Thứ 2, 29/04/2024, 04:00[GMT+7]

Đôi dép Bác Hồ

Thứ 5, 09/12/2010 | 14:27:52
7,476 lượt xem
Thời của tôi, tuy đã ở tuổi 11- 12 nhưng tôi vẫn chưa một lần được đặt chân vào đôi dép. Còn nhớ những năm khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, vào dịp vui xuân đón tết tôi thường được mẹ dắt ra chợ chọn mua cho một đôi guốc. Gọi là chọn thực tình chỉ cốt ướm vừa chân chứ hình thức mẫu mà đều độc nhất thứ guốc mộc gỗ xoan.

Đôi dép Bác Hồ. Ảnh nguồn internet

Những đêm trăng tỏ bọn loai choai chúng tôi mỗi đứa "thắng" một đôi guốc rồi bá vai nhau bước lộc cộc trên quãng đường làng. Bữa ăn chỉ cơm độn khoai suốt ngày lại lo chạy máy bay, chạy càn tối đến vẫn có đôi guốc dạo chơi cùng bè bạn thôi thế cũng tạm gọi "mát mặt".

 

Đầu năm 1955 được lên học lớp 5 trường cấp II trên huyện bỗng nhận ra đôi guốc một không thể lẽo đẽo theo mình suốt quãng đường 8-9 cây số từ nhà tới trường nữa rồi. Cứ lo không biết lấy gì mà đi vào chân để ngày ngày đủ sức cuốc bộ cùng bè bạn. Giữa lúc ấy, lần đầu trong đời tôi được làm quen với một loại dép mang tên: Dép Bình Trị Thiên.

 

Thực tình cứ nghe người ta gọi sao thì mình cũng gọi vậy. Dần dà mới vỡ lẽ, tại chiến trường Bình Trị Thiên liền nảy ra sáng kiến "Việt Nam hoá" chiến lợi phẩm thư được bằng cách xẻ lốp xe làm đế, cắt xăm xe làm quai thế là ra đời ngay loại dép cao su đi kèm "thương hiệu": Dép Bình Trị Thiên. "Phát minh" này mau chóng lan khắp cả nước nên chúng tôi mới có dép đi đường xa. Dép cao su có loại đế mỏng có loại đế dày.

 

Đề càng dày càng nặng bao nhiêu có vẻ càng "có giá" bấy nhiêu. Mang ở chân đôi dép cao su nặng chịch, đen nhẻm ừ thì không "sang" nhưng ở thời khó khăn ấy nếu không có dép cao su liệu lấy gì mà đi? Đi dép cao su sướng thật là gặp gạch đá, gai góc cứ thoải mái bước tràn cung mây chẳng phải ngập ngừng gì hết.

 

Chỉ một nỗi khổ ai cũng nếm trải ấy là giữa đường chẳng may... hỏng quai. Hỏng quai ý nói đến hai sự cố: đứt quai và tuột quai. Cả hai đều thuộc hàng "đại hoạ" trên đường. Dùng dép cao su lại không để tâm "phòng bị" trước nếu chẳng may gặp "đại hoạ" thì chỉ độc nhất biện pháp... tìm dây buộc dép khoác vào vai đành chân trần bước bộ.

 

May thay song song với sự ra đời của đôi dép cao su,một loại "công cụ bảo hành lưu động" đã kịp thời xuất hiện: Chiếc xâu quai dép. Vào thời "hoàng kim" của dép cao su, chiếc xâu quai dép được tôn là "đồ nghề bất ly thân" của tất thảy mọi người. Thuở ấy "cả làng" hâm mộ dép cao su liền nghe ai đó sáng tác ra câu dặn dò rất chí dí dỏm: "thương lộ quên gì thì quên chứ chớ dại quên... chiếc xâu quai dép!".

 

Lại thấy bên cạnh chiếc xâu quai dép nhiều người còn cẩn thận gói kèm miếng xà phòng nho nhỏ. Đố biết dùng làm gì?. "Thuốc bôi trơn" đấy! Xâu quai dép mà có tí xà phòng làm cho trơn thì nhàn nhã hết chỗ nói, đỡ phải "đỏ mặt tía tai". Xuất xứ từ phế liệu, dép cao su thuộc hàng tư trang rẻ tiền của tầng lớp bình dân lam lũ, tôi nghĩ vậy và chắc ai cũng đinh ninh vậy.

 

Thế rồi những năm 1961, 1962... học ở Hà Nội tôi có cơ may đôi lần được thấy Bác Hồ khi Người đến thăm trường bổ túc Công Nông và Trường Dân tộc Trung ương. Thấy Bác trên xe bước xuống, hình ảnh đầu tiên khiến tôi bàng hoàng đó là đôi dép cao su ở chân Bác.

 

Trời ơi, một ông vua, một vị Chủ tịch đứng đầu Quốc gia lại chất phác đến thế này sao? Những chiến sỹ, những người dân của đất Bình Trị Thiên khói lửa đi dép cao su? Những chiến sỹ, những người dân của đất Bình Trị Thiên khói lửa đi dép cao su. Nông dân, công nhân, cán bộ, học sinh... khắp mọi miền đi dép cao su. Hẳn Bác thương họ lắm nên chẳng ngại ngần tự sắm cho mình một đôi dép cao su được làm từ phế liệu.

 

Đi thăm công nhân, ra đồng làm việc với nông dân, lên trận địa khích lệ các phép thủ trực chiến... đến đâu cũng gặp đôi bàn chân Bác ung dung mang dép cao su để rồi cả đất nước này, cả Dân tộc này cùng đồng giọng tấu lên âm hưởng một bài ca bắt nguồn từ đôi dép cao su huyền thoại: "...

 

Bác đi từ ở chiến khu Bắc về. Phố phường trận địa, nhà máy đồng quê đều in dấu dép Bác về Bác ơi!...". ra đời từ thứ phương tiện chiến tranh của kẻ thù đã bị quân dân ta vô hiệu hoá, đôi dép cao su cứ thế sinh sôi nảy nở nhờ sự kích hoạt của tố chất cần kiệm đáng quý ở một con người Việt Namon> khả kính - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Bác ơi, khi quân thù điên cuồng dùng súng bom khuất phục người Việt Nam thì ngay lập tức lớp lớp bộ đội, lớp lớp TNXP đôi chân chỉ có dép cao su vẫn dũng mãnh vượt lên sỏi đá, băng qua đèo dốc xẻ dọc Trường Sơn tiến về một hướng duy nhất: Tiền phương.

 

Những đôi dép cao su thần kỳ đã đạp lên đầu thù buộc chúng phải cuốn cờ, bắt chúng phải giơ tay đầu hàng để giang sơn gấm vóc Việt Nam thu trọn một mối vào 11 giờ 30 phút trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử.

 

Giờ đây không còn ai đi guốc mộc, đi dép cao su như chúng tôi ở thời xa. May mắn thay khi về bên Bác hôm nay chúng ta vẫn thấy còn đó một thứ tài sản thiêng liêng từng gắn bó với Bác suốt bốn mùa xuân, hạ, thu đông: Đôi dép cao su. Từ đôi dép cao su ta thấy lung linh tác phong chất phác giản dị, tinh thần đồng cam cộng khổ, đức độ cần kiệm liêm chính đặc hữu của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

 

Ôi, đôi dép cao su Bình Trị Thiên - Đôi dép Bác Hồ hiển hiện rồi trường tồn xứng đáng thứ giáo cụ trực quan sống động mãi mãi dạy ra bài học làm người.

Tuỳ bút của Hoàng Ngọc Khuyến

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày