Thứ 3, 14/05/2024, 19:39[GMT+7]

Nghề và làng nghề ở Đông Hưng

Thứ 5, 26/07/2012 | 11:04:26
7,734 lượt xem
Là huyện thuần nông, những năm qua Đông Hưng luôn chú trọng phát triển lĩnh vực công nghiệp để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. 

Cơ sở sản xuất Bánh cáy- Kẹo lạc Hoàng Thắng xã Nguyên Xá.

Theo đó huyện đã khai thác, phát huy thế mạnh các thành phần kinh tế ở nông thôn trong việc phát triển nghề và làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động theo phương châm “ly nông bất ly hương”. Vì vậy, tới nay Đông Hưng đã có 24 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, tăng 3 làng nghề so với năm 2009.

Nắm bắt được những khó khăn từ ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế, đầu ra cho sản phẩm bị thu hẹp, một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới phát triển nghề, làng nghề, huyện đã tích cực tuyên truyền, xây dựng chương trình hành động, các dự án, đề án, tổ chức triển khai quán triệt nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nghề và làng nghề tới 44 xã, thị trấn. Hàng năm, huyện đã trích ngân sách hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ các xã dạy nghề du nhập nghề mới, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, tạo môi trường thông thoáng về chính sách cũng như thủ tục hành chính khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất.

Quy hoạch 5 cụm công nghiệp tập trung, thành lập Trung tâm phát triển cụm công nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các địa phương tích cực giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại khu vực làng nghề xin thuê đất để sản xuất kinh doanh... Kết quả, tới nay toàn huyện  có 24 làng nghề  tập trung ở 17 xã được cấp bằng công nhận. Một số nghề mới được đưa vào sản xuất phù hợp với tay nghề, trình độ của người dân nên đã thu hút được nhiều lao động tham gia như nghề chẻ tăm hương, đan song mây xuất khẩu, may túi xách siêu thị, gia công bật lửa, móc sợi....

Đặc biệt, nghề được đánh giá phát triển mạnh nhất ở Đông Hưng là may gia công. Toàn huyện hiện đã có 29 xã phát triển nghề may với quy mô từ 30 - 40 máy may/cơ sở, thu hút từ 40-50 lao động/cơ sở. Số nghề tiểu thủ công nghiệp hiện có trong các làng nghề là trên 36 nghề, tập trung chủ yếu ở 8 nhóm nghề, đó là nghề dệt, may, thêu, thảm, móc hộp, thu hút 995 hộ với trên 3000 lao động tham gia làm nghề; nghề chẻ tăm hương, song mây thu hút trên 600 lao động; nhóm nghề dệt bao tải, làm chăn bông thu hút 736 lao động; nhóm nghề dệt chiếu, xe đay thu hút trên 4.000 lao động; nghề chế biến lương thực thực phẩm giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động...

Theo khảo sát của Phòng Công Thương thì những xã nghề, làng nghề sản xuất đa ngành nghề sẽ phát triển mạnh và bền vững hơn như Đông La, Đông Sơn, Đông Hợp, Nguyên Xá... Những làng nghề chỉ tập trung vào một số mặt hàng nhất định, mang tính gia công thì nguy cơ suy giảm sẽ cao, nhất là sự suy giảm về lực lượng lao động. Đặc biệt, sự tồn tại của các làng nghề phụ thuộc lớn vào nhu cầu tiêu dùng, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như 3 làng nghề đan rổ rá xã Hồng Châu, do gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, thu nhập từ sản phẩm thấp, người dân đã tự tìm đến những ngành nghề mới có thu nhập cao hơn đã kéo theo lực lượng lao động tham gia và giá trị thu nhập từ nghề ngày càng giảm. Ngược lại với Hồng Châu, từ hàng chục năm nay làng nghề thôn Duyên Tục, xã Phú Lương cũng phát triển nghề truyền thống như khâu nón và móc sợi. Tuy nhiên trong xã đã xuất hiện 4 cơ sở sản xuất chuyên cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Do đó, đến hết năm 2011 làng nghề vẫn duy trì được 703 người trong độ tuổi lao động tham gia làm nghề, chiếm 75,8% tổng số lao động của làng đem lại giá trị sản xuất từ nghề đạt 13,065 tỷ đồng.

Đông Hưng còn phát huy được thế mạnh các thành phần kinh tế ở nông thôn trong việc phát triển nghề và làng nghề, như các doanh nghiệp và hợp tác xã. Đến hết năm 2011, toàn huyện có 140 doanh nghiệp và HTX hoạt động, trong đó họat động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có 49 doanh nghiệp và 13 HTX, ngoài ra còn có khoảng 100 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp họat động trong các làng nghề. Sự hình thành các doanh nghiệp, HTX đã góp phần tích cực vào việc phát triển nghề bền vững như ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm, du nhập nghề mới... điển hình như cơ sở sản xuất bao đay xuất khẩu Vũ Văn Thanh, thôn Hưng Đạo, xã Đông Quang. Hàng chục năm nay, cơ sở này đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài xã có thu nhập ổn định. Với tổng nguồn vốn đầu tư 1,2 tỷ đồng, cơ sở đã đầu tư mua sắm các trang thiết bị, máy móc trung bình mỗi năm cơ sở xuất 480.000 sản phẩm với giá bình quân 14.000đồng/sản phẩm, đem lại doanh thu 6.720 triệu đồng.

Trong thời gian tới, Đông Hưng tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề truyền thống, tích cực du nhập nghề mới. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận được với các nguồn vốn. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, tăng cường công tác đào tạo dạy nghề... Phấn đấu đến hết năm 2015, Đông Hưng có thêm 3-4 xã có làng nghề được UBND tỉnh công nhận.

                                                                Bài, ảnh: Thu Thủy

  • Từ khóa