Thứ 2, 29/04/2024, 07:53[GMT+7]

Chân nhân Chân Định

Thứ 6, 22/03/2024 | 10:10:39
6,019 lượt xem
Cảm nhận sự lo lắng, nuối tiếc, có thể bị lãng quên về một thuở hồng hoang của một vùng đất, về con người của vùng đất ấy, cố đại lão, nhà nghiên cứu Hán Nôm Vũ Đình Ngạn, quê xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương từng than thở: Những tác phẩm của các Nho sĩ “sinh bất phùng thời” ở tỉnh ta ít được sưu tầm nghiên cứu. Những công lao đóng góp của tiền nhân về chính trị, quân sự, không ai biết đến, thậm chí ngay con cháu trong nhà cũng không rõ về sự nghiệp cha ông. “Cụ” dẫn chứng: Vũ Đường, một văn thân yêu nước chống Pháp thời Tự Đức, quê ở làng Thượng Hòa, xã Hồng Thái, làm Án sát Hà Nội, cùng lo việc chống Pháp với Nguyễn Tri Phương. Hiện ở từ đường vẫn còn sắc phong của vua, còn nhiều công văn đi lại giữa giới quan lại và văn thân chống Pháp. Con cháu chỉ biết chung chung là cụ làm quan to trong triều, thế thôi!...

Đình làng Ngái, xã Quang Bình (Kiến Xương) nằm trong dải đất “gà vàng” của huyện Chân Định cổ xưa với những truyền ngôn nhuốm màu tâm linh.

Theo tài liệu khảo cứu, ở huyện Chân Định (nay là huyện Kiến Xương) có cồn đất An Bồi (có tài liệu gọi là núi đất), nay thuộc xã An Bồi, huyện Kiến Xương rộng khoảng 10 mẫu Bắc Bộ vượt lên giữa một vùng chiêm trũng. Theo các cố lão, xa xưa núi đất An Bồi cao hơn ngọn đa làng. Người trẻ, khỏe chạy từ dưới bãi lên đỉnh cũng phải nghỉ lại một đôi lần. Núi ấy trời sắp đặt, con người không đủ sức làm được. Tục truyền: Thuở sơ khai, ông Bàn Cố đi mở đất chẳng hiểu thiên vị ra sao lại cho núi Yên Tử cao vút tận trời. Yên Phụ là tổ sơn vùng Kinh Môn trấn giữa trung châu lại thấp. Cả cõi Đông Nam đất bằng không có trụ, thế chân vạc trời đất mất thăng bằng. Ngọc Hoàng giận dữ sai Thiên Lôi đánh chẻ đôi đỉnh Yên Tử (Quảng Ninh) cho núi này thấp xuống, lại sai thiên tướng thiên binh cấp tốc xuống vùng Yên Bồi (An Bồi) lệnh trong một đêm phải đắp xong ngọn núi cao đúng bằng núi Yên Phụ (Hải Dương). Quân tướng nhà trời rầm rập kéo về phía biển chia thành cơ ngũ, đội đào, đội đắp..., đất cát rùng rùng chuyển động, núi cứ cao dần...

Truyền rằng: Hồi bấy giờ ở ấp phía Đông làng An Bồi có con gà rừng tu luyện vạn năm thành thần (Kê tinh) ngụ ở động Kim Kê (tức làng Kim Kê, sau đổi thành làng Bích Kê, huyện Trực Định, nay thuộc xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương) thấy trời tạo núi, phá mất huyệt mạch, sợ mình mất thiêng, liền tính kế để phá. Giờ Tý, gà vàng (Kim kê) tỏa ánh hào quang và gáy ran. Mới quá nửa đêm đã thấy có gà gáy rộ, trời rực sáng phía Đông, quân tướng nhà trời cho là đã sang ngày mới, sợ lộ thiên cơ liền bảo nhau lui quân... Vì thế núi đất An Bồi mới cao được vài ba trượng. Về sau Ngọc Hoàng biết chuyện nhưng việc đã rồi, không đắp tiếp núi Yên Bồi nữa thành ra núi đất An Bồi chỉ cao vậy mà thôi.

Cũng theo tài liệu nghiên cứu văn hóa dân gian của nhiều học giả, trong tín ngưỡng thần điện cổ của người Việt, trong đạo quán vốn chỉ thờ Ngọc Hoàng đại đế, Văn Xương đế quân, Thái Thượng lão quân... lại được người Việt bổ sung thánh Trấn Vũ (thờ tại đền Trấn Vũ, Hà Nội); thần Độc Cước ở Sầm Sơn (ba tuổi đã đánh trống động trời, thiên lôi chém xẻ làm đôi, chỉ còn nửa mặt, một chân mà rất linh thiêng). Tiếp đến thời nhà Đinh (968 - 980) bổ sung thánh Huyền Đàn, là 1 trong 12 tướng nhà trời, tài cưỡi ngựa đen, múa gươm thần, động ra uy thì quỷ thần đều sợ... thế là hình thành tam thánh nội địa lừng lẫy. Dân ta tin hơn cả bộ ba Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Sang thời Lê Thần Tông (1607 - 1662), Trần Đoàn còn mở cả “nội đao tràng”... bấy giờ thì hệ thống thờ “Tam tòa Thánh mẫu”, “Tứ phủ công đồng” đã thịnh. Buổi đầu thời Lê ít nhiều ức chế đạo Phật, bắt sư sãi phải thi cử, truy lùng bọn “trốn việc quan đi ở chùa”, việc Thủy Nguyệt đại sư quê ở làng Hải Triều, huyện Ngự Thiên (nay là huyện Hưng Hà), tu tại chùa Muống, xã Vũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương và đệ tử xuất chúng: Chân nhân Châu Diễn tu ở chùa Đông Linh (xã Thụy Lương, huyện Thái Thụy) đã tập hợp môn đệ, cử giáo đoàn đi Tào Động thỉnh kinh, dùng sức ép trong ngoài bắt nhà Trịnh phải mở rộng đường cho tăng chúng. Họ lấy chùa Quang Khánh (Muống, Kim Thành, Hải Dương) làm đại sơn môn, dòng phật Tào Động Thái Bình vì thế phát triển cực mạnh. Làng nào cũng dựng chùa mới, tạc tượng, đúc chuông, dựng trúc đài, xây bảo tháp. Qua công tác kiểm kê di tích, ít nhất khoảng niên hiệu Hoàng Định, Chính Hòa có tới 500 cây trúc đài đá được chạm dựng, nghĩa là có 500 ngôi chùa được phục hồi và tân tạo. Tại Thái Bình, Phật giáo phát triển mạnh từ thời Lý, sang thời Lê có một số sơn môn nhỏ cũng được coi là chốn tổ. Đó là Hải Triều (Hưng Hà) quê hương đại sư Thủy Nguyệt; chùa Từ Bi (An Lạc, Đông Hưng) được nhiều khanh tướng thời Mạc cổ súy và đóng góp xây dựng, mở rộng. Chùa An Lễ (Hoa Nam), chùa Thiên Quý (Đông Xuân), chùa Kim Quý, làng Phù Lưu (Đông Sơn) là các tự viện lớn của Đông Hưng. Vùng Vũ Thư vẫn duy trì được các tự viện Thần Quang, Phúc Thắng (thời Lý), Đồng Đại, chùa Chành..., thêm chốn tổ Hộ quốc tự ở Việt Thuận và từ đây lan tỏa đi các chùa lẻ. Ở Kiến Xương ngoài sơn môn Lại Trì có từ sớm, đời Lê phát triển thêm chốn tổ ở Động Trung, Ngái (Quang Bình, Kiến Xương)...

Không là ngoại lệ, nằm trong dải đất Kim kê “gà vàng”, làng Ngái, xã Quang Bình, huyện Kiến Xương có thế đất “Quy Xà hội đồng”. Các cố lão trong làng kể, trước cửa đình Ngái có giếng nước cổ, tương truyền từ xưa, không trong vắt như những giếng nước thường gặp ở các làng quê, nước giếng cổ đình làng Ngái có màu trắng đục như nước dừa, phụ nữ trong làng uống nước giếng cổ này thường sinh con trai, điển nhi, khỏe mạnh, dân gian truyền nhau câu ca: “Trai làng Ngái, gái Đồng Xâm” là vì vậy. Cũng vì nước giếng như nước dừa mà dân gian gọi làng Ngái cổ là “Ngái Dừa”. Cũng theo truyền ngôn, đình Ngái được xây dựng từ thế kỷ I, đình thờ Lục vị thành hoàng là: Đông Hải Đại vương, Nam Hải Đại vương, Sóc Giang tôn thần, Vũ Cương Xương tôn thần, Lâu Kim Hóa và Hiển Tiết công chúa. Thời Lý - Trần (thế kỷ XI đến thế kỷ XIII), quy mô kiến trúc của đình Ngái vẫn còn khiêm tốn là miếu tôn thần thuộc trang Trung Ngái. Sau đó, trang Trung Ngái tách ra làm 3 làng, giữa là làng Quán, phía Tây là làng Ngái Dừa, đông là làng Ngái mới. Sau này làng Quán sáp nhập với làng Bặt, Trung Ngái thành xã Quang Bình.

Nhiều nghiên cứu văn hóa dân gian, trong đó cố đại lão Vũ Đình Ngạn chỉ ra rằng, di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh ta đang có chiều hướng mai một như sách quý (có thể là cổ thư), kỷ vật quý giá (có thể là cổ vật) đang bị mai một hoặc có người giữ được sách quý nhưng không có người đọc, dịch được (chữ Hán) để thấy rõ cái hay, cái đẹp trong sách và một số rất ít người làm công tác sưu tầm, dịch thuật, biên soạn nhưng chưa có điều kiện thuận lợi công bố, một phần vì bạn đọc nhất là lớp trẻ hiện nay “xa rời” văn hóa đọc mà chuyển sang “lướt web”... Một số nhà nghiên cứu văn hóa khi “gần đất, xa trời” đều có tâm nguyện ước mong các cơ quan chức năng kịp thời có biện pháp đẩy mạnh việc sưu tầm và bảo vệ những di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) của tiền nhân để lại và di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh ta nói riêng, những di sản vô cùng quý giá đang bị mai một thất lạc dần.


Quang Viện