Thứ 7, 04/05/2024, 14:06[GMT+7]

Nhân trụ kình thiên

Thứ 6, 09/06/2023 | 16:47:00
2,750 lượt xem
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, Phan Bá Vành (Ba Vành, Phan Bá Vinh), quê tại làng Minh Giám, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, nay thuộc xã Minh Tân và Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tài trí hơn người, ngày đêm phải chứng kiến nỗi thống khổ đến cùng cực của những người nông dân, trong đó có cha mẹ mình bởi ách áp bức, bóc lột tàn bạo của chính quyền phong kiến triều Nguyễn, ông đã đứng lên tập hợp lực lượng, sắm sửa khí giới chiến đấu giành lại quyền sống cho dân nghèo. Chỉ sau thời gian ngắn, ông đã quy tụ được khoảng 5.000 người. Với lực lượng lớn và tài thao lược, Phan Bá Vành chỉ huy nghĩa quân khuynh đảo tinh thần quan quân triều đình nhà Nguyễn.

Đền thờ Phan Bá Vành, làng Minh Giám, xã Vũ Bình (Kiến Xương).

Nhìn lại thất bại của cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Bá Vành làm thủ lĩnh chống lại ách áp bức, bóc lột nặng nề của triều đình nhà Nguyễn đầu thế kỷ XIX với ước vọng “cơm no, áo ấm” cho dân nghèo chứng minh rằng Phan Bá Vành là người có khát vọng giải phóng giai cấp từ rất sớm. Phan Bá Vành gốc họ Ngô, dòng dõi Ngô Từ, công thần khai quốc triều Lê. Là trực hệ của Thái bộc tự khanh Phan Cương Dũng, dòng dõi “danh gia vọng tộc” nhưng đến thế hệ thân phụ của ông, cuộc sống  sa vào cảnh bần hàn. Thân phụ ông là Phan Công phải vừa chèo đò trên sông Kem vừa kinh doanh cá giống. Gia đình ông có 5 anh em. Khi thân phụ ông qua đời, thân mẫu ông là bà Mai Thị Vẻ (quê làng Hội Khê, xã Vũ Hội) vì gia cảnh túng bẫn phải cho Ba Vành ở đợ nhà địa chủ, chăn trâu cắt cỏ cho nhà Phan Trú.

Truyền ngôn, từ nhỏ Phan Bá Vành đã khỏe mạnh hơn người, một tay có thể vật ngã 10 bạn cùng trang lứa, được trẻ mục đồng làng Minh Giám tôn làm anh cả. Trong các cuộc giao tranh với bọn chăn trâu làng Mộ Đạo (cùng thuộc tổng Mộ Đạo, nay thuộc xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương), cánh của họ Phan đều thắng. Bên thua phải khoanh tay làm kiệu hoặc công kênh họ Phan đi diễu quanh đền Mộ Đạo hoặc bờ sông Kem (đoạn sông Hồng chảy qua làng Minh Giám). Có lần mải chơi, Ba Vành để trâu ăn lúa nhà thị Chiêu Lừng, thị chửi dữ quá. Phan bị chủ đánh mắng, bỏ nhà trốn xuống Bác Trạch (nay thuộc xã Vân Trường, huyện Tiền Hải) xin cho nhà Lân Dương hầu Phạm Đình Thiện. Các con trai Phạm Đình Thiện gồm Cả Trụ, Hai Trị, Ba Rãng dòng võ tướng thời Lê, côn quyền đều giỏi. Ba Vành xin được dự học. Lân Dương hầu theo Chiêu Thống tòng vong, khi Gia Long lên ngôi, ông đưa thi hài Chiêu Thống về nước, triều đình có vời ra làm quan, ông chối từ, ở nhà dạy võ. Thấy Ba Vành có chí, Lân Dương hầu dựng ngược bừa, bảo Ba Vành trèo lên mái nhà nhẩy xuống, nếu có gan ấy sẽ truyền hết võ thuật. Ba Vành cả gan lên mái nhà nhẩy vào giữa hàng răng bừa. Phạm Đình Thiện nhanh như chớp quải tay gạt chiếc bừa xa 10 bộ... rồi đem hết tài năng truyền dạy cho. Trong số hàng trăm võ sinh của họ Phạm chỉ có 3 người thành đạt gồm Hai Đao, Ba Vành, Ba Rãng. Các ông vung mạnh đường gươm có thể chém được 7 đầu, thu đường gươm lại có thể hạ sát 3 đối thủ. Dân Kiến Xương đều thuộc bài vè “Ba Vành, Ba Rãng, Hai Đao”, “Tráng ra thì bẩy, lộn vào thì ba”.

Những năm 1824 - 1825, Phan Bá Vành đưa hẳn quân về cửa Lân, cửa Trà Lý, trong khi Phan Thành Cầu xây dựng căn cứ đồn Cả ở ngang cống Kem (xã Vũ Bình, Kiến Xương); tướng Vũ Đức Cát chiếm cửa Ba Lạt (xã Nam Hải, huyện Tiền Hải), tướng Nguyễn Văn Yên đóng quân ở Hệ (xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy), đại bản doanh quân khởi nghĩa đóng ở Tiền Châu (Tiền Hải). Nghĩa quân đêm ngày đánh phá các phủ, huyện Chân Định, Thái Ninh, Thụy Anh, Tiên Hưng, Đông Quan, Vũ Tiên. Trận hỏa công chợ Dành (xã Thụy Văn, Thái Thụy), huyện doãn huyện Thụy Anh và hàng trăm binh biền của nhà Nguyễn bỏ mạng. Trận bao vây quân tuần tiễu ở Tô, Hệ, Quỳnh Phụ làm náo động huyện Thụy Anh. Trận chợ Quán nghĩa quân vây chặt quân triều, đốt cả trại lính (nay gọi là chợ Cháy, xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư). 

Nghĩa quân lại tiến công đạo Nghĩa Dũng Lai Triều (Thái Thụy), san phẳng trại quân triều ở Phúc Khánh (xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình) khiến “nhà giầu thảm bại”, “bỏ thuế bỏ tô” chạy vào ẩn trong trấn thành Nam Định, hoặc trú ngụ trong phủ Bo (lúc đó còn là phủ lỵ Kiến Xương). Phan Bá Vành còn hội quân vây đánh phủ Bo, thanh thế lừng lẫy, dân gian còn lưu truyền khúc đồng dao: “Đầu quân đã đến phủ Bo/ Cuối quân còn ở mó đò kênh Kem.../ Triều đình quân tướng đều lo/ Vành đem quân đánh phủ Bo ba ngày...”. Để giải vây cho phủ lỵ Kiến Xương, đô thống tướng Trương Phúc Đặng và phò mã vua Minh Mệnh Lê Mậu Cúc đương giữ chức tổng trấn Sơn Nam phải điều quân đánh tập hậu vào Tiền Châu. Phan Bá Vành bỏ phủ thành Kiến Xương về đánh đồn binh và kho lương dã chiến của đại binh Bắc Thành tại đồn cửa Lân và cửa Trà Lý, giết hai vệ úy Đặng Đình Diễn và Đặng Đình Miễn. Thừa thắng, nghĩa quân bao vây bản doanh Lê Mậu Cúc ở Định Cư (Đông Trà, Tiền Hải). Sau nhiều trận giao tranh, Cúc núng thế phải tìm đường chạy về Dương Liễu (Minh Tân, Kiến Xương) hội quân với Trương Phúc Đặng để nương tựa nhau. Phan Bá Vành dẫn nghĩa quân đuổi gấp, giết chết Lê Mậu Cúc ở Mom Rô (nay thuộc xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư), sau Minh Mệnh cho lập đền thờ Lê Mậu Cúc ở làng Định Cư (xã Đông Trà, Tiền Hải). Nghĩa quân quay lại vây chùa Dương Liễu, thách Trương Phúc Đặng ra đánh. Bị thua liền 3 trận, thống tướng đóng chặt cổng lũy, nghĩa quân bắc loa sỉ nhục, Trương Phúc Đặng đành liều mạng ra đối trận và bị thua to. Sách “Đại Nam thực lục chính biên” chép: “Sau thất bại này, Phúc Đặng bị triệu về kinh, lột hết mũ áo. Đặng sợ quá, đêm gieo mình xuống nước tự tử”. “Minh đô sử” thì chép: “Quân triều có chánh lãnh Uy (tức Trương Phúc Đặng) giỏi dùng côn sắt, không ai địch nổi. Vành giỏi dùng thanh long đao cũng không chịu kém. Bấy giờ Vành đang đóng quân chùa làng Dương Liễu, hàng ngày cưỡi ngựa đánh nhau với chánh lãnh Uy, đến ngày thứ ba, lãnh Uy định dùng kế ám toán, vung côn sắt nhằm đầu Vành mà đánh tới, nhưng Vành né mình tránh được, quay lùi lại vài mươi thước, gọi thủ hạ tên là Vò mang lao sắt tới, Vành liên tiếp phóng hai lao, đều bị chánh lãnh Uy dùng 2 tay bắt được. Vành thần tốc phóng lao thứ 3, Uy vướng hai lao cũ không kịp bắt, trúng ngay giữa ngực”.

Để dẹp cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Bá Vành chỉ huy, triều đình Minh Mệnh (nhà Nguyễn) cắt cử Tham tán Nguyễn Công Trứ đem quân về Chân Định, Thiên Trường dẹp loạn Phan Bá Vành để rồi cho đến trước khi theo tiên tổ “về trời” Nguyễn Công Trứ phải thốt lên cay đắng: “Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ Giữa trời cành lá cheo leo/ Ai mà chịu rét thì trèo với thông!”.

Một số nhà nghiên cứu lịch sử quân sự nước ta đưa ra lời nhận xét: “Lịch sử quân sự nước ta coi cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Bá Vành làm thủ lĩnh xứng đáng được xếp vào hạng những danh tướng cầm quân xuất sắc mặc dù thời gian tồn tại không lâu vừa phải chiến đấu vừa xây dựng lực lượng nhưng Phan Bá Vành và bộ tướng thuộc quyền của ông đã tổ chức được hàng chục trận đánh với quy mô lớn, nhỏ ở nhiều địa bàn khác nhau, trong đó có 8 trận thủy chiến tiêu diệt nhiều quân, tướng của triều đình Minh Mệnh, khiến triều chính nhiều phen khốn đốn. Bên cạnh tổ chức chiến đấu hiệu quả, Phan Bá Vành đã tổ chức thành công hệ thống căn cứ khởi nghĩa liên hoàn, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Phan Bá Vành đã để lại những kinh nghiệm và bài học quý về xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ hậu phương nhất là nghệ thuật tổ chức tiến hành các trận chiến đấu trên bộ cũng như thủy chiến”.

Quang Viện