Thứ 2, 29/04/2024, 04:51[GMT+7]

Chân nhân thắng tích

Chủ nhật, 26/03/2023 | 13:30:21
5,675 lượt xem
Truyền ngôn, sự tích ngôi chùa làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư và việc thờ Quốc sư Từ Đạo Hạnh như sau: Buổi đầu trên đường sang Tây Trúc học đạo, Từ Đạo Hạnh đã kết giao với Dương Không Lộ, Giác Hải người làng Giao Thủy (được thờ ở chùa Keo, xã Duy Nhất). Trong khi đi hành đạo, ngài đã về Thọ Lộc, thấy đồng làng Thọ Lộc có thế đất “con phượng xòe cánh” ngài cho xây chùa trên đất ấy, vì vậy có tên chùa Múa rồi đặt tên chữ là Phượng Vũ.

Rước kiệu thánh trên sông, tục lệ đẹp trải ngàn năm của làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư.

Làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư xa xưa là xã Thọ Lộc, huyện Thư Trì với bốn thôn: Thọ, Hội, Nội, Đào thuộc tổng Bổng Điền huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương. Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay Thọ Lộc là một thôn riêng, ban đầu thuộc xã Minh Quang; từ năm 1955 đến nay, Thọ Lộc thuộc xã Minh Khai. Làng cách thị trấn Vũ Thư khoảng 3km. Các cụ già trong làng kể, làng Thọ Lộc hình thành từ cuối thời kỳ Hùng Vương, cách ngày nay hơn 2.000 năm. Truyền thuyết kể rằng, thành hoàng làng xưa nay vẫn được tôn thờ ở đình làng đã từng phù Trưng nữ Vương đánh giặc Hán. Làng Thọ Lộc có am, có chùa thờ đức thánh Từ (tức Quốc sư Từ Đạo Hạnh).

Theo truyền ngôn, sau khi xây chùa xong, Đức thánh Từ đã ở lại làng, ngoài việc dạy đạo ngài còn giúp dân khơi sông, đào ngòi, đắp đê giữ nước, hướng dẫn nhân dân cấy trồng. Khi dân làng đau ốm ngài chữa bệnh cho dân. Ngài thường ra chơi với trẻ chăn trâu, khuyến khích trẻ chăn trâu tập võ, thi vật võ với nhau, ai thắng ngài đều thưởng tiền. Một hôm ngài xem xong lại không ban thưởng, đám trẻ chăn trâu bám lấy ngài đòi tiền thưởng, ngài chạy vào một khu đất trống, khi trẻ chăn trâu đuổi đến nơi thì không thấy ngài đâu, chỉ thấy vết chân ngài in trên phiến đá, sau dân gọi chỗ ấy là “chân nhân thắng tích”. Nơi đất ấy, cây cối tươi tốt, um tùm, dân xây am thờ ngài ở đây. Ban đầu “chân nhân thắng tích” để ngoài trời, sau được chuyển vào trong am, truyền ngôn rằng “trong am có đôi rắn to bằng ống chít mạ, thỉnh thoảng có người vẫn trông thấy rắn…”.  Tương truyền, chùa Phượng Vũ được xây từ lúc đức thánh Từ còn sống. Các tài liệu khảo cứu cũng như các văn bản nhà nước qua các thời kỳ đều chung nhận định, chùa Phượng Vũ là công trình kiến trúc Phật giáo điêu khắc tinh xảo. Chung quanh chùa có nhiều cây cổ thụ, cành lá sum suê tỏa bóng mát, ngoài chùa là những đồng lúa xanh mướt mát, trải dài… làm cho cảnh chùa đẹp thêm khi mùa xuân đến. Vào mùa xuân, sau tết Nguyên đán, dân làng Thọ Lộc thường tổ chức hội vào ba ngày mùng 8, 9, 10 tháng Giêng. Chiều ngày mùng 8 “Thánh” được rước từ chùa về đình làng. Sáng ngày mùng 9 lại rước Thánh từ đình làng về chùa. Đây là ngày hội chính, trong ngày hội có rước kiệu trên sông. Từ sáng sớm dân trong làng, trong xã, dân từ các làng lân cận, xa gần trong vùng lũ lượt về làng Thọ Lộc để xem hội rước thánh. Tuy là hội làng nhưng có tới hàng vạn người về dự hội chỉ cốt để chứng kiến cảnh “Rước kiệu mồng 9 tháng Giêng/ Xoay trên sóng nước ngả nghiêng đất trời”. Đoàn rước kiệu có đông đủ các lứa tuổi, quần áo nhiều màu, với 3 kiệu Long đình, Bát cống và Song Loan... Lễ rước có cờ, trống, có dàn nhạc đi theo. Đoàn rước bắt đầu từ đình (ở trong làng) ra chùa (ở ngoài đồng) đoạn đường dài khoảng 2km. Tại sân đình, khi các phu kiệu vừa đặt kiệu lên vai thì kiệu đã quay tít theo vòng tròn, dịch chuyển dần sang hai bên đường. Trên đường di chuyển, 3 kiệu vẫn “tự quay”, khiến du khách không ngớt lời trầm trồ. Rồi, các chân kiệu “tự dưng” đồng loạt quỳ đầu gối xuống đất, kiệu dừng hẳn, dân làng, dân đi xem hội chắp tay khấn vái… kiệu vẫn không dịch chuyển... Đến khi nghe thấy tiếng trống vật nổi lên, các phu kiệu mới đứng được lên và tiếp tục đi. Khi kiệu ra khỏi làng đến đường liên xã, nằm sát đường là một dòng sông nhỏ, khi thấy sông nước thì kiệu và người rước kiệu đều “bay xuống nước”, quay tròn trên mặt nước, xô dạt vào nhau, rồi lại tỏa ra. Trên hai bờ sông hàng vạn người đứng chen chúc nhau xem “Thánh múa”, tiếng trống chiêng, tiếng mõ dồn dập, thôi thúc, kiệu lại càng quay nhanh nhưng chuyển dịch chậm chạp. Đoạn đường sông dài chừng 700 - 800m. Các kiệu đi trên sông nước trong khoảng từ 9 đến hơn 11 giờ thì mới vượt qua đoạn sông ấy rồi kiệu được rước lên bờ, khi ấy dân làng thở phào nhẹ nhõm vì Thánh không múa nữa, kiệu đi tiếp về chùa, Thánh được rước vào chùa. Tại chùa có tế, lễ vui chơi. Làng Thọ Lộc xưa có 5 “giáp”. Theo lệ làng, mỗi giáp dành ra một mẫu ruộng để nuôi lợn “hỗng”. Nhà nào được chọn nuôi lợn hỗng thì mọi việc đều phải xếp lại, cả nhà tập trung vào việc chăm sóc “ông lợn”. Ngày làng vào hội “ông lợn” được tắm rửa sạch sẽ, cho vào cũi, cờ trống rước ra đình dự thi. Thi xong các giáp đem lợn về mổ rồi sắp làm lễ tế Thánh. Hội vật làng Thọ Lộc có rất nhiều đô vật từ các vùng cả tỉnh ngoài đến dự. Hội tặng giải nhất, nhì, ba cho các đô vật thắng cuộc và gán cho đô vật các tên “chép vàng”, “voi xô”, “ngựa hồng” các trò vui được tổ chức từ chiều mùng 9 đến hết ngày 10 tháng Giêng thì vãn hội. Hội làng Thọ Lộc tổ chức vào sau tết, trời còn rét và nhiều khi lại có mưa nhưng không  năm nào làng bỏ lệ rước kiệu trên sông, có năm nhiệt độ xuống thấp 10 - 15 độ C nhưng không một phu kiệu nào bỏ cuộc vì mệt, vì rét, người ta bảo “đấy là được Thánh phù hộ”.

Giải thích về tục rước kiệu trên sông, truyền ngôn kể rằng: xa xưa chùa Múa có một bát hương bằng đồng quý, bị kẻ gian ăn trộm đem sang thành Nam (Nam Định) bán lấy 2 quan tiền. Người mua được bát hương ấy là một nhà giàu có, chuyên mua bán vàng bạc. Lạ thay, tối đến bát hương có tiếng kêu như sấm, chuyển bát hương đến chỗ nào cũng có tiếng kêu. Chủ nhà sợ quá mong trời sáng mau để tìm xem bát hương có dấu vết gì. Cuối cùng cũng thấy trên bát hương có đề hai chữ “Thọ Lộc”. Trời còn sớm, chủ nhà đã ra đường phố tìm hỏi xem Thọ Lộc ở vùng nào. May mắn gặp ngay người làng Thọ Lộc. Chủ hiệu vàng bạc liền kể lại chuyện mua được chiếc bát hương, chuyện xảy ra trong đêm với người làng Thọ Lộc và ngỏ lời muốn trả lại bát hương về cho chủ cũ. Người làng Thọ Lộc bàn rằng việc trả lại bát hương không thể đi đêm, làm âm thầm mà phải làm đàng hoàng, phải làm lễ tạ, phải báo cho làng Thọ Lộc biết để đón rước. Cuối cùng người làng Thọ Lộc về báo cho dân làng và thống nhất ngày đưa, đón. Ngày trả bát hương, từ thành Nam bát hương được đưa lên kiệu, có cả một đoàn người hộ tống kiệu ra phía sông Hồng để về Thọ Lộc. Đoàn người đến đò Tân Đệ chưa kịp hạ kiệu để xuống đò thì kiệu đã bay xuống sông, những người rước kiệu cứ bám vào kiệu đi trên mặt nước để qua sông. Từ đấy thành lệ, làng Thọ Lộc vào hội rước kiệu Thánh bao giờ cũng rước qua sông.

Nhiều làng cổ thuộc huyện Vũ Thư có lịch sử trên dưới 2.000 năm, số làng cổ lập nên thời nhà Trần (thế kỷ XIII) đến thời Nguyễn chiếm tỷ lệ cao trên địa bàn tỉnh ta. Cư dân Thái Bình nói chung, cư dân Vũ Thư nói riêng vốn là sự hội tụ đa cực của các luồng cư dân nhiều nơi đổ về như Sơn Tây, Hà Đông (Hà Nội), Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Đông Triều (Quảng Ninh). Ngoài ra, cư dân các tỉnh lân cận như Phủ Lý (Hà Nam), Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An… cũng tìm đến sinh cơ, lập nghiệp do vậy lớp cư dân này cũng “kéo” theo nếp sống văn hóa mang đậm bản sắc vùng miền tạo nên sự “hỗn dung” văn hóa trên đất Thái Bình.


Quang Viện