Thứ 3, 21/05/2024, 12:58[GMT+7]

Sản xuất nông nghiệp ở Duy Nhất Bao giờ niềm vui trọn vẹn?

Thứ 6, 24/09/2010 | 08:53:48
1,056 lượt xem
Duy Nhất (Vũ Thư) là xã đông dân, quỹ đất canh tác gần 500 ha. Sản xuất nông nghiệp chiếm 51,2% cơ cấu kinh tế. Duy Nhất có truyền thống thâm canh lúa màu, là một trong những xã đi đầu của huyện về gieo sạ và mở rộng diện tích vụ đông trên đất 2 lúa.

Mô hình trình diễn kỹ thuật gieo xạ ở HTX Vũ Hợp, Duy Nhất

Nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của xã là việc quy vùng sản xuất hàng hóa được thực hiện từ 10 năm trước đây để tạo điều kiện đưa máy cày vào làm đất. Chính vì thế, người dân yên tâm mua sắm các phương tiện cơ giới nông nghiệp, đáp ứng công thức luân canh: Xuân muộn- mùa sớm- cây vụ đông. Toàn xã có 11 trạm bơm cố định, 7 máy bơm cơ động, 35 máy bơm nước nhỏ, 64 máy làm đất, 146 giàn gieo sạ. Vụ xuân 2010, Duy Nhất gieo sạ 270 ha. Năng suất tăng hơn cấy 20-30 kg/sào.

Năm 2009, huyện tổ chức hội nghị đầu bờ, các xã đến học tập kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất vụ đông ở Duy Nhất. Tổng diện tích vụ đông toàn xã 391,8 ha, tăng 97,9 ha so với 2008. Tập đoàn cây trồng phong phú, mũi nhọn là cây đậu tương 283 ha, ngô trên 93 ha, còn lại là khoai lang, khoai tây, rau các loại. Có được vụ đông đỉnh cao cả về diện tích năng suất, sản lượng là do nhiều yếu tố như: Sự đột phá của HTX Hành Dũng Nghĩa chuyển từ gieo cấy lúa nếp cổ truyền trên 100 ha sang lúa ngắn ngày, tạo thêm quỹ đất trồng cây ưa ấm.

Nhân dân vào vụ đông phấn chấn bởi chính sách hỗ trợ của huyện về giống đậu tương; Các HTX dịch vụ hỗ trợ khâu tưới tiêu, dự báo phòng trừ sâu bệnh, chuyển giao KHKT, tạo không khí phấn khởi thúc đẩy động viên nhân dân yên tâm tổ chức sản xuất vụ đông. Các thành viên trong ban chỉ đạo được phân công phụ trách từng thôn thường xuyên kiểm tra nắm bắt tình hình thực hiện ở cơ sở, giải quyết kịp thời vướng mắc. Ba HTX phối hợp với chính quyền thôn tổ chức các lớp chuyển giao KHKT đến tận cơ sở thôn, tổ chức thăm  quan các mô hình sản xuất tác động đến tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên.

Do đặc điểm đồng đất úng trũng nên xã chuẩn bị tốt phương án chống úng, giải tỏa dòng chảy, khơi thông mương máng, người dân yên tâm sản xuất.

Năm 2010, xã lập đề án phấn đấu gieo cấy 310 ha trà lúa mùa sớm để chủ động quỹ đất trồng cây vụ đông ưa ấm, phấn đấu gieo cấy xong trước 30/6/2010, gặt xong trước 30/9/2010. Để có diện tích gieo mạ trà sớm, các HTX tổ chức hội nghị thống nhất cơ chế hỗ trợ các hộ gặt lúa non giải phóng nhanh quỹ đất. Các thôn nếu không thuê đổi ruộng mạ thì áp dụng gieo mạ nền cứng, gieo trên vườn, trên đất bãi. Xã gặp mặt động viên chủ phương tiện có máy cày bừa và trâu bò quán triệt thông báo thời vụ làm đất. Cấp ủy, chính quyền, các HTX phấn đấu thực hiện kế hoạch huyện giao gieo trồng 416,91 ha, trong đó đậu tương 281,39 ha, cây ngô 99,47 ha.

Đạt được thành tích đã khó, giữ vững thành tích vụ đông 2009 còn khó khăn hơn. Đó là điều trăn trở của đồng chí Chủ tịch UBND xã qua trao đổi với chúng tôi. Anh cho biết: Triển khai đề án sản xuất 2010 là cả cuộc tranh luận về cơ cấu giống, đến thời vụ gặt sát nút còn chưa ngã ngũ:  Một số ý kiến cho rằng nên chuyển mạnh sang cây ngô.

Vụ đông 2009, một doanh nghiệp về địa phương thu mua cả cây ngô chưa bẻ bắp giá 800 đồng/kg, người bảo để nghiền chế biến thức ăn gia súc. Người cho rằng để xuất khẩu cho cừu ăn. Giá trị một sào ngô đạt 3-4 triệu đồng. Trong khi đậu tương từ 10 ngàn đồng/kg đầu vụ xuống 8,5 ngàn đồng, tiêu thụ lắt nhắt, nhỏ lẻ cho những hộ làm đậu phụ. Vì vậy nhiều hộ lừng chừng khi đăng ký giống đậu tương để trồng. Một số cho rằng nếu trồng ngô doanh nghiệp đó không về mua trong khi thời vụ cấy lúa xuân cận kề, phải thu hoạch ngô non, gặp tiết mưa phùn kéo dài nhiều ngày thì sao? Bởi vì khi địa phương đặt vấn đề ký hợp đồng cho năm sau thì doanh nghiệp từ chối với lý do chính họ cũng làm theo đơn đặt hàng năm nào biết năm đó.

Đối với các hộ muốn trồng ngô, xã chỉ đạo: Trên đất 2 lúa, phải gieo xong trước ngày 5/10/2010 để ngô trỗ cờ, phun râu trước ngày 20/11/2010. Nhất thiết phải làm bầu trước khi đưa ra ruộng từ 5-7 ngày. Nhiều hộ có cách làm sáng tạo, ngâm ủ hạt ngô nứt nanh bỏ ngô vào gốc rạ những ruộng gặt trước 30/9/2010, lấy gio bếp rắc che hạt đi. Ngô lên 2-3 lá thật mới rắc phân vào gốc. Nếu nắng nhiều phải tưới nước cho đến khi vun được. Một số hộ diện tích nhiều không vun gốc chỉ làm cỏ. Ngô trên đất 2 lúa dễ chăm hơn ngô trồng ngoài bãi. Nhược điểm là ruộng trồng ngô đông làm đất cấy vụ sau phức tạp hơn so với đậu tương.

Về Duy Nhất, chúng tôi cùng chung băn khoăn với các đồng chí lãnh đạo địa phương đó là để đạt chỉ tiêu diện tích vụ đông là điều khó khăn nhiều so với năm trước. HTX Hành Dũng Nghĩa năm ngoái là điển hình của huyện, năm nay cơ cấu lúa mùa sớm  không đạt được do dân lại cấy lúa nếp cổ truyền dài ngày. Nhiều người cho rằng giá trị một sào lúa nếp cao hơn giống khác.

Tuy nhiên khi cả cánh đồng gặt xong, lúa nếp mới trỗ, sau bệnh dồn vào phá nên 5,6 vụ trước, nhiều hộ không có thu. Tại trụ sở HTX Vũ Hợp, chúng tôi gặp bác Vương Xuân Lịch, trưởng thôn Trường Xuân, bác cho biết : Hiện dân mới đăng ký mua vài tạ giống đậu tương để trồng vụ đông. Nhiều hộ còn nghe ngóng, nhìn nhau xem trồng ngô hay đậu tương? Dù là cây nào có đầu ra ổn định, bảo đảm thời vụ lúa xuân đều tốt nhưng sự chần chừ về tư tưởng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khâu chuẩn bị sản xuất và khó mở rộng diện tích vụ đông trên đất lúa.

Điều chúng tôi cảm nhận qua hành trình về Duy Nhất, điểm sáng vụ đông của huyện đó là để có những vụ đông bền vững, cái gốc vẫn là tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để nâng giá trị sản phẩm cần phải đặt ra nhằm nâng cao giá trị lợi nhuận của vụ đông. Sản xuất nông nghiệp vốn bấp bênh, phụ thuộc thiên nhiên, vì thế, niềm vui được mùa có khi cũng không trọn vẹn vì được mùa lại lo tiêu thụ, lo nông sản rớt giá...

Thu Hương

 

  • Từ khóa