEN_VAN_HOA.mp4?_t=1703244540

 

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Công nghiệp văn hóa là các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá, phân tích những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua, đồng thời nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới; đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách; đưa ra những sản phẩm, dịch vụ nào cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao; giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa cả về số lượng và chất lượng…

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị, báo cáo và các ý kiến tại hội nghị; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến.

Đối với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí) để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung hoàn thiện, trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó đề cập nhiệm vụ ban hành chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới; xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa…

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng đề nghị căn cứ tình hình thực tế để xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là phát triển các không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ sáng tạo và người thực hành sáng tạo trên địa bàn; lựa chọn lĩnh vực công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững. Đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong phát triển, khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng của địa phương, gắn các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa với du lịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế. Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá văn hóa, công nghiệp văn hóa… 

Thủ tướng Chính phủ tin tưởng hội nghị sẽ tạo niềm tin, khí thế mới, động lực mới để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Tú Anh