Thứ 6, 03/05/2024, 04:20[GMT+7]

Thần Quang Dũng Nhuệ

Thứ 7, 31/12/2022 | 18:10:25
9,418 lượt xem
Làng Keo (còn gọi là Hành Nghĩa hay Dũng Nhuệ), xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư được biết đến bởi có chùa Keo, nơi thờ Quốc sư Dương Không Lộ và là “danh thắng bậc nhất làng quê Bắc Bộ”. Chùa Keo được xây dựng năm 1061 với tên “Nghiêm Quang tự” sau đổi thành “Thần Quang tự”, nơi đây các vua triều Lý từng nghỉ lại mỗi khi tuần du về Sơn Nam hạ nên được gọi là Hành Cung, thời nhà Trần thuộc Nam Định. Năm Bính Tý (1576), lũ sông Hồng lên cao cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn hai bên sông, cuốn băng cả ngôi chùa cổ, Hành Cung sạt lở. Sau nạn “đại hồng thuỷ”, hơn nửa thế kỷ, làng Keo được tái lập ở cả hai bên tả hữu sông Hồng. Bên tả là Hành Nghĩa, bên hữu là Hành Thiện. Chùa Keo được tái lập ở làng Hành Nghĩa.

Lễ hội Thần Quang tự được tổ chức hàng năm vào dịp tết Nguyên đán và ngày rằm tháng 9 âm lịch với nhiều nghi lễ độc đáo.

Ngoài kiến trúc độc đáo với tháp chuông chùa bằng gỗ không có đinh đóng, chỉ ghép mộng, chùa Keo còn là nơi lưu giữ nhiều trò chơi, trò diễn xướng dân gian và là niềm tự hào về truyền thống văn hóa, văn hiến của người dân Thái Bình. Chùa Keo đã là di tích lịch sử văn hóa từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, năm 2012 lại được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Trong các dịp hội chùa Keo (mồng 4 tháng Giêng và mười rằm tháng 9), các trò chơi dân gian được tổ chức, cuốn hút đông đảo người tham gia. Hội xuân có các trò chơi: chạy giải, bắt vịt, kéo lửa, nấu cơm làm cỗ chay, tung pháo... Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, từ “dũng nhuệ” theo âm Hán Việt nghĩa là “tinh luyện binh mạnh” hay còn gọi là “đội quân tinh nhuệ”, có thể nơi đây đã từng là nơi luyện quân của triều đình phong kiến ngày xưa. Cũng do ý nghĩa tinh nhuệ mà làng Keo còn giữ và lưu truyền nhiều trò chơi dân gian độc đáo.  

Trò “chạy giải”, một trò chơi mang đậm tính thể thao quần chúng, người tham gia tự nguyện ghi tên dự thi, vào cuộc thi người dự thi đầu chít khăn đỏ, mình trần đóng khố (nay mặc quần đùi) xếp thành chữ nhất (hàng ngang) trước cửa chùa ông Hộ. Mỗi người được phát một chiếc thẻ tre. Khi người chủ hội đánh một hồi trống, dứt tiếng trống mọi người cùng chạy qua cửa tam quan nội rẽ về phía Đông, chạy quanh bờ hồ rồi trở về vị trí xuất phát trả thẻ cũ, lấy thẻ mới rồi chạy tiếp... đến vòng thứ ba những người chạy về đích trước được giao một chiếc lọ (bầu to, miệng nhỏ) ra cầu ao hồ kín đầy hũ nước chạy về trao cho chủ hội... ai chạy nhanh, kín được lọ nước đầy, người ấy đạt giải nhất, cuộc thi chỉ trao giải nhất, nhì, ba. Nằm trong khuôn khổ các trò chơi vận động, thi “bắt vịt” được tổ chức ở hồ trước cửa chùa thu hút nhiều người tham gia. Người thi đầu quấn khăn mỏ rìu đỏ tay cầm cờ xếp ngồi theo hình chữ nhất trên bờ hồ, người điều khiển cuộc chơi đánh một hồi trống, khi tiếng trống cuối cùng vừa dứt, mọi người từ trên bờ ùa cả xuống ao bắt vịt (vịt đã được thả trước cho bơi lội dưới ao).

Ai bắt được vịt mà cờ không bị ướt thì người ấy thắng cuộc. Trường hợp hai người cùng vồ được một con vịt thì ai cầm được đầu vịt người ấy sẽ thắng. Thi “kéo lửa” là một công đoạn của thi “nấu cơm” nhưng nay được tách thành một trò thi riêng. Người dự thi có sự chuẩn bị trước nứa già được chẻ thành mảnh để trên gác bếp, vào cuộc thi hai người dùng lạt nứa kéo nhẹ nhàng trên mặt các thanh nứa, thanh nứa do bị kéo tỏa nhiệt thì phải kéo nhanh cho nhiệt tỏa ra càng cao, khi đã bốc khói và có tia lửa thì đưa bùi nhùi vào cho bén lửa, bùi nhùi đã bén lửa thì dừng kéo, dùng hơi thổi cho bùi nhùi bốc cháy, lửa được lấy ra nấu cơm, nấu xôi. Để lửa dễ bén, lửa bắt nhanh bùi nhùi được làm bằng chất liệu dễ bén lửa, xưa người làng Keo dùng mảnh thủy tinh cạo lấy màng vỏ cây xoan đem phơi khô, vò với mùn cưa cũng đã được phơi khô. Khi người thi đã chuẩn bị xong, chủ hội gióng lên một hồi trống, dứt tiếng trống cuối cùng, cuộc thi kéo lửa bắt đầu, nhóm nào kéo được lửa trước thì thắng cuộc. Độc đáo không kém gì trò chơi vận động và náo nhiệt, ở góc khuất ngôi chùa, cuộc thi nấu cơm và sắp cỗ chay không ồn ào nhưng hấp dẫn nhiều người tham gia. Dụng cụ thi đấu thật đơn giản: một niêu cơm tám (niêu mốt làm bằng đồng thau), một chõ xôi, một nồi chè lam, một chõ bột làm bánh phong. Tất cả các thứ như gạo, bột, đường, gừng, vừng đều có định lượng được cân đong đầy đủ và phân phát cho các bếp dự thi. Khi các bếp đã kéo được lửa phải chờ hiệu lệnh thống nhất (bằng một hồi trống) mới được chuyển sang cuộc thi nấu cơm. Thời gian thi nấu cơm, sắp cỗ được tính bằng thời gian cháy hết một nén hương đen (khoảng 30 phút). Tiêu chuẩn để đạt giải là cơm xôi phải chín, không gãy nát, không chỗ sống chỗ chín, không khê cháy, không bị ám khói, mâm cơm phải bảo đảm trang trí đẹp, sạch sẽ, tinh khiết, với tiêu chuẩn ấy ai xong trước người ấy được giải.

Rước kiệu ở chùa Keo là hội rước hoàn chỉnh, đầy đủ và hoành tráng nhất. Khác với các nơi ở trò “chiềng rối”, đoàn rối gồm sáu đầu rối nam, một đầu rối nữ gọi bà Chàng, nhảy múa cùng đoàn rước đi nửa vòng bờ hồ. Khi bà Chàng xuất hiện cũng là lúc các đoàn tín nữ đi sau kiệu thánh đọc đoạn kệ: “Chàng ơi, ơi hỡi chàng ơi/Tôi mời bạn chàng ở đâu chàng đến/Ai ngờ chàng ở bến chàng lên/Đầu chàng thì đội cờ vóc/Búi tóc chàng là búi tóc tiên”. Lúc đó tượng bà Chàng giơ tay vẫy chào đầy vẻ hân hoan trước kiệu thánh.

Ngoài ra, làng còn “trò rối”, sự tích kể rằng: “Vào thời Lý có người con gái tên là bà Chàng làm nghề đánh cá trên sông Nhị Hà (sông Hồng). Hồi ấy trong vùng lắm tôm nhiều cá, rẻ quá không bán được, bà quyết định đi hẳn chợ trời, không ngờ thiên giới bao la, bà Chàng bị lạc không biết lối về. Nhân Không Lộ vào chầu tiên giới, bà mừng theo về, đến chùa Nghiêm Quang chưa hết nỗi mừng, hai tay cứ giương cao vẫy vẫy”. Sự tích sáu đầu rối nam lại được kể: “Xưa có một ông vua tên là Hồ Hiến Chương, lấy người vợ đất Thục, vợ vua sinh ra một bọc, vua cho là yêu quái đem ra bờ biển vứt đi. Vừa khi Thánh tổ đi đánh cá qua, sáu người từ trong bọc chui ra xin Thánh tổ cứu giúp. Thánh tổ động lòng thương nên đã đem về chùa. Mỗi khi Thánh tổ đi xa về sáu người đều ra đón”. Bơi trải cạn và lễ võ: Đội hình bơi trải cạn và lễ võ gồm 17 trai kiệu (trong đó có 1 ông hiệu cờ mặc áo đỏ, đầu chít khăn đỏ, ngang lưng thắt khăn vàng, bỏ mối ở bên phải tay cầm cờ, 2 ông thủ hiệu: một cầm trống, một cầm mõ, mặc áo vàng, chít khăn nhiễu điều bỏ mối ở bên phải, 14 trai kiệu đầu đội mũ võ ở trần đóng khố tay cầm một bơi chèo ngắn. Điều khiển trò bơi trải cạn, lễ võ do ông chấp kiệu nội.

Theo các bậc cao niên làng Keo, múa “bơi trải cạn” xong chuyển sang lễ võ, dân gian còn gọi “múa ếch vồ” vì tư thế của các trai kiệu rất giống tư thế của con ếch chuẩn bị vồ mồi. Các tay kiệu bỏ bơi chèo sang một bên, sau hồi trống khi ông chủ lễ gõ tiếng trống thứ nhất, 14 trai kiệu để tay vắt chéo trước ngực rồi đồng loạt quỳ xuống, hai bàn tay để ngửa chồng lên nhau khi chạm đất thì lật bàn tay chống các đầu ngón tay xuống đất. Bàn chân mở rộng thành một đường thẳng ngang, mông ngồi trên gót chân. Tiếng trống thứ hai vang lên vừa dứt, hai hàng trai kiệu đồng loạt chụm tay hất qua vai ra phía ngoài. Làm xong động tác này (duy nhất có một lần) thì bật dậy đứng lên trở lại vị trí ban đầu. Các động tác kể trên được lặp đi lặp lại 5 lần, mỗi động tác đều khỏe mạnh, dứt khoát, đến lần thứ năm các trai kiệu chụm tay (vốc nước) hắt ra ngoài.


Quang Viện