Chủ nhật, 19/05/2024, 09:03[GMT+7]

Thái Bình Phát triển hệ thống nhà văn hóa

Thứ 2, 02/12/2013 | 09:23:53
1,728 lượt xem
Thái Bình là quê hương có bề dày truyền thống văn hóa, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Là tỉnh đầu tiên trong cả nước khép kín hệ thống nhà văn hóa (NVH) cấp huyện, là một trong hai tỉnh của cả nước khép kín hệ thống NVH xã và là một trong số ít tỉnh có thiết chế NVH thôn, tổ dân phố phát triển khá mạnh. Trong những năm qua, đặc biệt từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), sự nghiệp văn hóa nói chung và hoạt động của thiết chế NVH nói riêng càng được chú

Tiết mục “Hát mừng xuân nông thôn mới” của đoàn xã Hùng Dũng (Hưng Hà).

Thiết chế NVH đã phát huy chức năng, nhiệm vụ phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị, thực sự đã trở thành một hệ thống tác nghiệp vừa tổ chức, vừa hướng dẫn, định hướng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần khơi dậy tiềm năng văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân; thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Năm 1999, Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã xây dựng và tham mưu Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trình Ủy ban nhân dân ký Quyết định số 1086/1999/QĐ-UBND ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động NVH xã, phường, thị trấn; Quyết định số 48/2005/QĐ-UBND ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động NVH xã, phường, thị trấn. Đó là những căn cứ pháp lý quan trọng, thúc đẩy phát triển hệ thống thiết chế nhà văn hóa cơ sở trên địa bàn Thái Bình.

Năm 2009 tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước, đến nay, toàn tỉnh đã có 1.535/2.083 NVH thôn, làng, tổ dân phố đã được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả. Trong số 1.535 NVH thôn, làng, tổ dân phố, có 851 NVH xây mới với tổng giá trị đầu tư từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng/NVH. Việc xây dựng NVH thôn, làng, tổ dân phố đã được các cấp chính quyền cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, kết hợp giữa nguồn ngân sách và huy động nguồn lực trong nhân dân, có nơi thực hiện đổi đất lấy công trình. Hầu hết các huyện đều có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch quỹ đất dành cho NVH thôn, làng, tổ dân phố.

Với nhận thức Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy xã hội, Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã luôn đặt ra tiêu chí hàng đầu trong các hoạt động là phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị, bám sát cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, xây dựng phong trào văn hóa vì dân và do dân. Hàng năm Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh và Trung tâm VH-TT các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức các Hội thi, Hội diễn, Liên hoan, Giao lưu văn nghệ từ cấp cơ sở xã, phường đến huyện, tỉnh, trung ương và tổ chức ở các cấp, các ngành, các đoàn thể, lực lượng vũ trang, quân đội nhân dân... tiêu biểu như: Hội diễn tiếng hát nông dân, Liên hoan hát dân ca - nhạc cụ dân tộc và trích đoạn chèo cổ, Hội thi làng văn hóa hát dân ca, Liên hoan nghệ thuật múa rối nước... Thông qua các Hội thi, Hội diễn đã thúc đẩy phong trào nghệ thuật quần chúng phát triển rộng khắp từ các thôn, xã đến các cơ quan, doanh nghiệp, trường học.

Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã chỉ đạo và hướng dẫn Trung tâm VH-TT các huyện, thành phố tổ chức nhiều hoạt động mang tính định hướng cho phong trào cơ sở. Khai thác và phát huy thế mạnh bản sắc văn hóa của từng vùng, từng địa phương thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn nghệ quần chúng. Xây dựng nhiều mô hình hoạt động như: Mô hình thi hát và biểu diễn nghệ thuật chèo truyền thống, mô hình tổ chức lễ hội cách mạng và lễ hội truyền thống, mô hình CLB đàn và hát dân ca, v.v... Đến nay toàn tỉnh đã có trên 70 mô hình mẫu hình hoạt động đang thực sự phát huy hiệu quả. Nhiều mô hình, mẫu hình đã nhân ra diện rộng trong cả nước như mô hình CLB nghệ thuật dân gian, CLB văn hóa học sinh sinh viên... Hiện nay toàn tỉnh đã có trên 3.000 CLB với trên 60 loại  hình khác nhau, thường xuyên duy trì hoạt động ở cơ sở.

Câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật thôn Thượng Phúc, xã Quang Trung (Kiến Xương) múa hát trong Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Ngọc Trâm

Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa nòng cốt ở cơ sở, mở lớp tập huấn cho đội ngũ tác giả đạo diễn không chuyên.  Xây dựng hệ thống tài liệu làm mẫu hướng dẫn cho cơ sở như: Bản tin nghiệp vụ, tập san thông tin nghiệp vụ NVH, kịch bản sinh hoạt CLB, cung cấp các tập ca khúc, kịch bản sân khấu, băng đĩa tuyên truyền kịp thời thường xuyên đã tạo cho các hoạt động của hệ thống NVH có nội dung và hình thức phong phú đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Hướng dẫn Trung tâm VH-TT các huyện, thành phố mở các lớp dạy nhạc cụ dân tộc, múa hát chèo, hát dân ca. Đưa nghệ thuật hát múa chèo vào học đường. Hoạt động này đã thực sự phát huy tác dụng đáp ứng được nhu cầu múa hát chèo và sáng tác chèo của quần chúng nhân dân. Nhờ hiệu quả của các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đã tạo nên những hạt nhân làm nòng cốt cho phong trào cơ sở, góp phần vào việc bảo lưu nghệ thuật truyền thống của quê lúa Thái Bình.

Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã triển khai các nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các dự án, quỹ hỗ trợ quốc tế để khôi phục, bảo lưu loại hình nghệ thuật truyền thống. Năm 2001 Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: "Thực trạng và giải pháp nhằm khôi phục nghệ thuật múa Rối nước ở Thái Bình". Qua quá trình thực hiện đã khôi phục được phường Rối làng Đống xã Đông Các, phường Rối xã Nguyên Xá (huyện Đông Hưng) và đã phục dựng được nhiều tích trò, trò diễn, định hướng cho các nghệ nhân truyền nghề cho lớp trẻ.

Năm 2002, được sự hỗ trợ của Viện Văn hóa dân gian Việt Nam, Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã tổ chức mở lớp dạy hát các làn điệu chèo cổ cho thanh thiếu niên và nhi đồng làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng) thời gian 3 tháng và hỗ trợ xã xây Nhà thờ Tổ Chèo. Năm 2011 mở lớp dạy múa hát chèo cho thanh thiếu niên và nhi đồng xã Thụy Dân (Thái Thụy). Kết quả đã truyền dạy được 8 làn điệu chèo cổ cơ bản, đến nay các cháu đã hát múa thuần thục các điệu chèo và đi biểu diễn phục vụ lễ hội 14/10 và phục vụ lễ khai mạc Liên hoan nghệ thuật chèo chuyên nghiệp toàn quốc tại Thành phố Thái Bình.  Năm 2007, Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã tổ chức lớp học đàn và hát Ca trù cho diễn viên và nhạc công không chuyên ở các huyện và thành phố, thời gian 2 tháng qua sự truyền dạy của các nghệ nhân CLB Ca trù Thăng Long - Hà Nội. Sau lớp học Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã thành lập CLB Ca trù và CLB tiếp tục truyền dạy cho một số hạt nhân văn nghệ của 2 xã Bình Định, Hồng Thái (Kiến Xương), truyền dạy cho một số hạt nhân nòng cốt của huyện Tiền Hải.

Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã thực hiện một số đề tài khoa học cấp ngành. Năm 2008, Đề tài: "Nghiên cứu, sưu tầm và phổ biến các làn điệu chèo cổ"; Năm 2011- 2012, Đề tài: "Nghiên cứu sưu tầm, chọn lọc và hướng dẫn việc sử dụng nghệ thuật chèo phục vụ quá trình tuyên truyền nông thôn mới". Sau khi triển khai thực hiện các đề tài, Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã chọn lọc, biên tập và xuất bản một số cuốn sách chèo để phục vụ cho cơ sở.

Hàng năm, Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh và Trung tâm VH-TT các huyện, thành phố phối hợp tổ chức các lễ hội cách mạng và lễ hội truyền thống phục vụ nhân dân. Qua các lễ hội cách mạng và lễ hội truyền thống các loại hình diễn xướng, trò chơi dân gian cũng được khôi phục, duy trì và phát huy như: Múa kỳ lân sư tử, múa rồng,  đèn trời, pháo đất (huyện Đông Hưng), đốt lửa nấu cơm thi (huyện Kiến Xương)... Từ các hội làng, nhiều điệu múa dân gian cổ truyền đặc sắc được khôi phục khá nguyên vẹn như: Múa ông Đùng bà Đà ở Thái Thụy, múa Bát giật, múa Sênh tiền mõ lộn ở An Khê (Quỳnh Phụ), du thuyền hát hội (Vũ Thư)...

Bên cạnh đó, hệ thống NVH còn có lực lượng xung kích trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chuyển tải tới người dân một cách nhanh nhạy, kịp thời. Đó là Đội tuyên truyền lưu động từ tỉnh đến các huyện đã luôn luôn đổi mới tư duy, phương thức hoạt động và hình thức tuyên truyền như: Xe tuyên truyền, băng đĩa, băng biển khẩu hiệu và nhất là tuyên truyền bằng văn nghệ. Luôn khai thác thế mạnh của bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống ở Thái Bình để dàn dựng các bài hát chèo, hoạt cảnh chèo có nội dung tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị có hiệu quả nhất.

Vũ Thị Toan
(Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh)

 

  • Từ khóa