Thứ 6, 03/05/2024, 18:52[GMT+7]

Chủ động sản xuất vụ xuân

Thứ 5, 28/12/2023 | 08:47:19
10,542 lượt xem
Xác định vụ xuân là vụ có năng suất cao nhất, quan trọng nhất trong năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương ưu tiên bố trí thời vụ hợp lý. Do dự báo vụ đông xuân 2023 - 2024 sẽ nghiêng ấm nên các địa phương cần tính toán thời gian gieo mạ phù hợp để thời gian trỗ tập trung vào thời điểm tối ưu nhất.

Vụ xuân năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy trên 74.000ha lúa, năng suất đạt trên 70 tạ/ha.

Bố trí giống, thời vụ để “lách” thời tiết bất lợi

Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết năm 2024 dự kiến sẽ nóng hơn do ảnh hưởng của El Nino. Nền nhiệt trong mùa đông năm nay có thể sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5 độ C. Cụ thể, thời kỳ đầu mùa đông xuân năm 2023 - 2024, không khí lạnh có khả năng hoạt động yếu, rét đậm và rét hại có thể xuất hiện muộn; số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng ít hơn so với trung bình nhiều năm. 

Cục Bảo vệ thực vật nhận định, trong năm 2024, ở khu vực phía Bắc, cây lúa sẽ có một số vấn đề về dịch hại như chuột, bệnh lùn sọc đen, bệnh sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn trong vụ đông xuân.

Để phù hợp với điều kiện thời tiết năm 2024, ngành nông nghiệp chỉ đạo sản xuất trà xuân muộn là chủ lực, tăng diện tích lúa chất lượng, giống chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất thuận. Trong đó, lúa chất lượng cao khoảng 50% diện tích, trọng tâm là các giống: Đài thơm 8, Bắc thơm số 7, TBR279, lúa Nhật...; nhóm giống lúa năng suất cao khoảng 50% diện tích, trọng tâm là các giống: TBR225, Thiên ưu 8, VNR20, ĐH12... Mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy đạt từ 20.000 - 25.000ha; khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai cấy cùng trà, cùng giống để áp dụng tối đa cơ giới hóa vào sản xuất, đồng thời sản xuất được lượng sản phẩm lớn, thuận lợi cho việc bao tiêu, tăng hiệu quả sản xuất. Gieo mạ từ ngày 25/1 đến ngày 6/2/2024 (xung quanh tiết lập xuân) theo phương thức gieo mạ non trên nền đất cứng có khung vòm phủ nilon trắng hoặc gieo mạ khay, kết thúc cấy trước ngày 22/2/2024.

Vụ xuân năm 2024, huyện Đông Hưng phấn đấu gieo cấy 11.102ha lúa, năng suất đạt 71 tạ/ha trở lên. 

Ông Vương Đức Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để chủ động sản xuất trong điều kiện thời tiết khí hậu ấm, huyện chỉ đạo các xã, HTX nông nghiệp, các đơn vị liên quan hướng dẫn nông dân nghiêm túc thực hiện lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa; các xã có truyền thống gieo cấy trà sớm (giống VN10, nếp cổ truyền, nếp Đài Loan) điều chỉnh lịch gieo mạ, không gieo trước ngày 20/12/2023. Lúa đại trà cần tuân thủ nghiêm lịch thời vụ theo kế hoạch sản xuất của tỉnh, đề án sản xuất của huyện để bảo đảm lúa xuân trỗ bông trong khung thời gian an toàn.

Dự báo sớm, phòng, trừ kịp thời dịch hại

Một khía cạnh bất lợi của sản xuất vụ xuân năm 2024 được dự báo là dịch bệnh trên cây trồng diễn ra phức tạp. Năm 2023, diện tích nhiễm lúa cỏ (lúa ma, lúa dại, lúa hoang) toàn tỉnh là 95ha, trong đó vụ xuân 56ha, vụ mùa 39ha. Lúa cỏ sinh trưởng và phát triển mạnh, cạnh tranh trực tiếp về dinh dưỡng, ánh sáng với lúa cấy, có thể làm thất thu năng suất từ 15 - 20% với tỷ lệ lẫn lúa cỏ từ 35% trở lên, thậm chí mất trắng nếu tỷ lệ lẫn lúa cỏ cao. Ngoài ra, bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa cũng xuất hiện rải rác ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Năm 2023, nhiều địa phương như: xã Phú Lương, Đông Cường, Đông Sơn, Đông Động (Đông Hưng); Nguyên Xá (Vũ Thư); Đông Hoàng (Tiền Hải); Lê Lợi, Vũ Thắng, Vũ Hòa (Kiến Xương)... áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), cấy hàng rộng hàng hẹp tạo điều kiện cho lúa có khả năng quang hợp cao nhất, cây lúa khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt. Vụ xuân 2024, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương mở rộng diện tích canh tác theo quy trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đồng thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh lùn sọc đen, lúa cỏ.

Theo đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, quy hoạch vùng gieo cấy tập trung; chuyển đổi phương thức canh tác từ gieo thẳng sang cấy bằng tay hoặc cấy bằng máy để dễ dàng nhận biết và loại bỏ lúa cỏ. Khuyến cáo sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng (giống nguyên chủng, giống xác nhận), không sử dụng lúa tự để giống ở những vùng đã bị nhiễm lúa cỏ từ vụ trước để gieo cấy. Biện pháp “phòng” mang ý nghĩa quyết định chính là vệ sinh đồng ruộng và xử lý nguồn bệnh. Đối với bệnh lùn sọc đen, cần cày vùi gốc rạ để ngăn ngừa bệnh phát sinh trên lúa chét, lúa tái sinh, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước... hạn chế nơi trú ẩn của rầy và tiêu diệt nguồn bệnh. Với lúa cỏ, sau khi thu hoạch cần giữ ẩm trên mặt ruộng để nhử hạt lúa cỏ nảy mầm sau đó bón bổ sung vôi bột, tiến hành cày lật và ngâm dầm cho thối hạt lúa cỏ hoặc có thể sử dụng chế phẩm vi sinh để nhanh phân hủy rơm rạ và hạt lúa cỏ. Trước khi vào vụ gieo cấy cần làm đất kỹ và san phẳng mặt ruộng mới tiến hành cấy; cuối vụ sản xuất cần quan sát và loại bỏ các bông lúa lẫn tạp đem tiêu hủy để tiêu diệt nguồn lây lan trước khi thu hoạch đại trà; những diện tích lúa bị nhiễm lúa cỏ từ 60% trở lên cần thu hoạch riêng, khoanh vùng (tạo bờ ngăn, chăng lưới mắt nhỏ trên ruộng) và xử lý bằng các biện pháp canh tác như trên để tiêu diệt hạt lúa cỏ trên đồng ruộng.

Ngoài ra, vụ xuân năm 2024 dự báo lượng mưa cũng thấp hơn trung bình nhiều năm, thời gian giữa 2 đợt lấy nước dài, do đó việc điều tiết và sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm cần được các cấp, ngành, địa phương quan tâm chú ý ngay từ đầu vụ.

Thời gian giữa 2 đợt lấy nước dài, do đó việc điều tiết và sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm cần được các cấp, ngành, địa phương quan tâm ngay từ đầu vụ.  Ảnh tư liệu


Ngân Huyền