Thứ 6, 03/05/2024, 11:42[GMT+7]

Phát triển thủy sản bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Chủ nhật, 31/03/2024 | 23:37:03
17,326 lượt xem
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của ngành thủy sản Việt Nam, thủy sản Thái Bình cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ, có sự phát triển nhanh và bền vững về mọi mặt: nuôi trồng, chế biến, quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý tàu thuyền khai thác hải sản và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá

Thả giống thủy sản về tự nhiên góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Cách đây 65 năm vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà. Tại đây, Người đã dạy: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử này và thể theo nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động và đông đảo bà con ngư dân, quyết tâm thực hiện lời dạy của Người, ngày 18/3/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg chính thức lấy ngày 1/4 hàng năm là ngày truyền thống ngành thủy sản. 

65 năm qua, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, công chức, người lao động ngành thủy sản và bà con ngư dân cả nước đã tích cực hưởng ứng, không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, đầu tư nguồn vốn, nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến từng bước chuyển từ hình thức sản xuất nhỏ, thủ công, tự cung, tự cấp vươn lên trở thành ngành sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn về cho đất nước. Tổng sản lượng thủy sản hàng năm đạt trên 9 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 9 tỷ USD, năm 2022 đã đạt tới 11 tỷ USD, đến nay sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 1 triệu lao động trực tiếp và khoảng 4 triệu lao động gián tiếp. Đặc biệt, hoạt động khai thác thủy sản giải quyết sinh kế cho người dân vùng ven biển, hải đảo, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Cùng với sự phát triển chung của ngành thủy sản Việt Nam, có sự đóng góp của thủy sản Thái Bình, với định hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản xuất gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái. Trong đó, sản lượng thủy sản năm 2023 đạt 289.493 tấn, tăng 253% so với năm 2010 (114.506 tấn), giá trị đạt 5.942,8 tỷ đồng, tăng 574% so với 2010 (1.034,89 tỷ đồng), đã đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung trong ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế của tỉnh. Sự phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực thủy sản, đặc biệt lực lượng sản xuất, nuôi trồng, khai thác thủy sản và các cơ sở hạ tầng nghề cá đã giúp đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân được nâng cao rõ rệt. Đến nay, nuôi trồng thủy sản tại các địa phương đã phát triển đa dạng các đối tượng, hình thức nuôi trên cả ba loại hình nước mặn, lợ và ngọt, trong đó tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao là những đối tượng nuôi chủ lực. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đã tăng từ 69.706 tấn năm 2010 lên 188.098 tấn năm 2023 (tăng 2,6 lần), tốc độ tăng bình quân 9,23%/năm. Diện tích đất chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản trong ao bán nổi đến nay đạt 172,8ha, tăng 19,57ha so với cùng kỳ năm 2022. Toàn tỉnh hiện có 692 lồng nuôi cá và 700 bè nuôi hàu cửa sông, có 26 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Một số cơ sở nuôi đã mạnh dạn đầu tư công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm như nuôi cua trong hộp nhựa, nuôi trong nhà bạt đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Đối với lĩnh vực khai thác thủy hải sản là nghề truyền thống lâu đời của ngư dân Thái Bình, từ một nghề cá nhân dân, hoạt động ở vùng biển gần bờ, đến nay cơ cấu tàu thuyền đã chuyển dịch theo hướng tăng phương tiện khai thác xa bờ, giảm phương tiện khai thác gần bờ, áp dụng cơ giới hóa để khai thác các đối tượng thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. Thực hiện các chính sách hỗ trợ khai thác thủy sản của trung ương và của tỉnh đã khuyến khích, động viên ngư dân trong tỉnh đầu tư đóng mới nhiều tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần; ứng dụng công nghệ tiên tiến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm; trang bị, sử dụng thiết bị thông tin liên lạc như các máy bộ đàm tầm ngắn, bộ đàm tầm xa, thiết bị hàng hải như máy AIS (nhận dạng tự động), máy định vị, máy dò ngang Sonar, thiết bị giám sát hành trình nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện trong quá trình khai thác hải sản cũng như nâng cao năng suất, sản lượng khai thác thủy sản; đã thành lập 35 tổ đội hỗ trợ giúp nhau đánh bắt thủy hải sản trên các vùng biển xa. Toàn tỉnh có 725 tàu cá, tổng công suất máy là 137.528CV (tăng 80.768CV so với năm 2010); sản lượng khai thác đã tăng từ 44,8 nghìn tấn năm 2010 lên 101,393 nghìn tấn năm 2023 (tăng 2,26 lần, với tốc độ tăng bình quân 7,5%/năm). 

Với lĩnh vực chế biến thủy hải sản, Thái Bình đã đóng góp các sản phẩm cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu tiểu ngạch nhiều mặt hàng có chất lượng như ngao, nước mắm, tôm nõn… Đặc biệt thời gian qua, các cơ sở chế biến của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh phát triển mạnh, sản lượng các mặt hàng chế biến đều tăng, hầu hết các đơn vị sản xuất đều bảo đảm chất lượng, mẫu mã được cải tiến, việc xây dựng và đăng ký thương hiệu được chú trọng. Tổng công suất chế biến nước mắm khoảng trên 3 triệu lít/năm, cá khô trên 3.000 tấn/năm, đặc biệt riêng đối với mặt hàng ngao có 2 cơ sở chế biến, công suất khoảng trên 5.000 tấn/năm, sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường EU. Công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ngày càng được các cấp, ngành, đoàn thể quan tâm. Nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao trong việc chấp hành các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. 

Thời gian tới, ngành thủy sản Thái Bình, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh và sự điều hành trực tiếp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ tiếp tục phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn, nhất là nuôi tôm theo phương thức khoa học, hiệu quả và bền vững môi trường. Tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, ổn định khai thác gần bờ. Nâng cao năng lực chế biến sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế và trong nước; bảo vệ và giữ gìn môi trường sinh thái biển, sông, nước, bảo đảm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.

.Mạnh Thắng