Thứ 6, 03/05/2024, 00:58[GMT+7]

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững Kỳ 1: Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá phát triển

Thứ 2, 26/02/2024 | 08:52:45
19,215 lượt xem
Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/12/2023 tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg. Đây là văn bản pháp lý quan trọng để tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Theo Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030 Thái Bình phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 35% trở lên. Trong ảnh: Một góc thành phố Thái Bình.

Những định hướng chiến lược

Theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg, phạm vi, ranh giới quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh Thái Bình với tổng diện tích tự nhiên trên đất liền gần 1.585km2 và không gian biển được xác định theo các quy định của pháp luật có liên quan; phía Bắc giáp các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và thành phố Hải Phòng; phía Nam giáp tỉnh Nam Định; phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ, Biển Đông; phía Tây và Tây Nam giáp các tỉnh Nam Định, Hà Nam. Tỉnh Thái Bình có 8 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Thái Bình và các huyện Đông Hưng, Hưng Hà, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải, Quỳnh Phụ, Vũ Thư.

Quy hoạch tỉnh Thái Bình được xây dựng với quan điểm lấy phát triển kinh tế công nghiệp và kinh tế đô thị làm động lực để thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, nông nghiệp và các lĩnh vực văn hóa xã hội; xây dựng và quản lý đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm tài nguyên và mang bản sắc riêng, trong đó khai thác tối ưu kết cấu hạ tầng hiện có, phát triển, mở rộng mạng lưới hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ; ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá...

Không chỉ xây dựng quan điểm phát triển phù hợp với chiến lược, tầm nhìn phát triển của đất nước cũng như các quy hoạch quốc gia, ngành, vùng, Quy hoạch tỉnh Thái Bình còn xây dựng các mục tiêu rất cụ thể, trong đó phấn đấu đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng, có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 13,4%/năm; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại; đến năm 2050 Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm.

Cùng với đó, Quy hoạch tỉnh Thái Bình còn xây dựng 6 nhiệm vụ trọng tâm (đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở các cụm liên kết ngành và kinh tế tuần hoàn; xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh; xây dựng hệ thống đô thị trở thành các trung tâm động lực và lan tỏa phát triển; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển cộng đồng doanh nghiệp; nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; thực hiện chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ ngành công nghệ thông tin) và 3 đột phá phát triển (tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế của vùng duyên hải Bắc Bộ; đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và chế biến; phát triển kinh tế hướng biển tạo sự phát triển đột phá trên một số lĩnh vực như cảng biển, năng lượng, dịch vụ, giải trí..., mở rộng không gian lấn biển để tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội).

Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành quan trọng, các lĩnh vực trọng điểm, Quy hoạch tỉnh cũng xây dựng dự kiến danh mục các dự án ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; đồng thời, xây dựng các nhóm giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư xử lý chất thải, nước thải; nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực để thu hút các nguồn lực cho phát triển...

Tuyến đường 221A hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Nỗ lực và trách nhiệm

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, trách nhiệm, tầm nhìn chiến lược của các đồng chí lãnh đạo tỉnh; sự tâm huyết và trí tuệ của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố và đội ngũ chuyên gia tư vấn. 

Chia sẻ về quá trình triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh, đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh, Thái Bình được các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi; bên cạnh đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tinh thần trách nhiệm cao của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố và đơn vị tư vấn; tuy nhiên, quá trình đó cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi đây là lần đầu tiên tỉnh thực hiện lập Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, nghĩa là tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực riêng lẻ trước đây vào Quy hoạch tỉnh. Chính vì thế, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh tại Quyết định số 841/QĐ-TTg, ngày 16/6/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho tỉnh triển khai các bước thực hiện; đồng thời, tích cực hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn. Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư còn tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh và ban hành kế hoạch triển khai lập Quy hoạch tỉnh, trong đó phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện đúng kế hoạch đề ra theo lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Ông Phạm Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Thái Bình, đại diện liên danh tư vấn Quy hoạch tỉnh cho biết: Khó khăn lớn nhất khi tham gia lập Quy hoạch tỉnh là khung pháp lý còn mới, chưa có cơ sở để tham chiếu trong khi thời gian thực hiện ít, khối lượng công việc rất nhiều. Chính vì thế, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi và kịp thời giải quyết những vướng mắc, các vấn đề phát sinh để bảo đảm tiến độ, chất lượng quy hoạch, nhất là thông tin, số liệu trong dự thảo phải bảo đảm chính xác, góp phần quan trọng vào việc dự báo mô hình phát triển của tỉnh Thái Bình trong tương lai.

 
Minh Hương

(còn nữa)