Thứ 2, 06/05/2024, 18:23[GMT+7]

An Mỹ Chú trọng phát triển nghề, thương mại dịch vụ

Thứ 3, 01/07/2014 | 08:29:25
818 lượt xem
An Mỹ là xã có kinh tế phát triển khá mạnh của huyện Quỳnh Phụ. Ðến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã ngày càng giảm, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm tới 70%, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm... Có được kết quả đó là do những năm qua An Mỹ đã chú trọng đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề, thương mại dịch vụ, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế.

Một công đoạn sản xuất bánh đa tại hộ ông Trần Ngọc Kha thôn Tô Đê ( An Mỹ)

 

An Mỹ có 6 thôn, trên 3.000 hộ, trong đó có khoảng 5.000 người trong độ tuổi lao động. Ðịa phương có 2 làng nghề không chỉ đạt giá trị sản xuất cao mà còn giải quyết được việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân trong lúc nông nhàn trong đó làng nghề Tô Ðê nổi tiếng với nghề làm bánh đa truyền thống đến nay vẫn duy trì phát triển tốt. Ông Phạm Công Chính, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ðây là làng nghề sản xuất bánh đa truyền thống có từ hàng trăm năm nay, đến đời chúng tôi là thế hệ thứ 3 duy trì làm nghề. Trước đây trong thôn Tô Ðê có khoảng 150 hộ tham gia làm nghề kéo theo hơn 1.000 lao động thì nay còn khoảng 70 hộ với khoảng 500 lao động tham gia, chiếm 58% tổng số lao động của làng. Tuy nhiên năng suất lao động và giá trị thu nhập của làng nghề lại ngày càng tăng cao. Ðến nay toàn thôn có trên 10 máy tráng bánh, trung bình mỗi ngày sản xuất từ 5 - 7 tấn bánh đa với thu nhập bình quân người lao động đạt 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Giá trị thu nhập từ nghề cũng đạt ngày càng cao: năm 2010 đạt 15.872 triệu đồng, năm 2011 đạt 20.078 triệu đồng, năm 2012 đạt 19.827 triệu đồng và tới năm 2013 đạt trên 20 tỷ đồng.

 

Ông Trần Văn Xứng là một trong những chủ hộ sản xuất bánh đa lớn ở thôn Tô Ðê cho biết: “Mấy chục năm nay gia đình tôi đã sống và thu nhập từ nghề làm bánh đa. 10 năm trở lại đây các gia đình trong thôn đã thành lập tổ sản xuất từ 6 - 7 người/tổ đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy tráng bánh”. Từ đó đến nay bình quân mỗi tháng gia đình ông Xứng sản xuất khoảng 2 tấn sản phẩm đưa đi tiêu thụ ở như Nam Ðịnh, Hải Phòng, Quảng Ninh. Từ nghề này gia đình ông Xứng đã có thu nhập bình quân từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Theo ông Xứng, đây là mặt hàng dễ tiêu thụ, hàng làm đến đâu hết đến đó nên thời gian tới ông sẽ nâng cao số lượng sản phẩm, đầu tư lên khoảng 400 phên hàng, sản xuất ra 2,5 tấn sản phẩm/tháng.

 

Tới cơ sở sản xuất Trần Ngọc Kha chúng tôi còn được chứng kiến 4 hộ gia đình trong tổ của anh Kha đang tập kết nguyên liệu để lần lượt đưa vào máy tráng. Anh Kha cho biết: 5 năm qua anh đã cùng với 4 hộ khác đầu tư hơn 300 triệu đồng mua máy tráng bánh để nâng cao số lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Nhờ có nghề truyền thống, người thanh niên trẻ hơn 30 tuổi này đã không chỉ là hộ giàu của thôn, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập trên 2 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi ngày gia đình anh Kha cũng như 4 hộ khác trong tổ sản xuất 1,2 tạ bánh với giá bán bình quân 13.000 đồng/kg. Với số lượng đó gia đình anh Kha đã thu lãi tới vài chục triệu đồng/tháng.

 

An Mỹ còn có làng đa nghề Tô Hồ cũng được UBND tỉnh công nhận từ năm 2003, trong đó phát triển chủ yếu là nghề chế biến lương thực thực phẩm, làm bún, bánh đa với việc duy trì thường xuyên 500 lao động. Tới nay mặc dù số lượng lao động trong làng nghề đã suy giảm song giá trị thu nhập từ nghề lại ngày càng tăng cao: Năm 2010 đạt 17.674 triệu đồng, năm 2011 đạt 21.864 triệu đồng, năm 2012 đạt 22.796 triệu đồng, năm 2013 đạt trên 23 tỷ đồng.

 

Ngoài 2 làng nghề trên, An Mỹ còn phát triển mạnh nhiều ngành nghề khác thu hút hàng trăm lao động tham gia như chế biến gỗ có trên 20 cơ sở, sản xuất đậu phụ, giết mổ gia súc gia cầm trên 30 hộ. Ðịa phương còn thu hút trên 200 hộ tham gia buôn bán kinh doanh, dịch vụ, 4 công ty đầu tư vào địa bàn tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định. Với kết quả đó, những năm qua tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của xã đã vươn lên chiếm 35%, thương mại dịch vụ chiếm 37%, lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn chiếm 28% cơ cấu kinh tế của xã.

          Quốc Cường

 

  • Từ khóa