Thứ 7, 04/05/2024, 06:15[GMT+7]

Công tác quản lý và sử dụng đất tại các khu, cụm công nghiệp Vẫn còn buông lỏng

Thứ 2, 16/06/2014 | 09:19:19
1,334 lượt xem
Từ năm 2010 - 2013, qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 26 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) có vi phạm về sử dụng đất. Ðặc biệt, tháng 4 vừa qua, Ðoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định 537 của UBND tỉnh đã phát hiện 22/24 doanh nghiệp trong diện thanh tra vi phạm về sử dụng đất.

Dây chuyền may khăn của Xí nghiệp Dệt may Nam Thành, Cụm công nghiệp Thái Phương, Hưng Hà.

 

Những năm qua, tỉnh Thái Bình đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp (KCCN). Hiện toàn tỉnh có 6 KCN với 138 dự án thuê đất, thuê lại đất để sản xuất kinh doanh, diện tích trên 379 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 82%; 29 cụm công nghiệp (CCN), diện tích đất đã thu hồi 280,65 ha, trong đó đã giao, cho thuê 171,12 ha. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, các KCCN đã có những đóng góp tích cực trong thu hút đầu tư, nhiều dự án trọng điểm được triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống và trình độ của người lao động.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, trong quá trình phát triển các KCCN cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập về công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, chất lượng thu hút đầu tư, công tác bảo vệ môi trường và vấn đề lao động; cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan tới KCN, CCN còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Các KCCN chủ yếu sử dụng đất lúa, chú trọng yếu tố lấp đầy mà ít chú ý tới các yếu tố về vốn, công nghệ, môi trường. Ðặc biệt, tình trạng vi phạm trong sử dụng đất vẫn còn khá phổ biến.

 

Theo ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thì mặc dù, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình ủng hộ. Ðồng thời đưa ra nhiều giải pháp như: tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Phát triển và hoàn thiện hạ tầng KCCN nhằm thu hút các nhà đầu tư với công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thông qua việc tạo quỹ đất sạch, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ. Phát triển ngành nghề, dịch vụ khu vực nông thôn; hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

 

Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên các KCCN trong thu hút đầu tư; tập trung thu hút những doanh nghiệp có liên kết đầu vào, đầu ra chặt chẽ. Cùng với đó, Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố, các ngành có liên quan đã tăng cường rà soát, điều chỉnh các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đáp ứng nhu cầu của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Hàng năm, Thanh tra Sở TN&MT đều tổ chức thanh, kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất nhưng tình trạng vi phạm về quản lý, sử dụng đất vẫn còn khá phổ biến.

 

Thực hiện Quyết định 537 của UBND tỉnh về việc thành lập đoàn kiểm tra chấp hành pháp luật đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước của các doanh nghiệp, các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, Ðoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm về đất đai, môi trường, tài nguyên nước. Qua kiểm tra, chỉ có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH may HT Song Long, Công ty TNHH bao bì Hương Sen chấp hành tốt pháp luật đất đai, còn lại 22/24 doanh nghiệp vi phạm, chủ yếu sử dụng đất không đúng mục đích được thuê, chiếm đất, chậm tiến độ đầu tư gây lãng phí đất, nhiều diện tích đất vẫn bỏ hoang, không biết “treo” đến bao giờ.

 

Ðiển hình như: Công ty TNHH Sơn Hà, CCN Vũ Ninh (Kiến Xương) vẫn còn 15.000 m2  đất chưa sử dụng; Công ty TNHH HNJ Việt Nam, CCN Ðồng Tu (Hưng Hà) là 5.625 m2 đất; Công ty TNHH MTV Vilitas Thái Bình, CCN Vũ Thư: khoảng 7.000 m2 đất  đủ điều kiện thu hồi và một số doanh nghiệp khác còn để đất lãng phí. Chỉ từ năm 2010 đến nay, qua thanh kiểm tra đã phát hiện trên 228.500 m2 đất để hoang, gây lãng phí. UBND tỉnh, Thanh tra Sở TN&MT đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hàng trăm triệu đồng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm.

 

Ðể chấn chỉnh công tác quản lý và sử dụng đất của các doanh nghiệp tại các KCN, CCN, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Luật Ðất đai, các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về công tác quản lý đất đai, giúp các đối tượng sử dụng đất hiểu đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất, cần tăng cường kiểm tra việc sử dụng đất, kiên quyết thu hồi các diện tích đất không sử dụng hoặc sử dụng lãng phí, sai mục đích; xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai để xảy ra sai phạm. Mặt khác, tỉnh cần tiếp tục đưa ra những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nhưng không dàn trải và thẩm định chặt chẽ từng dự án, góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về đất đai tại các khu, cụm công nghiệp đi vào nền nếp.

Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa