Thứ 7, 04/05/2024, 06:53[GMT+7]

Xuất khẩu gạo gặp nhiều thách thức

Thứ 4, 01/06/2022 | 08:39:22
14,497 lượt xem
Kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước từ đầu năm đến nay tăng cao là tín hiệu vui của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Thái Bình vẫn chưa được hưởng niềm vui ấy bởi nhiều thách thức đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể để vượt qua.

5 tháng đầu năm, Công ty TNHH Hưng Cúc chỉ xuất khẩu được 50 container với 690 tấn gạo, kim ngạch đạt 357.000 USD.

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong gần 5 tháng đầu năm nay đã vượt mốc hơn 1 tỷ USD với sản lượng xuất khẩu hơn 2 triệu tấn, duy trì ở mức cao hơn so với các nước như Thái Lan, Ấn Độ. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng trưởng trong những tháng tới với các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Bangladesh, Iran, Sri Lanka và các nước khu vực châu Âu như Đức, Ý, Pháp...

Không thể xuất khẩu gạo, Công ty TNHH Liên Hạnh chuyển hướng đầu tư sang chế biến sâu các sản phẩm từ gạo phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bối cảnh xuất khẩu gạo của cả nước là thế nhưng tại Thái Bình các doanh nghiệp vẫn loay hoay tiếp cận những cơ chế, chính sách ưu đãi mà các FTA mang lại cũng như chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu được bởi đang gặp nhiều vướng mắc. Là một trong những doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo uy tín ở Thái Bình nhưng từ đầu năm đến nay Công ty TNHH Liên Hạnh (cụm công nghiệp thị trấn Vũ Thư) chưa thể đưa một container hàng nào qua biên giới. 

Ông Trần Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty chia sẻ: Những năm trước, chúng tôi xuất khẩu vào thị trường Philippines, Malaysia, Trung Quốc hơn 10.000 tấn gạo/năm. Thế nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát và nhất là 5 tháng đầu năm nay hoạt động xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi không có vùng nguyên liệu chuyên canh để thực hiện chuỗi sản xuất đáp ứng đơn hàng lớn của đối tác. Trong xu thế, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng gạo dinh dưỡng, gạo chất lượng cao organic thì chúng ta chưa có quy hoạch, quy trình sản xuất để đáp ứng. Chưa nói xuất khẩu, ngay việc Công ty chúng tôi mỗi năm có nhu cầu hàng nghìn tấn gạo để chế biến thành bún, phở ăn liền nhưng nguồn nguyên liệu tại chỗ không có phải đi thu mua từ miền Trung và miền Nam với cước vận chuyển quá cao.

Thống kê của Phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương), Thái Bình có 4 doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo nhưng chỉ có 1 doanh nghiệp còn duy trì được hoạt động xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng xuất khẩu gạo chỉ đạt gần 700 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 360.000 USD. 

Bà Ngô Thị Liên, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu cho biết: Tỉnh ta có hơn 150.000ha lúa/năm, tổng sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn thóc/năm nhưng số lượng thóc, gạo xuất khẩu lại quá ít. Các hiệp định thương mại tư do như EVFTA và RCEP có hiệu lực mở ra rất nhiều cơ hội cho nông sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu, khu vực ASEAN và các nước đối tác RCEP nhưng các doanh nghiệp không phát huy được, rất lãng phí.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, giá lúa gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay tăng cao song chủ yếu do chi phí logistics tăng xuất phát từ giá xăng dầu, điện biến động mạnh, bản thân giá gạo tăng không đáng kể. Việc xuất khẩu gặp khó khăn cũng xuất phát từ việc thiếu container rỗng do mắc kẹt tại Trung Quốc liên quan đến chính sách chống Covid-19 của họ. 

Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cho biết: Cái khó cho các doanh nghiệp Thái Bình cũng như khu vực phía Bắc trong hoạt động xuất khẩu gạo chính là gạo của chúng ta chưa có thương hiệu nên sức cạnh tranh không bằng gạo các nước như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ... Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy gạo Việt Nam xuất khẩu đi châu Âu chủ yếu bán cho người Việt và một số người gốc châu Á nhưng bản thân họ cũng mua rất ít, chủ yếu sử dụng gạo Thái Lan vì gạo của chúng ta chưa có thương hiệu. Ngoài ra, do không có vùng nguyên liệu đủ rộng nên doanh nghiệp không đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn.

Hiện nay, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và một số nước khu vực châu Phi, châu Âu đều áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo. Đơn cử, cam kết từ Hiệp định EVFTA, châu Âu dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm; phần lớn các doanh nghiệp phía Nam chiếm lĩnh và đáp ứng được vì có nguyên liệu sẵn tại chỗ. 

Ông Lý Thái Hưng cho biết thêm: Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo nếu không tỉnh táo, thiếu kinh nghiệm sẽ bị rơi vào bẫy thuế quan áp dụng cho hàng chính ngạch, tiểu ngạch và những hàng rào kỹ thuật khác của một số nước khiến cho thua lỗ. Hàng xuất đi rồi doanh nghiệp không lấy được tiền hoặc bị lưu kho quá lâu, không giao được hàng mà cũng không thể thu hồi.


Khắc Duẩn