Thứ 2, 29/04/2024, 04:34[GMT+7]

Dịch Đình Thượng Khu

Thứ 6, 21/04/2023 | 06:28:38
3,096 lượt xem
Thời Hùng Vương kinh tế của đồng bằng Bắc Bộ là cấy trồng, săn bắt, đánh cá. Cũng giống như các tỉnh khác, Thái Bình có nhiều đồng bãi trũng (duy nhất Hưng Hà có làng Rẫy), bởi vậy nông nghiệp phổ biến dùng dao phát sậy hoặc dùng súc vật (trâu, bò) dẫm đạp. Người nông dân có hái lượm lúa trời và chính họ là một trong những nhóm cư dân đã thuần hóa lúa ma, lúa trời thành lúa ngoi, lúa dâu đen, lúa Ô Cánh được chép trong các giống lúa Việt Nam. Đất đai màu mỡ, tơi xốp có thể trồng cây hoa màu như các cây họ đỗ, bầu, bí, dưa hấu, khoai... hình thành những làng chuyên trồng cây hoa màu nổi tiếng như làng Khoai (An Khoái, Thống Nhất, Hưng Hà); làng Đậu, làng Đỗ 8 huyện, thành phố đều có. Các trung tâm trồng trọt lớn như Gạo (Quỳnh Nguyên), Gạo (An Thái, Quỳnh Phụ), Gạo (Hồng An, Hưng Hà)...

Đền Buộm, khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Tiên La, Buộm, Rẫy thuộc hai xã Tân Tiến và Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, đất cổ thời Hùng Vương là nơi đặt Dịch Đình, Thượng Khu.

Truyền ngôn rằng, thời Hùng Duệ Vương, nước ta có một vị Trưởng bộ Ái Châu tên là Hùng Thuận, năm ông 68 tuổi, lấy một bà vợ ba tên là Hoàng Thị Phức (tục gọi Phức Nương). Ông bà lấy nhau đã mấy năm, vào đêm 12 tháng 10 năm nọ, ông chiêm bao thấy một vị Thiên quan mũ áo chỉnh tề, tới trước mặt ông báo: “Ta vốn là Thiên sứ, thừa mệnh trời gọi ông về thiên đình có việc”. Ngay sau đó, ông không bệnh mà chết. Bà ba thương nhớ ông, ngày nào cũng ra ôm lấy mộ mà khóc. Khi bà ngủ thiếp đi, chợt mơ thấy ông bảo: “Thiên đình giao ta mang tới cho bà hai vị Thiên tào, Phán quan”. Sau đó bà có mang, bị mẹ con bà cả chửi mắng đuổi đi. Mặc dù Phức Nương cầu xin thế nào bà cả cũng không cho ở lại. Phức Nương đành trở về quê mẹ ở huyện Chân Định (Trực Định), phủ Kiến Xương, đạo Sơn Nam (nay là huyện Kiến Xương), giữa lúc bà mang thai mãn kỳ.

Truyền ngôn, trong đêm tối, Phức Nương đi lạc đến Thượng Khu, trang Tiên La, huyện Diên Hà, phủ Tiên Hưng, mệt lả đi, trong lúc “bụng mang dạ chửa” kềnh càng, đi bộ ngày đêm ròng rã áo quần tả tơi, bộ dạng nhếch nhác không ai cho vào nhà, Phức Nương nghĩ mình đã tới bước đường cùng, chợt thấy bên đường có một ngôi quán lợp tranh, bà liền vào đó trú chân. Trước ngôi quán là khu dân cư, thuộc Thượng Khu, Tiên La, có ngôi nhà dịch trạm do triều đình xây dựng. Đó là nơi chuyển tiếp “chiếu chỉ của triều đình” xuống địa phương và các bản tấu trình của cơ sở đưa lên triều đình, gọi là Dịch Đình. Tại đây có hai viên Thiên quan, lập hai đồn để bảo vệ và canh giữ ngăn ngừa giặc dã, trộm cướp. Đêm ấy, hai viên quan tổ chức hội Dịch Đình dinh yến thực, phụ lão nhân dân Thượng Khu xã Tiên La cùng dự hội để phụ tá hai vị. Tan cuộc, hai vị đều say, nằm ngủ tại Dịch Đình dinh, nhân dân cũng phải ở lại hầu hạ hai vị. Có lão ông đầu râu, tóc bạc trong làng mơ thấy binh mã ầm ầm kéo tới con đường trước Dịch Đình. Một cánh quân đông tới hàng trăm người, lại có một viên tướng đi thẳng tới trước, thân cao hơn một trượng, hình thù kỳ dị: đầu gà mào hoa năm màu, một tướng theo sau, thất lưng long lanh, mũ áo rực rỡ đi thẳng tới chỗ hai vị Thiên quan thì dừng bước. Hai vị Thiên quan hỏi: “Hai quan tới đây có việc gì vậy, mời ngồi”. Một vị đáp: “Tôi vốn là thần Thiên Bồng, lại do nhân dân Thượng Khu xã Tiên La phụng thờ” liền kể lại giấc mơ cho cả làng nghe. Làng liền bẩm báo lên triều đình. Truyền ngôn, vào thời vua Hùng thứ 16 (tức là Vũ Vương hoàng đế), nước ta có giặc Ô Mộc Nam Bạch Hổ Động và giặc Nam Chiếu, chúng hè nhau vào xâm lấn kể từ Quảng Đông, Quảng Tây (thuộc Bách Việt) và các địa phương thuộc các châu của nước Nam Việt ta: Hoan Châu (Nghệ An), Ái Châu (Thanh Hóa), Bố Chính Châu Cửu Chân, Hải Nam. Vua sai Thiên Bồng đi dẹp giặc, ông điều quân tiến về địa phận Thượng Khu, trang Tiên La, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam cho quân trú lại Dịch Đình dinh một đêm. Nhân dân biết Thiên Bồng tới, đón chực sẵn để xin ông cho làm thần tứ, có 28 người xin theo đi đánh giặc. Nguyên soái thuận cho. Ngay hôm ấy, ông hô quân tiến thẳng tới đồn giặc. Đánh một trận lớn quét sạch quân thù, bắt sống tướng giặc, chém ngay tại trận. Tất thẩy ngựa voi sĩ tốt của giặc hỗn loạn tan tác hết, nơi nơi yên bình. Thiên Bồng đưa quân quay về quê nội là trang Bồng Sơn, huyện Tống Sơn. Ông băng lên đỉnh núi ngồi hồi lâu, rồi bay lên trời mà hóa (hôm đó là ngày 10 tháng 12). Vua truyền lệnh xây đền quốc tế (tức tế lễ theo nghị thức triều đình), giao phó cho thần dân trông nom. Vua lại lệnh cho lập đền thờ ông tại các nơi có hành cung của ông. Ở những nơi có gia thần của ông, tất thảy gồm 62 địa phương. Vua cũng cho lập đền thờ lớn tại Dịch Đình tại Thượng Khu, thuộc xã Tiên La.

Chuyện về Trưởng bộ phu nhân Phức Nương được lưu truyền, cũng đêm ấy, Phức Nương trở dạ, một cụ già trong Thượng Khu được thần nhân báo mộng rằng: “Ta vốn là Tiên Hương chúa tế Long thần, cũng là Phúc thần của bản ấp, nay có Ái Châu Trưởng bộ phu nhân có thai sắp sinh hai vị thiên thần. Phu nhân đang ở Quán ngoài khu Dịch Đình thuộc Thượng Khu, xã Tiên La, Thiên đình giao cho bọn ta vào báo cho lão, lão hãy báo ngay cho hai vị Thiên quan bảo vệ khu vực Dịch Đình và để cho dân chúng biết, hãy mau mau ra quán sở, thỉnh rước phu nhân về Dịch Đình sinh hạn được yên ổn, nếu không làm ngay, e hối không kịp”. Nhị vị Thiên quan chợt tỉnh giấc, nghe cụ già bẩm báo mới biết là thần báo mộng, kịp đúng lúc trời chưa sáng. Mọi người thực hư chưa rõ, cùng nhau kéo ra quán sở xem. Trong bóng tối, người dân nhìn thấy trong quán ánh sáng lung linh, hương thơm ngào ngạt lại nghe rõ tiếng trống chiêng sênh nhạc rộn ràng. Tới quán, mọi người kinh ngạc nhìn thấy hai vị Thiên quan võng cáng phu nhân Trưởng bộ về Dịch Đình. Lúc đầu, phu nhân còn do dự chần chừ, giây lát sau trời đất bỗng nổi cơn mưa to gió lớn, bấy giờ phu nhân mới thuận đăng giá về Dịch Đình kịp lúc phu nhân sinh hai con trai. Hai người con Trưởng bộ phu nhân sinh hạ có thân vóc phổng phao, đường bệ khác người, thần phong lẫm liệt, hàm én mày ngài, mặt phượng mày rồng, tay dài quá gối, đúng là tướng mạo người phi thường. Nhị vị Thiên quan cùng nhân dân làm sớ tâu vua, vua hết sức mừng vui đặt tên là Ứng công và Hồng công. Vua sai Quý Minh đại vương cùng với hai vị Thiên quan rước phu nhân và hai người con trai về kinh thành. Phu nhân làm lễ bái yết hoàng triều. Vua trông thấy hai vị Ứng công và Hồng công đúng là tướng mạo dị kỳ bèn hạ lệnh cho hai anh em Ứng công, Hồng công được nuôi dưỡng ngay trong hoàng triều cho tới lúc trưởng thành.

Nước ta bị giặc Man Ô Lý Khởi cướp bóc khiến dân chúng lầm than. Bấy giờ vua sai Ứng công về Tiên La, Dịch Đình để nạp quân phòng ngự giặc Man Ô Lý cùng với hai viên Thiên quan Lỗi công, Lôi công đóng đồn tại đó. Vua lại chuẩn cho vùng đất Dịch Đình Thượng Khu thuộc xã Tiên La đều là cơ sở của Hội đồng, Hộ nhi cung phủ của các vị tôn quan triều đình, được miễn mọi tạp dịch binh lương. Vua lại lệnh cho Hồng công Chưởng lãnh quan Tướng quân bảo vệ đồn Báo Thiên Đề phải lập dinh phủ tại chỗ, để chế ngự Man Ô Lý. Trong thời gian hơn ba năm ấy, đánh địch hơn 20 trận và đều thắng lợi. Đến khi hai ông bắt được Chánh tướng của giặc Ô Lý xử trảm, chém đầu trên ngàn tên, thu hồi vũ khí đưa về kinh đô báo công lên triều đình. Hai ông đưa quân khải hoàn. Vua suy tôn Ứng công lên chức Bảo quốc Nguyên soái Đại tướng quân, Hồng công giữ chức Thái phó Nguyên soái Đại tướng quân, Lỗi công làm Tả tào Binh sự Thiên quan tướng quân, Lôi công làm Hữu tào Bình sự Thiên quan tướng quân.

Quang Viện