Thứ 2, 29/04/2024, 07:02[GMT+7]

Thái Bình: Từ hành trình mở đất đến khát vọng vươn ra biển

Thứ 5, 21/03/2024 | 08:48:08
23,661 lượt xem
Ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, nhưng theo các tài liệu lịch sử, đất và người Thái Bình đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước. Ở vùng đất đầu sóng ngọn gió từng chỉ là gò đống, đầm hoang, bằng trái tim và khối óc, các thế hệ người Thái Bình đã xây dựng nơi đây thành vùng dân đông, vật thịnh. Vùng đất này đang đổi mới từng ngày với khát vọng vươn ra biển.

Khu công nghiệp Tiền Hải thuộc Khu kinh tế Thái Bình có hơn 70 dự án đã được chấp thuận đầu tư với tổng số vốn đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng.

Tự hào bài ca mở đất

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, bản đồ hành chính của tỉnh Thái Bình bắt đầu xuất hiện từ sau ngày Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định thành lập tỉnh ngày 21/3/1890 nhưng phần lớn đất đai Thái Bình đã có hàng nghìn năm tuổi. Miền đất hoang vu nơi đầu sóng, ngọn gió, ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển luôn có xu hướng mở rộng bởi sự bồi tụ của các dòng sông nên qua mỗi thời kỳ lại thu hút thêm các thế hệ cư dân đến khai khẩn, định cư. Trong đó, cuộc khẩn hoang diễn ra trên bãi biển Tiền Châu vào đầu thế kỷ XIX lập nên huyện Tiền Hải được coi là cuộc khẩn hoang có quy mô lớn nhất, thành công rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam. 

Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, chỉ trong không đầy 6 tháng (từ tháng 3 - 9/1828), dưới tài chỉ huy của doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, hàng trăm ki-lô-mét đê sông được đào đắp, hàng vạn mẫu ruộng được hình thành, gần 100 làng ấp trại giáp được thành lập. Thành quả to lớn của cuộc khai hoang ở Tiền Hải không chỉ thể hiện tư duy, tầm nhìn, tài chỉ huy đúng đắn và sáng tạo của doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ mà còn phản ánh đầy đủ tinh thần quả cảm, ý chí, nghị lực và khát vọng chinh phục miền đất mới của các thế hệ cư dân Thái Bình. 

Ông Trần Quốc Tuấn, 70 tuổi, xã Nam Hải (Tiền Hải), người tham gia viết Lịch sử Đảng bộ xã Nam Hải chia sẻ: Dòng họ Trần ở xã Nam Hải là một trong những dòng họ lớn, tính đến đời ông là đời thứ 9, đến đời con và cháu ông đã có 11 đời sinh sống trên mảnh đất này. Cuộc doanh điền lập nên huyện Tiền Hải diễn ra vào năm 1828, cách đây gần 200 năm, như vậy có thể thấy thủy tổ dòng họ của ông và nhiều dòng họ khác trong huyện đã đến đây lập nghiệp vào thời gian này. Cách đây 40 - 50 năm, cả vùng quê hương ông vẫn còn bao trùm bởi gò đống, lau dứa. Suốt cả tuổi thơ và tuổi trẻ, ông đã được chứng kiến và trực tiếp tham gia các chiến dịch trồng đay, làm cói, làm thủy lợi. Các chiến dịch thủy lợi kéo dài năm này nối năm khác đã dần san phẳng mặt ruộng, xây dựng hệ thống sông ngòi, mương máng tưới, tiêu quy củ và đồng bộ như hiện nay để làm nên làng xóm ngày càng trù mật, dân cư ngày càng đông đúc. Quê hương Tiền Hải đang đổi mới từng ngày. Bản thân ông Tuấn, sau hơn 40 năm làm việc và sống ở Hà Nội, hiện đã về quê hương sinh sống bởi với ông, ở quê bây giờ cũng không khác gì ở thành phố.  

Nông nghiệp vẫn được xác định là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh trong đó quan tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Mô hình sản xuất khoai tây tại xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ).

Không chỉ ở Tiền Hải, công cuộc trị thủy, khẩn hoang, trồng lúa đã trở thành kinh nghiệm và thành công của các thế hệ cư dân Thái Bình. Bằng tất cả tình yêu cuộc sống, yêu lao động, sự chịu thương, chịu khó mà những thế hệ nông dân nghèo trên miền đất sa bồi đầy bão bùng sóng gió đã dựng lên những triền đê sừng sững hiên ngang trước bão tố thủy triều; làm nên mạng lưới sông đào thau chua rửa mặn dẫn nước ngọt, đưa phù sa về đồng ruộng, không ngừng làm giàu đẹp thêm những làng quê vốn là ven bờ cuối bãi của dải châu thổ sông Hồng.  

Hai yếu tố thiên nhiên và con người hòa quyện, tác động lẫn nhau làm nên đất và người Thái Bình với những đặc trưng không đâu có. Qua các thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước, đất Thái Bình xuất hiện nhiều anh hùng, hào kiệt. Thế kỷ XIII, Thái Bình là một hậu cứ dồi dào sức người, sức của, một phòng tuyến lợi hại giúp nhà Trần chiến thắng quân Nguyên Mông. Thế kỷ XVIII - XX, Thái Bình là một địa bàn sục sôi bởi các cuộc khởi nghĩa của nông dân chống lại triều đình phong kiến mục ruỗng và thực dân Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Thái Bình làm nên bài ca 5 tấn, đóng góp to lớn sức người, sức của vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  

Khát vọng vươn ra biển

Nếu như trong thế kỷ XIX, XX, người Thái Bình thành công trong hành trình đẩy con sóng ra xa, kéo chân trời gần lại làm nên bài ca 5 tấn hào hùng thì bước sang thế kỷ XXI, nối tiếp truyền thống cha ông, các thế hệ người Thái Bình đã và đang vững vàng thực hiện khát vọng vươn ra biển. Hành trình vươn ra biển trong một tư duy mới, tầm nhìn mới thực sự được đánh dấu khi năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Khu kinh tế (KKT) Thái Bình. Tháng 12/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển KKT Thái Bình. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu 1 trong 3 mũi đột phá phát triển của Thái Bình là: “Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ; trong đó, tập trung hoàn thành đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường huyết mạch trong tỉnh. Xây dựng và phát triển KKT Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh”. 

Những chủ trương chỉ đạo mang tính định hướng này đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành khẩn trương triển khai và đem lại thành quả nổi bật. Tính từ năm 2021 đến nay, KKT, các khu công nghiệp tỉnh đã thu hút được 51 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 94.838 tỷ đồng. Từ địa phương chỉ thu hút được những doanh nghiệp nhỏ đầu tư vào lĩnh vực dệt may, cơ khí thì nay Thái Bình đã thu hút được nhiều dự án có quy mô thuộc lĩnh vực điện tử, ô tô... Sự xuất hiện những dự án của các nhà đầu tư có tên tuổi hàng đầu thế giới tại KKT đã đưa Thái Bình vào bản đồ điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất Việt Nam liên tục trong 3 năm qua. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đem đến sự phát triển ngoạn mục. Nếu như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2000 mới đạt hơn 4.500 tỷ đồng thì đến năm 2021, GRDP đạt hơn 57.000 tỷ đồng (sau 20 năm tăng gấp hơn 12 lần), năm 2023 đạt gần 68.000 tỷ đồng, tăng 7,37% so với năm 2022. Đời sống nhân dân ngày càng ấm no, số hộ giàu, hộ khá tăng, hộ nghèo giảm; y tế, giáo dục tiếp tục phát triển.

Lợi thế ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, đường bờ biển dài 52km, với “mặt tiền Biển Đông” khá lớn đã và đang hội tụ những thuận lợi biến khát vọng vươn ra biển của Thái Bình trở thành hiện thực. Sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình vừa diễn ra gần đây nhất là hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh có nhiều điểm mới, đột phá như: Mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động “lấn biển”, Thái Bình phát triển kinh tế hướng biển tạo sự phát triển đột phá ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển; mở rộng không gian lấn biển tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng, hình thành không gian công nghiệp - đô thị - dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển hấp dẫn...

Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Quy hoạch tỉnh đã cụ thể hóa khát vọng phát triển với mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; xác định tư duy phát triển mới với tầm nhìn dài hạn, trong đó xác định rõ quan điểm, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển theo hướng hài hòa và bền vững; xác định những định hướng lớn tạo đột phá phát triển với 4 trụ cột tăng trưởng, hướng tới xây dựng Thái Bình trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu, trung tâm công nghiệp, năng lượng hàng đầu của vùng đồng bằng sông Hồng; xác định 3 khâu đột phá then chốt, đó là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối trong tỉnh và với các trung tâm kinh tế của vùng duyên hải Bắc Bộ; định hướng phát triển đồng bộ, toàn diện về kinh tế - xã hội; mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động “lấn biển”. Cũng trong hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 9 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. 

Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá những kết quả nổi bật tỉnh Thái Bình đã đạt được về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giải ngân vốn đầu tư công những năm gần đây chính là chìa khóa để Thái Bình mở ra cánh cửa mới và con đường mới để phát triển.

Diện mạo Thái Bình hôm nay đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”. Cởi bỏ chiếc áo thuần nông, Thái Bình đang khoác lên bộ đồng phục mới hiện đại hơn, phù hợp hơn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tự hào với bài ca mở đất, nối chí tiền nhân, các thế hệ hôm nay đang quyết tâm đưa Thái Bình vươn ra biển lớn.

Trung tướng Vũ Hải Triều, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Thái Bình tại Hà Nội
Là người Thái Bình đang sinh sống ở Hà Nội, tôi rất tự hào mỗi khi nhắc đến quê hương. Trong cách mạng, tỉnh Thái Bình chúng ta đã đóng góp cho Tổ quốc nhiều thế hệ những người con ưu tú, tài năng, dũng cảm, anh hùng. Ngày nay, truyền thống vẻ vang đó vẫn đang được bồi đắp và phát huy. Tôi thấy chưa lúc nào người Thái Bình lại có khát vọng làm cho tỉnh nhà giàu đẹp như ngày nay. Tôi nghĩ rằng khát vọng ấy sẽ sớm trở thành hiện thực. Tôi mong muốn cùng với sự chủ động, tự lực vươn lên của Đảng bộ và nhân dân ở quê hương, con em Thái Bình đang sống xa quê hãy đóng góp tài năng, trí tuệ và của cải để cùng nhau xây dựng quê hương Thái Bình yêu quý của chúng ta ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ông Nguyễn Tiến Quyền, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ
Quá trình hình thành và phát triển, người Thái Bình luôn vươn lên, không ngừng sáng tạo, đổi mới. Truyền thống đó được phát huy qua mỗi thời kỳ. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo, chung sức đồng lòng, huy động mọi nguồn lực thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến vượt bậc trong tất cả các lĩnh vực, nhất là trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa Thái Bình vươn lên đứng tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, Thái Bình có nhiều khu, cụm công nghiệp được xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả, nhiều dự án lớn đầu tư vào tỉnh, qua đó tạo nhiều việc làm, từng bước nâng cao đời sống người dân. Những kết quả đạt được của tỉnh sẽ là tiền đề để các huyện, thành phố nỗ lực vươn lên, tạo những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Lão thành cách mạng Phạm Gia, thôn Thanh Nội, xã Minh Lãng (Vũ Thư)
Năm nay tôi 99 tuổi đời, 80 năm tuổi đảng. Tôi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương từ năm 1942 - 1943. Tôi nhận thấy rằng, trước kia mặc dù nghèo khổ, túng thiếu nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thái Bình rất sôi nổi, kiên cường, kiên trì tham gia các phong trào cách mạng, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh tan phong kiến, đế quốc, bảo vệ toàn vẹn giang sơn, nhân dân được hưởng ấm no, tự do, hạnh phúc. Trước kia, xã hội lạc hậu, nhân dân khổ cực, lầm than, đến nay xã hội phát triển vượt bậc, văn minh, hiện đại, bà con no ấm, đầy đủ. Được chứng kiến quê hương đổi mới, văn minh, tôi rất tự hào và phấn khởi, càng ghi nhớ công ơn của Đảng, của cách mạng. Tôi mong các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh ta ngày nay và sau này sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, xây dựng Thái Bình ngày càng khang trang, đổi mới.

Nhóm Phóng viên


Trần Hương