Chủ nhật, 28/04/2024, 23:43[GMT+7]

Chuyện "ăn tết" và "vui tết"

Thứ 4, 26/01/2011 | 08:14:04
6,165 lượt xem
Xưa nay tết Nguyên đán (tết đầu năm) luôn được người Thái Bình xem trọng. Người Thái Bình cũng như người Việt Nam quan niệm rằng mọi cái vận hạn, cái xấu của năm cũ đã qua, năm mới vận hội mới, may mắn, tốt đẹp hơn sẽ đến…

Mâm cỗ ngày tết ở một gia đình nông thôn.

Người xưa thường nói “ăn tết”. Cái ăn được quan tâm trước tiên vì quanh năm đã ăn đói, mặc rách, quanh năm “đầu tắt mặt tối”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn đói vẫn nghèo, muốn để năm sau khá hơn thì phải lo cho ngày tết đủ ăn, ngày tết không thể đi mượn (mà cũng chẳng ai cho mượn trong ngày tết).

 

Những gia đình có “bát ăn bát để” cố gắng đụng lấy một quày thịt lợn để con cháu có lòng lợn, tiết canh ăn trong ngày 29 hoặc 30 tết vì cả năm chẳng bao giờ có.

 

Dù giàu nghèo, sang hèn nhưng ngày tết phải có:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

 

Câu đối trên mới chỉ nêu được ba món ăn. Thực tế cỗ tết phong phú hơn nhiều. Thường cỗ tết phải có giò lụa (giò nạc) giò cuốn (giò mỡ), giò xào, giò pha; có chả quế, ninh mọc, thịt gà; có món rau cần nấu thịt trâu, nâu ám (nấu với cá quả); có bánh chưng, bánh mật, bánh cáy, chè lam… Ăn chẳng hết, nhưng người ta cứ bày ra thật nhiều, thừa thãi mong cho năm sau dồi dào thức ăn.

 

Ngày tết, con cháu đến chúc tết cha mẹ, ông bà, hàng xóm láng giềng đến chúc tết nhau, đều được mời ăn, “ăn lấy may”.

 

Một số làng, một số họ ở Thái Bình có lệ ngày mồng một tết, con cháu ngành thứ sắp một mâm cỗ đến nhà trưởng nam cúng tổ tiên rồi cùng ăn tết hoặc sắm lễ (trầu cau, xôi, gà, rượu…) đến dâng lễ. Nhiều họ có quy định chặt chẽ, sư lệ họ Phan (Ngô) làng Tống Vũ xã Vũ Chính, Thành phố Thái  Bình ghi:

“Ngày 30 tết giờ Ngọ, ngày Nguyên đán gìơ Dần ngày mồng 2 mồng 3 tết giờ Tỵ, từ 16 tuổi trở lên phải sắm lễ (một lá trầu, một quả cau, rượu, gà giò hoặc thủ lợn, xôi) nội trong bốn ngày tết, luân lưu mỗi người, mỗi ban thờ sắm lễ. Bà con trong họ khăn áo chỉnh tề, kính cẩn bái lễ”.

 

Họ Đỗ làng Hậu thượng xã Bạch Đằng huyện Đông Hưng tuy không ghi chép thành văn nhưng có lệ, ngày tết người trong họ chỉ cần quả cau, lá trầu đến chúc tết nhau, việc ăn uống không diễn ra trong ba, bốn ngày tết mà từ mồng mười tháng giêng trở ra… cho đến cuối tháng giêng, lần lượt các gia đình trong họ mời nhau đến ăn tết.

 

Ngày tết cũng là dịp mừng thọ các cụ cao tuổi, nhiều làng có lệ lên lão, lệ yến lão, con cháu làm cỗ mời các cụ cao tuổi dự để con cháu có dịp chúc mừng. Ngày xưa tuổi thọ thấp nên 55  60 tuổi đã được lên lão, mừng thọ.

 

Tục lệ làng La Vân (xã Quỳnh Hồng huyện Quỳnh Phụ) ghi: “Lệ thượng thọ,  hễ ai tuổi 58 thì lên thượng thọ, người giàu có thì trâu hoặc bò và một mâm bánh trôi, còn người nghèo thì xôi, gà, để tế thần, biếu dân”. (Tục lệ soạn năm Đồng Khánh thứ hai (1887).

 

Ngày xưa  người dân không chỉ lo ăn tết mà còn nghĩ đến cả yếu tố văn hoá, vui chơi trong tết. Sau những ngày ăn tết no say thì nghĩ đến chơi tết vì quan niệm tháng giêng là tháng ăn chơi, nên thường tổ chức càc trò chơi trong các ngày tết, tổ chức hội làng trong tháng giêng.

 

Thống kê bước đầu trong tháng giêng cả tỉnh có tới 54 hội làng. Có hội chỉ diễn ra trong ngày và một năm chỉ có một ngày như hội chợ Giếng làng Trình Phố (Tiền Hải), hội chợ Gòi làng Phong Lôi (Đông Hưng), hội chợ Nễ làng Từ Châu (Vũ Thư).

 

Nhiều hội làng cả vùng đến dự như họi chùa Keo mồng bốn tháng giêng, hội đền Vua Rộc (Kiến Xương) hội làng Giắng (Thượng Liệt) Đông Tân - Đông Hưng; hội chùa Múa, hội Lạng (Vũ Thư); hội làng La Vân (Quỳnh Phụ), đây là một làng duy nhất ở Thái Bình còn giữ được hội trình nghề: sĩ, nông, công, thương.

 

Ngày Tết nguyên đán không chỉ có ăn uống, vui chơi mà còn là ngày sum họp của mỗi gia đình, là ngày hướng về cội nguồn… Những người đi làm ăn xa, ngày Tết về nhà, về làng ăn tết, họp mặt, thưởng ngoạn phong cảnh làng quê.

 

Phạm Minh Đức

Thành Phố Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày