Thứ 2, 20/05/2024, 07:51[GMT+7]

Ký ức một thời hoa lửa

Thứ 3, 30/04/2024 | 08:00:20
3,335 lượt xem
Không chỉ cùng làng, 3 cựu chiến binh: Đoàn Duy Phức (71 tuổi), Lê Văn Hồng (72 tuổi), Nguyễn Văn Miên (74 tuổi) thôn Hợp Long, xã Việt Thuận (Vũ Thư) còn được cùng nhau tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và giải phóng Sài Gòn năm 1975, góp sức cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại, giành độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Nửa thế kỷ đã qua đi nhưng ký ức về một thời hoa lửa của 3 người lính cựu vẫn in đậm hình ảnh những trận chiến khốc liệt, hào sảng, bi hùng năm xưa.

Trở về đời thường, các cựu chiến binh vẫn thường xuyên chia sẻ, động viên nhau vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 1/1971, ông Phức chưa tròn 18 tuổi, ông Hồng 19 tuổi, ông Miên 21 tuổi cùng lên đường tòng quân. Sau nhiều tháng ròng rã hành quân bộ vào Thanh Hóa, Nghệ An, năm 1972, 3 ông đều được phân công vào Sư đoàn F320B, chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Trong trận đấu này, địch huy động quân số khổng lồ và vũ khí tối tân, hiện đại như xe tăng, xe thiết giáp, máy bay B52... Chiến trường Quảng Trị được coi là một cái “cối xay thịt” khổng lồ. “Xác định được sự khốc liệt của trận chiến, sinh ít tử nhiều, tôi và tất cả các chiến sĩ làm “lễ hạ sao”, tháo quân hiệu, cấp hiệu, tư trang gửi lại một đơn vị hậu cần trông giữ, nếu sau này còn sống sẽ quay lại nhận. Riêng tôi, tôi viết sẵn hơn chục lá thư tay, mỗi lá thư tôi đánh dấu sẵn thời gian gửi, rồi nhờ một “bà má” ở Nghệ An, dẫu tôi sống hay chết, thì định kỳ cứ gửi thư về quê cho mẹ tôi yên lòng. Vì thế, suốt năm 1971 - 1972, mẹ tôi nhận được thư của tôi gửi về thì mừng lắm, chứ thực ra tôi đã vào chiến trường Quảng Trị, không thể gửi thư được nữa” - ông Phức kể lại.

Tuy khác tiểu đoàn nhưng ông Phức, ông Miên, ông Hồng đều thuộc đơn vị chiến đấu. Gương mặt đượm buồn, ông Miên chia sẻ: Trực tiếp tham gia chiến đấu ở trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mới thấy hết sự khốc liệt của chiến tranh. Bản thân tôi bị thương nhiều lượt nhưng may mắn được trở về, còn hầu hết đồng đội của tôi đã mãi mãi nằm lại nơi đất mẹ anh hùng. Tôi nhớ nhất là trận đánh ở cao điểm 16, trung đội của tôi có anh Nga (quê ở Ninh Bình) và anh Phóng (cùng quê Vũ Việt) bị địch bắn hy sinh ngay tại miệng một công sự. Trong đêm, tôi và mấy chiến sĩ dùng mảnh bạt bó các anh lại rồi di chuyển ra cánh đồng để chôn cất. Trên đường đi, chúng tôi được dẫn vào nhà một “bà má” người địa phương, trong sân nhà má cũng đang đặt mấy chục chiến sĩ đã hy sinh. Chúng tôi làm lễ truy điệu tập thể cho các anh, rồi từng đơn vị tìm nơi chôn cất riêng cho chiến sĩ của mình để bảo đảm bí mật. Quảng Trị chỉ có cát, chúng tôi đặt anh Nga và anh Phóng ở góc ruộng rồi lấy cát lấp lên, cũng chỉ có mảnh vải bạt quấn quanh người. May mắn là hơn 20 năm sau, tôi đã cùng gia đình các anh trở lại tìm được hài cốt, đưa các anh trở về... Có lần khác, vào ban ngày, chúng tôi đang bơi vượt sông Thạch Hãn để rút quân sang bờ bên kia, đến giữa sông thì bị giặc Mỹ phát hiện, máy bay Mỹ phun chất bột gì đó màu đỏ, bụi mù mặt sông, chúng tôi tưởng bột hỏa mù nhưng mọi người hít phải chất bột đó đều choáng váng, riêng anh Liệu (quê ở xã Vũ Vinh) thì ngất xỉu luôn, nên chúng tôi vừa bơi vừa phải di chuyển anh Liệu vào bờ cấp cứu rồi mới trở lại vượt sông. Sau này tôi mới biết đó là chất độc màu da cam vô cùng nguy hiểm.

Cựu chiến binh Lê Văn Hồng (ngoài cùng bên trái), Nguyễn Văn Miện (ở giữa), Đoàn Duy Phức (ngoài cùng bên phải) cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa.Một số kỷ vật của người lính Cụ Hồ trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ mà cựu chiến binh Đoàn Duy Phức đã lưu giữ hơn 50 năm qua.

Đối với ông Phức, từng nhân vật, từng sự kiện trong 81 ngày đêm năm ấy vẫn rõ nét trong tâm khảm. Ông kể: Ngày 2/7/1972, khi tôi và anh Thiện (quê ở xã Hồng Phong) đang vác súng và 7 quả đạn B41 thì phát hiện có chiếc xe thiết giáp của địch phía trước. Tôi và anh Thiện dừng lại, anh Thiện bắn cháy được chiếc xe nhưng chỉ một lát sau, anh Thiện bị trúng đạn của giặc. Chúng sử dụng súng tiểu liên không phát ra tiếng động, tôi chỉ kịp quay người lại đã thấy anh Thiện gục xuống, hy sinh tại chỗ. Đúng thời điểm đó, may mắn có đơn vị bộ binh của ta, trong đó có cháu Mạch (con của anh trai ruột tôi) đến yểm trợ. Tôi bảo cháu: “Hai chú cháu mình cùng chiến đấu, có chết thì cùng chết!”. Trận chiến hôm đó quyết liệt nhưng may mắn hai chú cháu tôi vẫn sống sót... Ở Quảng Trị, bom đạn khốc liệt, đói ăn, khổ cực, tôi vẫn luôn lạc quan, chẳng màng sống chết, nhưng có việc đến nay tôi vẫn day dứt mãi. Đấy là một lần, khi tôi đang làm nhiệm vụ nhận lương thực tiếp tế cho đơn vị, thì anh Hưng (quê ở Hải Dương) ra năn nỉ tôi: “Cậu cho tớ xin một miếng lương khô thôi, tớ đói quá!” nhưng tôi sợ kỷ luật, kiên quyết không cho. Không ngờ, ngay sau hôm đó, anh Hưng hy sinh. Đến nay, mỗi lần nhớ về đồng đội, nhớ đến anh Hưng, tôi rất thương anh và tự trách mình, giá cứ đưa cho anh ấy miếng lương khô, thì anh ấy dẫu hy sinh cũng được một bữa no!” - gạt khóe mắt nhòe lệ, ông Phức nghẹn ngào chia sẻ.

“Tôi nhớ hôm ấy là ngày 14/7 âm lịch năm 1972, đại đội của tôi sau khi rơi vào trận địa pháo của địch thì bị lạc vào một cánh đồng, mất phương hướng, địch bao vây phía ngoài. Nếu manh động, địch ném bom sẽ thiệt hại toàn bộ quân số. Vì vậy, cả đại đội buộc phải nằm bất động dưới ruộng cỏ tranh 1 ngày 1 đêm, nhịn đói, khát nước, thậm chí bị đỉa hút máu. Chiều hôm ấy, có một phụ nữ trung tuổi quẩy quang gánh đi qua ruộng đã nhìn thấy bộ đội ta nằm núp dưới ruộng. Khi đó, các chiến sĩ rất hoảng hốt, nếu bà ấy là chỉ điểm của địch, thì cả đại đội sẽ chết chắc. Có ý kiến cho rằng buộc phải “xử lý” bà ấy nhưng nếu bà ấy là người dân vô tội thì sao? Vì vậy các chiến sĩ quyết định “nín thở” giao phó tính mạng cho người phụ nữ ấy. Không phụ lòng tin của bộ đội ta, bà ấy đã im lặng, chúng tôi an toàn vượt qua đợt phục kích của địch” - ông Hồng kể lại ấn tượng của mình trong chiến trường Quảng Trị.

Sau 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ, cả 3 ông đều bị nhiễm chất độc hóa học, ông Miên là thương binh, ông Phức là bệnh binh ở độ tuổi đôi mươi. Mặc dù vậy, năm 1974 - 1975, cả 3 ông vẫn tiếp tục vào chiến trường miền Nam và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông Miên do bị thương nên được phân công ở đơn vị hậu cần. Ông Hồng, ông Phức trực tiếp tham gia nhiều trận chiến ác liệt, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Riêng ông Phức trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp quản dinh Độc Lập sáng ngày 1/5/1975 và tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới năm 1979, phục vụ quân đội đến năm 1986 nghỉ hưu.

Trở về quê hương, người chăm lo phát triển kinh tế, người dưỡng bệnh, nghỉ ngơi nhưng tình đồng chí, đồng đội vẫn gắn kết ông Miên, ông Phức, ông Hồng cùng nhau chia sẻ buồn vui cuộc sống và giáo dục con cháu điều hay lẽ phải, nỗ lực đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp để xứng đáng với máu xương của bao thế hệ cha anh và đồng chí, đồng đội của mình đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Quỳnh Lưu