Thứ 2, 20/05/2024, 09:20[GMT+7]

Vang mãi khúc khải hoàn ca

Thứ 3, 30/04/2024 | 07:49:29
1,281 lượt xem
Thời khắc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, là mốc son chói lọi, đánh dấu ngày đất nước hòa bình, độc lập, non sông thu về một mối. Đã 49 năm trôi qua nhưng khúc khải hoàn ca chiến thắng vẫn còn vang vọng trong lịch sử dân tộc.

Mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng 30/4, những người lính Cụ Hồ lại quây quần bên nhau kể chuyện những ngày tham gia kháng chiến cứu nước.

Đầu năm 1975, sau một loạt thắng lợi vang dội của quân và dân ta ở các chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, giữa tháng 4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiến công mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam trước mùa mưa. Tất cả các lực lượng, trang thiết bị, vũ khí được huy động cho chiến dịch. Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam được mở màn. Các quân đoàn chủ lực tinh nhuệ của ta cùng lúc tiến công với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”; cùng với sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng ở nội, ngoại thành Sài Gòn - Gia Định, lực lượng giải phóng đã nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu then chốt, khiến quân địch tháo chạy.

Mùa xuân năm 1975 là mùa xuân đại thắng khi hầu hết các vị trí phòng thủ từ xa, then chốt của địch để tiến vào Sài Gòn đều bị quân đội ta tiêu diệt. Cựu chiến binh (CCB) Bùi Trung Thủy, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) chia sẻ: Năm 1970, tôi nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 60, Sư đoàn 305, Bộ Tư lệnh Đặc công. Đơn vị tôi khi ấy có 37 chiến sĩ nhận lệnh từ Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tiến đánh sở chỉ huy Lữ đoàn dù số 3 của quân lực Việt Nam cộng hòa đóng tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Đà (tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng ngày nay). Chúng tôi dùng những lá cây rừng màu xanh, nhiều nhựa rồi trộn với pin để bôi lên người. Trong quá trình đột nhập doanh trại địch có 1 chiến sĩ trong lúc trườn qua hàng rào thì bị dây thép gai vướng vào quả đạn B40 đeo trên lưng khiến quả đạn bật chốt, một tiếng động nhỏ khiến quân địch nghi ngờ và chiếu đèn kiểm tra, rất may khi đó chúng tôi đã hóa trang rất tốt, lợi dụng địa hình nhiều cây cối và tiếng động, quân địch không phát hiện ra nên chúng tôi tiếp tục tiến đánh. Đến 11 giờ đêm, sau khi phá được hàng rào bảo vệ cuối cùng, mỗi người chúng tôi mang theo bên mình 10 quả lựu đạn cứ liên tục ném khiến doanh trại của địch như bị một trận pháo kích của hàng chục khẩu pháo tấn công, quân địch co cụm không phản ứng nổi. 20 phút sau khi phá hủy được nhiều vũ khí, đạn dược, quân nhu của địch, chúng tôi rút dần ra và lúc bấy giờ quân địch mới phát hiện là bị đặc công của Việt Nam tấn công. Sau trận đánh đó, đơn vị của tôi có 3 chiến sĩ hy sinh, còn về phía quân địch thì tổn thất nặng nề với 430 tên bị tiêu diệt, nhiều vũ khí, đạn dược bị phá hủy.

Cựu chiến binh Bùi Trung Thủy chia sẻ với đồng đội những kỷ niệm về kỷ vật ông lưu giữ từ thời còn chiến đấu.

Để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta một lòng đoàn kết đứng lên chiến đấu. CCB Ngô Vi Xước, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) nhớ lại: Đơn vị của tôi là Tiểu đoàn 145, Quân khu 6 khi đó hoạt động chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng. Chúng tôi phối hợp với bộ đội địa phương tham gia giải phóng, làm công tác vận động quần chúng và xây dựng lực lượng làm kinh tế để bổ sung sức người, sức của cho tiền tuyến. Đơn vị tôi giao tranh với quân giặc ác liệt nhất là vào năm 1968 khi thấy lực lượng quân đội ta tại Lâm Đồng rất mỏng và chúng định đánh chiếm; thế nhưng với sự chống trả quyết liệt, đơn vị tôi đã đánh lui được quân ngụy, bảo đảm được hậu phương vững chắc cho quân đội ta ở Lâm Đồng.

Cũng từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, CCB Trần Kiếm Ba, nguyên cán bộ Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 (tổ 18, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) chia sẻ: Năm 1972 tôi là chiến sĩ thông tin của Bộ Tư lệnh Quân khu 8. Ngày 26 và 27/4/1975, đơn vị của tôi đóng quân ở Long An và nhận nhiệm vụ tiếp quản căn cứ Đồng Tâm (Mỹ Tho). Khi đơn vị của tôi tiến vào thì quân ngụy đã giải giáp vũ khí; ánh mắt thất thần của mỗi tên lính đã phần nào khiến chúng tôi cảm thấy vui sướng vì đây là tín hiệu cho thấy ngày toàn thắng đang đến rất gần.

Cựu chiến binh Ngô Vi Xước (người bên phải) cùng đồng đội xem lại những thước phim lịch sử về chiến dịch Hồ Chí Minh.

17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu với cuộc pháo kích cấp tập từ hơn 20 tiểu đoàn pháo binh thuộc các quân đoàn 2, 3 và 4 của ta bắn vào các căn cứ của quân đội Việt Nam cộng hòa tại Nhơn Trạch, Hố Nai, Biên Hòa, Nước Trong, Đồng Dù... Trận pháo kích kéo dài gần 1 giờ đã làm rung chuyển nội đô Sài Gòn, pháo binh của địch phản ứng yếu ớt và nhanh chóng bị hỏa lực của ta dập tắt. Cầm trên tay chiếc bi đông và thắt lưng thời còn chiến đấu, CCB Lại Văn Nghĩa, thôn Ô Mễ 3, xã Tân Phong (Vũ Thư) kể cho chúng tôi nghe về những ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông cho biết: Ngày 26/4/1975, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhận lệnh đóng quân tại rừng cao su Long Khánh (Vũng Tàu). Đến chiều ngày 29/4/1975, đơn vị của tôi nhận lệnh tiến quân; từng chiếc xe tăng đi trước và các chiến sĩ nối đuôi theo sau, đến trận địa thì chúng tôi ổn định vị trí. Tôi nhớ mãi khi ấy thiếu thốn đủ thứ, mỗi chiến sĩ chỉ có cốc sữa và chiếc bánh lương khô 72 để ăn và chiến đấu, thế nhưng anh em ai cũng vui vẻ, quyết tâm hy sinh thân mình vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Những ngày sau đó, chúng tôi cứ nối đuôi nhau tiến vào Sài Gòn, quân địch chỉ tấn công yếu ớt và đầu hàng. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, khi nhận được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh em chiến sĩ trong đơn vị tôi hò reo vui sướng lắm. Thời khắc lịch sử đó còn in đậm trong tâm trí tôi tới tận sau này. Khi đơn vị tôi vào nội thành Sài Gòn, đi đến đâu nhân dân cũng vui mừng chào đón, cờ hoa rợp trời mừng ngày đại thắng. 

49 năm đã qua đi sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân Việt Nam giờ đây được hưởng thái bình, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Lớp lớp thế hệ hôm nay mãi khắc ghi những cống hiến to lớn, sự hy sinh mất mát của các anh hùng, liệt sĩ, những người đã để lại một phần xương máu của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước oai hùng của dân tộc, tiếp bước cha ông góp sức bảo vệ toàn vẹn sáu chữ vàng “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đấu tranh giành được cho nhân dân.

Tiến Đạt