Chủ nhật, 28/04/2024, 12:24[GMT+7]

Nông nghiệp bền vững cho một hành tinh 7 tỷ người

Thứ 5, 10/11/2011 | 07:57:51
2,906 lượt xem
Dân số thế giới tăng lên tất yếu sẽ kéo theo sự gia tăng về nhu cầu lương thực, thực phẩm. Và điều này thực sự đang đặt gánh nặng ngày càng lớn lên “vai” ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh ấy, những sáng kiến nông nghiệp bền vững có thể là chìa khóa giúp hóa giải phần nào những thách thức của một hành tinh với nền dân số vẫn tiếp tục gia tăng.

Mùa vàng bội thu ở Việt Nam.

Dân số thế giới chưa dừng lại ở con số 7 tỷ

 

Theo báo cáo của Liên Hợp quốc (UN), bước sang năm 2011, dân số thế giới sẽ chạm mốc 7 tỷ người. Còn việc dự báo Trái đất sẽ đón thêm bao nhiêu người trong thế kỷ tới thì ngay cả những nhà nhân khẩu học cũng khó có thể đoan chắc, Robert Engelman, chuyên gia dân số kiêm Giám đốc điều hành Worldwatch Institute nhấn mạnh.

 

Trong mấy thập niên gần đây, rõ ràng quy mô gia đình trung bình đã giảm đáng kể và xu hướng giảm vẫn có thể kéo dài do ngày càng nhiều phụ nữ và bạn đời của họ được tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản và biết cách kiểm soát kế hoạch hóa gia đình, cộng với những bước tiến quyền tự quyết và địa vị của người phụ nữ.

 

Tuy nhiên rất có thể là một lúc nào đó dân số lại tiếp tục tăng ngoài dự đoán của chúng ta. Vì vậy, trước mắt, để đáp ứng nhu cầu của một hành tinh 7 tỷ người, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) đã mở chiến dịch “7 tỷ hành động”, thúc đẩy các cá nhân và tổ chức ứng dụng thành công những kỹ thuật mới nhằm giải quyết các thách thức đối với sự phát triển toàn cầu.

 

Thông qua hoạt động chia sẻ các sáng kiến bền vững trên một diễn đàn mở, chiến dịch hướng tới mục tiêu tăng cường sự kết nối và hợp tác trong một thế giới đang ngày càng trở nên đông đúc và phụ thuộc lẫn nhau.

 

Thêm vào đó, “chúng ta sẽ phải học cách hạn chế tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng, đồng thời đầu tư cho những công nghệ mới giúp bảo tồn nguồn nguyên liệu”, Engelman nhận định. Những phát minh trong nông nghiệp sẽ là những phát kiến quan trọng nhất: nếu được lên kế hoạch tốt, nông nghiệp có thể vận hành không chỉ như một ngành ít tiêu thụ , mà còn là ngành hài hòa với môi trường.

 

Bàn về vấn đề này, bà Danielle Nierenberg, Giám đốc Dự án “Nourishing the Planet” (Tạm dịch: Nuôi dưỡng Hành tinh) của Worldwatch Institute (Viện Quan sát Thế giới), khẳng định: “Nông nghiệp đang nổi lên như một giải pháp có khả năng giảm nhẹ biến đổi khí hậu, giảm thiểu các vấn đề về sức khỏe cũng như chi phí cho sức khỏe, giúp duy trì nhịp độ phát triển của các đô thị, đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn trì trệ như hiện nay”.

 

Bốn sáng kiến nông nghiệp bền vững

 

Nghiên cứu thuộc dự án Nourishing the Planet tại châu Phi đã cho công bố các cách tiếp cận nông nghiệp mang tính đổi mới và hiệu quả về chi phí. Rất nhiều trong số những giải pháp này có khả năng cải tiến để thích nghi với những hệ thống canh tác trên khắp thế giới. Trong đó, Nourishing the Planet khuyến nghị bốn sáng kiến mà họ cho là ưu việt nhất giúp nông nghiệp trở thành chìa khóa đối phó với những thách thức do dân số tăng lên.

 

Nông nghiệp đô thị vì nguồn thực phẩm dinh dưỡng và một khí hậu dễ chịu hơn: Sáng kiến trên xuất phát từ dự đoán của Liên Hợp quốc cho rằng năm 2050, 65% dân số toàn cầu sẽ sống trong các đô thị. Theo đó, chỉ có nông nghiệp đô thị mới tăng thêm khả năng cung cấp rau quả cho một số lượng dân thành thị ngày càng lớn, giúp củng cố dinh dưỡng và vấn đề an ninh lương thực.

 

Nông nghiệp tạo việc làm và đào tạo nhân lực: Những cơ hội đến từ ngành nông nghiệp có thể góp phần giảm nghèo và trao thêm sức mạnh cho một nền dân số đang gia tăng.

 

Ở hạt Los Angeles, tổ chức Farmscape Gardens đã giúp giải quyết việc làm cho 16% số người thất nghiệp bằng cách thuê họ thiết lập và bảo vệ những khu vực canh tác. Song song với đó, tại đây còn có sự hoạt động của trường trung học Fremont nhằm giáo dục cộng đồng về lương thực và nông nghiệp. Trường cũng xây dựng được một vườn trường rộng khoảng 0,6ha dành cho học sinh, sinh viên và một số đối tượng khác.

 

Ở Uganda, dự án DISC (Những sáng kiến Phát triển trong Trồng trọt ở Trường học) đã bắt tay với tổ chức Slow Food International phát triển 17 vườn trường – nơi thường giáo dục sinh viên về gieo trồng, thu hoạch và chế biến các loại lương thực địa phương giàu dinh dưỡng.

 

Sinh thái học nông nghiệp vì một môi trường lành mạnh hơn: Sinh thái học nông nghiệp, mô hình không chỉ mang lại cho môi trường nhiều lợi ích mà còn đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho con người, bao gồm nông nghiệp hữu cơ, nông-lâm nghiệp, nông nghiệp bảo tồn và nông nghiệp xanh.

 

Tại Niger, người nông dân đẩy mạnh việc “xanh hóa” đất nông trại khô cằn bằng cách phát triển tự nhiên các dạng cây thân gỗ, nhờ vậy đã tạo gió, giảm bay hơi, cô lập các-bon và cung cấp các lâm sản ngoài gỗ cho nông dân.

 

Ở Hoa Kỳ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường cùng với các đối tác đã xây dựng Chương trình Vịnh Chesapeake đưa các chính sách, đạo luật, nguồn hỗ trợ và các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất tới tay những nông dân có vùng sản xuất nằm trên lưu vực sông địa phương. Các mô hình thực tiễn về sinh thái học nông nghiệp, gồm có cả các mùa vụ xanh, hoạt động trồng cây ở rừng ven sông và thực hành canh tác bảo tồn, đã thực sự hỗ trợ đắc lực cho công tác bảo tồn Vịnh.

 

Chống lãng phí, thất thoát lương thực, thực phẩm: Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), mỗi năm các nước công nghiệp gây thất thoát 222 triệu tấn lương thực, tương đương với con số 230 triệu tấn – là sản lượng lương thực mà khu vực Châu Phi cận Sahara sản xuất hàng năm.

 

Chỉ cần giảm thất thoát lương thực, thực phẩm đã có thể cứu đói cho nhiều người dân trên hành tinh này, kể cả khi tăng trưởng nông nghiệp bị chững lại. Tại Washington D.C., các tình nguyện viên đã tận dụng nguồn thức ăn bị bỏ phí lấy từ các nhà hàng, các cơ sở cung cấp lương thực rồi phân phối chúng thành những bữa ăn dành cho người nghèo nơi thành thị.

 

Còn ở Trung và Đông Phi, Trung tâm Khoa học Cây trồng Bayer và Trung tâm Khoai tây Quốc tế đang hợp tác để nghiên cứu cho ra đời một giống khoai lang chống đỡ được bệnh tật và các loài gây hại – nguyên nhân gây ra 50 – 100% thiệt hại mùa màng của những nông dân nghèo trong vùng.

 

Với các sáng kiến về nông nghiệp bền vững, ngành nông nghiệp đang nỗ lực để có thể nuôi sống một hành tinh đang ngày càng đông đúc.

 

Xuất phát từ mối quan tâm chung của cộng đồng vào Ngày 5 Tỷ (11/7/1987) – thời điểm đánh dấu dân số toàn cầu đạt con số 5 tỷ người vào năm 1989, Hội đồng Quản trị Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc đã quyết định chọn 11/7 là Ngày Dân số Thế giới – một sự kiện thường niên nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người đối với các vấn đề về dân số. Đây cũng là dịp để từng quốc gia và cả nhân loại nhìn lại những nỗ lực của mình trong việc kiểm soát sự gia tăng dân số, từ đó tiếp tục đề xuất các chính sách, giải pháp hữu hiệu để thực hiện ngày càng tốt hơn mục tiêu dân số và phát triển trong những năm sắp tới.

 

Sang năm 2011 dân số thế giới được dự đoán sẽ chạm mốc 7 tỷ người. Với chủ đề “Thế giới 7 tỷ người”, Ngày Dân số Thế giới 2011 bao gồm rất nhiều hoạt động truyền thông, gửi tới thế giới nhiều thông điệp, như: Bảy tỷ người – mọi người quan tâm tới nhau; Đói nghèo và bất bình đẳng: Phá vỡ chu trình; Phụ nữ và trẻ em gái: Trao quyền và tiến trình; Thanh niên: Rèn luyện cho tương lai; Sức khỏe sinh sản và các quyền trong sức khỏe sinh sản: Một số thực tế trong cuộc sống; Môi trường: Hành tinh lành mạnh, con người sung sức; Già hóa dân số: Một thách thức chưa từng có; Đô thị hóa: Lập kế hoạch tăng trưởng.

Theo ThienNhien.net

  • Từ khóa