Thứ 6, 03/05/2024, 03:13[GMT+7]

Chèo Khuốc: Níu chân người xa, mê hoặc người gần

Thứ 6, 29/12/2023 | 15:16:29
25,350 lượt xem
Sinh ra và lớn lên ở “quê lúa, đất chèo” nhưng không hẳn ai cũng đã trải nghiệm xem hát chèo ở làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng) - một trong ba làng chèo cổ của Thái Bình. Những buổi biểu diễn mang chất mộc mạc, dân dã của làng quê níu chân du khách bởi niềm đam mê, lòng nhiệt tình “cháy” hết mình trên sân khấu của các nghệ nhân đã gắn bó cả cuộc đời với việc bảo lưu, trao truyền vốn cổ mà cha ông họ để lại.

Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Ro và nghệ nhân Vũ Văn Thìn trong trích đoạn chèo “Lão say cu cậu”.

Hòa trong dòng du khách tấp nập, nhanh chân kịp giờ xem buổi biểu diễn của các nghệ nhân, tôi có dịp trò chuyện với những người dù lần đầu tiên đến làng Khuốc nhưng đã có nghiên cứu kỹ về nơi đây qua các nguồn tài liệu khác nhau. Trong đó có cả những du khách nước ngoài không thông thạo tiếng Việt nhưng vẫn mong muốn ghi lại hình ảnh về những trích đoạn và làn điệu chèo cổ được nghệ nhân làng Khuốc biểu diễn. 

Đêm chèo mở màn với làn điệu “Ván cờ tiên” trích trong vở chèo cổ “Từ Thức du tiên”. Nghệ nhân làng Khuốc giới thiệu đây là làn điệu rất đặc biệt bởi ai có giọng hát tầm cỡ hẹp thì không thể hiện được. Những tiếng “a”, “ơ” vang, reo cười từ đầu đến cuối làm cho điệu hát vui như lời chúc, nên làn điệu chèo này thường khai mở cho các buổi biểu diễn của làng. 

Sau làn điệu mang không khí vui tươi gợi nhớ đến mỗi dịp hội làng vào đầu xuân năm mới, khán giả được gặp gỡ Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Ro và nghệ nhân Vũ Văn Thìn qua trích đoạn chèo “Lão say cu cậu”. Khán giả bất ngờ với cuộc trò chuyện hài hước trên sân khấu của các nghệ nhân như đang tận mắt chứng kiến khung cảnh một gia đình mà người cha suốt ngày rượu chè, say xỉn đến mức không thể dạy bảo được con trai. Trích đoạn mang thông điệp đả phá những thói hư, tật xấu trong xã hội. 

Bên cạnh thế hệ nghệ nhân đã nổi tiếng và cao tuổi của làng Khuốc, đêm diễn có sự góp mặt các tài năng nhí của làng như cháu Quách Hà Linh là cháu nội của Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Cậy đã tự tin biểu diễn làn điệu “Sắp bay bổng”. Các nghệ nhân giới thiệu: Có rất nhiều làn điệu hát sắp như sắp chột, sắp mưa ngâu, sắp chờ... nhưng làn điệu “Sắp bay bổng” thì chỉ có ở làng Khuốc. Làn điệu này do cố nghệ nhân Hà Quang Bổng của làng sáng tác và được con cháu làng Khuốc chung tay gìn giữ, trao truyền. 

Chăm chú theo dõi buổi biểu diễn, cũng như nhiều khán giả làng Khuốc, bà Quách Thị Nõn, xã Phong Châu (Đông Hưng) không khỏi xúc động, bà chia sẻ: Chúng tôi rất phấn khởi vì nghệ nhân làng Khuốc đã được các nghệ nhân từ đời xưa trau dồi, dạy dỗ và quyết tâm gìn giữ, nối tiếp truyền thống. Từ khi chúng tôi mới lên 5 tuổi đã được các cụ, các ông bà, các bác nghệ nhân dạy hát chèo từ điệu lới lơ cho đến những điệu hát cổ ví dụ hề đơn đó, lận đận, hải đường... Giờ đây, chúng tôi truyền lại cho con cháu của làng không chỉ lời ca, điệu múa mà còn cả lòng tự hào, trọng trách của người làng Khuốc với vốn quý của làng.

Trong hơn 1 giờ, nối tiếp các tiết mục được nghệ nhân làng chèo biểu diễn, khán giả chìm đắm trong không gian nghệ thuật cổ truyền, khi lời chào kết vang lên cũng là lúc những tràng pháo tay không ngớt. Hân hoan trong niềm vui mừng, nhiều khán giả là người nước ngoài, tỉnh ngoài bước lên sân khấu trực tiếp trò chuyện cùng các nghệ nhân. Tình yêu, sự trân trọng với nghệ thuật chèo - vốn cổ của làng Khuốc đã kéo gần lại những người chưa một lần gặp mặt, quen biết. 

Là một trong những khán giả của đêm biểu diễn nghệ thuật chèo, PGS, TS Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam xúc động chia sẻ: Dù đã biết đến làng Khuốc là nôi chèo gốc rất nổi tiếng nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đến làng Khuốc. Ở trong không gian làng chèo, cảm xúc của tôi rất vui mừng bởi bà con vùng đất này đã giữ chèo, yêu chèo, bảo tồn chèo. Tình cảm ấy không chỉ ở các nghệ nhân biểu diễn trên sân khấu mà còn từ khán giả, đúng là cái nôi gìn giữ di sản được bền lâu.

Các nghệ nhân biểu diễn làn điệu “Ván cờ tiên”.

Còn bà Phạm Thị Kiều Ly, Đại học Quốc gia Hà Nội cảm nhận: Trước khi về làng Khuốc, tôi đã đọc rất nhiều, nghiên cứu nhiều về chèo nhưng thực sự vẫn rất xúc động bởi cảm thấy đây là trải nghiệm đáng quý và tuyệt vời. Thông qua buổi biểu diễn, tôi hiểu chèo cổ là như thế nào, người dân làng Khuốc đã lấy những tích cổ để biểu diễn cho mọi người xem, vì vậy khán giả không chỉ xem biểu diễn mà còn suy nghĩ về những tích đang được biểu diễn, ca từ mà các nghệ nhân đang sử dụng có nghĩa là gì, có những từ là từ cổ mình chưa hiểu hết nghĩa. Thực sự không chỉ là xem biểu diễn mà còn là tìm hiểu ước lệ của động tác và ngôn ngữ trong mỗi vở diễn.

Đêm biểu diễn nghệ thuật chèo làng Khuốc khép lại trong niềm vui mừng, phấn khởi của các nghệ nhân khi ngày càng có đông công chúng yêu chèo tìm về làng Khuốc để xem và nghe chèo cổ. Còn đối với các du khách, những tiết mục chèo cổ để lại trong họ nhiều cảm xúc, qua đó sẽ góp phần lan tỏa những giá trị của nghệ thuật truyền thống đến thế hệ hôm nay và mai sau.

Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Ro, làng chèo Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng)
Không có các yếu tố vang, rền, nền, nảy như các đoàn chuyên nghiệp, nghệ nhân làng Khuốc diễn chèo đề cao yếu tố tròn vành, rõ chữ để người nghe hiểu rõ từng câu từ trong lời ca, lời thoại. Mỗi buổi biểu diễn nơi chiếng chèo của làng với rất đông khán giả địa phương và du khách thập phương đều khiến cho tôi có cảm nhận chèo đang khởi sắc. Chúng tôi phấn khởi lắm, tin tưởng chèo sẽ không bao giờ bị mai một nữa bởi cái gốc chèo đã được khai thác.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thị Hoa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương
Tôi rất say sưa nghiên cứu kỹ về âm nhạc chèo vì đây là thành tố quan trọng. Âm nhạc trong chèo mang tính dân gian rất rõ, các nghệ nhân chơi ngẫu hứng rất nhiều, mỗi lần chơi lại một lần sáng tạo tác phẩm. Mong rằng sẽ có những chính sách tốt đối với các nghệ nhân để họ yên tâm trao truyền bằng cách truyền miệng, truyền khẩu, truyền tay những ngón đàn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Filip Kraus, Đại học Palacky, Cộng hòa Séc
Điều khiến cho tôi cảm thấy ấn tượng nhất trong đêm trình diễn nghệ thuật chèo làng Khuốc là sự tham gia của các nghệ nhân ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có những người đã rất cao tuổi và cũng có những em nhỏ còn đang trên ghế nhà trường nhưng tự tin thể hiện xuất sắc vai trò của mình. Tôi cho rằng điều khiến chèo trở nên đặc biệt là loại hình nghệ thuật này được sáng tạo và trình diễn bởi những người dân, là lăng kính phản ánh cuộc sống của người dân trong xã hội của họ.

Anh Tú

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày