Thứ 2, 29/04/2024, 17:41[GMT+7]

Người lạc về đâu

Thứ 2, 10/10/2016 | 08:53:24
744 lượt xem

 

CHƯƠNG 13: HAI DÒNG NƯỚC MẮT

 

Tuy đã tỉnh táo nhưng chân tay Thúc vẫn còn run. Ngọc Dung ngồi bón cơm cho Thúc. Miệng Thúc há thật to. Lười ăn nhưng được bón lại ăn rất ngon lành. Nhìn Thúc ăn, bà Châu bảo:

- Con Dung đến là khéo. Mẹ dỗ mãi chú ấy chỉ lắc đầu.

Hết bát cơm, Thúc hỏi: Còn không? Ngọc Dung xới thêm một bát đầy, bưng ra. Thúc bảo:

- Ðể Kích xúc cho. Việc gì phải bón như trẻ con thế này.

Thúc giằng lấy thìa, xúc một vài miếng. Bỗng tay anh run run, cơm đổ vãi. Anh thả thìa xuống đất, nhúm cả bàn tay vào bát bốc cơm đưa lên miệng. Vụt cái, ào ra sân, phóng ra ngõ, cả nhà đuổi theo. Thúc ngã sấp, lại vùng lên chạy, miệng hô: Xung phong, bắn, bắn…

Vớ được cây gậy bên đường, Thúc chộp luôn, quay một vòng, choài chân về phía trước, vung gậy lên.

- Anh Kích, anh Kích! Dung đây, Dung đây mà.

Thúc buông tay, cây gậy rơi xuống đất, miệng lắp bắp:

- Hở… Dung à… Ờ nhỉ. Ðây là đâu nhỉ?

Gần nửa giờ sau, Ngọc Dung mới đưa được Thúc về nhà. Quần cô bê bết đất. Áo Thúc xoạc lưng. Cả hai cùng mệt phờ. Bà Châu dỗ khéo, dìu Thúc ra giếng tắm rửa. Bà múc nước dội còn Dung kỳ cọ, lau mặt, rửa tay cho anh. Tắm xong, bà Châu dắt Thúc vào buồng thay quần áo. Dung ngồi giặt. Chậu nước trong veo soi rõ khuôn mặt cô phờ phạc. Nhưng cái nét dịu dàng, đôn hậu trong đôi mắt làm Dung càng đẹp thêm ra.

Sáng mùng một tết năm ấy pháo nổ giòn giã khắp nơi, nhà nào cũng sắp bánh, sắp cỗ cúng gia tiên, chúc mừng năm mới, cháu con mạnh giỏi, làm ăn phát tài. Ông Châu vừa thắp hương vái được mấy vái thì Ngọc Dung hớt hải chạy vào:

- Ba mẹ ơi, anh Kích đi rồi.

- Ði đâu?

- Con không biết, nhưng anh ấy không có nhà.

Bà Châu bảo:

- Có lẽ nó đang ở vườn đào.

Ngọc Dung vào buồng tìm lại, không thấy, lao ra vườn cũng chẳng thấy Thúc đâu. Chỉ có hoa bích đào nở rực rỡ một góc vườn. Cô tất tưởi chạy ra chợ Cầu Giấy nơi thường ngày Thúc hay tha thẩn ngoài đó. Cô phỏng đoán vậy. Anh Kích kia rồi! May quá. Anh đang ngồi ở một góc chợ, hai tay ôm mặt hu hu khóc.

- Kìa, anh Kích, làm sao anh khóc?

Tiếng Ngọc Dung êm dịu như tiếng bà tiên hỏi cô bé đơn côi lạc giữa rừng hoang trong câu chuyện cổ tích. Thúc đưa tay chùi mắt, ngước nhìn Ngọc Dung. Cô ngồi xuống bên, đặt tay lên vai Thúc:

- Về nhà đi anh. Về ăn tết, ba mẹ em đang chờ.

- Dung ơi… Tôi nhớ… nhớ nhà… nhớ lắm!

- Dung đón anh về nhà đây.

- Không… Nhà Kích cơ, nhớ quê.

- Thế quê anh ở đâu?

- Không biết.

- Cố nhớ xem nào. Nhớ được, Dung và ba sẽ đưa anh về tận nơi.

Thúc lắc đầu, lại òa khóc. Ngọc Dung không dỗ được, cảm động quá cũng khóc theo. Hai người ngồi khóc. Tiếng khóc của người lớn giữa sáng mùng một tết nghe thật thảm thiết. Khóc mỏi mắt, nín lặng, Ngọc Dung đứng dậy kéo tay Thúc:

- Thôi về ăn tết đi anh.

- Không! Kích không về đâu.

Thúc vẫn ôm mặt hu hu.

- Ðưa Kích về nhà bố cơ. Tết rồi, nhớ lắm. Bố ơi, mẹ ơi... hu hu… Ngọc Dung lại hu hu khóc theo. Sau đó cô về mang xôi thịt ra chợ cùng ngồi ăn với Thúc. Ăn xong Thúc mới chịu về nhà.

*

*     *

Lần theo những địa chỉ Thúc thường lảm nhảm nói trong cơn mê tỉnh bất thường, ông Châu quyết định đi tìm kiếm. Con người ta, ông nghĩ, ai chả có cha mẹ, vợ con, ai chả có quê hương, bản quán. Và không ai mong đợi chồng con mình bằng vợ con, cha mẹ những người lính. Mấy chục năm trong quân ngũ, ông đã từng chứng kiến cảnh khao khát, mong đợi của mẹ ông và của ông như thế nào. Mẹ ông bảo, suốt cuộc chiến tranh chẳng một đêm nào trước khi chợp mắt mẹ ông không nghĩ đến đứa con của mình đang ở chiến trường. Nó có được bình an không? Nơi nó chiến đấu đạn bom có ác liệt không? Liệu ngày thống nhất nó còn sống hay là bị tàn tật? Nỗi lo và những giọt nước mắt ai mà đong hết được.

Sau gần bốn tuần lễ nhảy tàu, vời xe, cuốc bộ, ông Châu lần lượt qua các đoàn an dưỡng của quân đội ở khu vực Chèm, Sơn Tây, Vĩnh Yên… Ðến Ðoàn 53, ông dò la khắp lượt các đại đội. Ông xin phép vào từng phòng ở trò chuyện, hỏi thăm nhưng không có ai tên là Thích hay Kích gì hết. Những cái tên sau mỗi lần thật yên tĩnh ông gặng hỏi Thúc. Tới Ðoàn 186, đi hết năm đại đội, giở cả tấm ảnh Ngọc Dung mượn thợ về nhà chụp Thúc để đưa ông mang đi. Quân lực đại đội thấy ông vất vả lại càng nhiệt tình tra hết sổ quân đến sổ lương, sởn cả mép giấy mà vẫn không tìm thấy.

Tìm không được, về nhà nghỉ ngơi, lại sức, ông Châu lại đi. Lần này, ông bàn với bà lên Viện Quân y 105. Ông bảo ở đấy ông có người bạn đang làm chính ủy bệnh viện. Gần ngày lên đường, ông dặn:

- Bà ở nhà thuốc thang, trông nom chú Kích cẩn thận nhé. Tôi lên đó may ra tìm được đơn vị chú ấy.

Bà Châu bảo:

- Biết ở đâu mà tìm. Với lại, cả đời ông nay đây mai đó, bây giờ có tuổi rồi ông đi xa tôi không yên tâm đâu.

- Bà đừng lo! Tôi còn đi được là tôi sẽ tìm được.

Thấy chồng nhất nhất đi tìm, biết tính ông đã nói là làm, không ai ngăn được, bà bảo:

- Thôi tùy ông. Tôi chỉ sợ sức ông yếu rồi, lỡ ốm ra đấy thì khổ.

Ông Châu bảo:

- Bà đừng lo. Tất nhiên đi là vất vả. Nhưng mình đã làm phúc phải làm cho trót. Gia đình mình tuy là nuôi dưỡng, thuốc men cho chú ấy nhưng còn tình cảm lâu dài phải là bố mẹ, vợ con chú ấy. Hơn nữa, có tìm thấy đơn vị mới lo được chính sách cho chú ấy chứ.

Ông nói tiếp:

- Con Dung đã làm đơn trình bày với cơ quan chính sách rồi. Họ bảo phải có xác nhận của đơn vị mới giải quyết được.

- Tôi cũng nghe con Dung bảo thế. Chỉ thương ông vất vả thôi.

Ông Châu dịu dàng giải thích và quay sang nhìn sâu vào đôi mắt phớt bạc như đọc thấu được tình cảm của người vợ một đời chỉ biết vì chồng, vì con. Im lặng một lát, ông bảo:

- Bà với con Dung ở nhà thử dò hỏi chú ấy có nhớ được gì không. Ví như người thân thiết, bạn bè cùng đơn vị, đồng hương chẳng hạn. Chỉ cần nhớ được một điều gì đó là tôi có thể lần tìm được đấy.

- Vâng! Hôm ông đi, tôi đun nước tắm gội cho chú ấy, tôi tỷ tê hỏi mãi chú ấy chỉ lắc lắc.

Bà Châu tiếp: Cả con Dung nữa, những lúc rửa vết đau, tiêm thuốc, nó cũng trò chuyện, hỏi han đủ thứ. Hình như chú ấy bị thần kinh nặng, cứ ngơ ngơ, cười, ừ, hử. Rõ khổ, cái áo con Dung mới may vải loong tốt thế chú ấy cũng xé cụt hai tay.

- À, ông ạ - bà Châu nhớ lại một đêm, trời mưa tầm tã, gió thổi xào xạc. Ðêm ấy ông vắng nhà. Tôi nằm nhắm mắt nghe mưa rơi và gió giật không ngủ được. Bỗng có tiếng người kêu thất thanh. Tôi và con Dung choàng dậy. Một người trùm chăn sừng sững đứng giữa nhà, miệng la lối: Bắt lấy nó, thằng phản bội đây rồi… Im một tí lại thút thít như người khóc: Hờ hờ..., Phú ơi, mày hại tao, mày sung sướng còn tao khốn nạn thế này… Con Dung bật điện lên, thì ra là chú Kích. Tôi hỏi: Sao chú Sẹo đứng đây, chú ấy bảo: Con đang ngủ thì nó ập đến. Ai đến? - Dung nó hỏi. Chú ấy mở chăn, quờ quờ tay: Nó đến, nó bắt phải đi. Nó là ai, bắt đi đâu? Chú ấy ngửa mặt lên trần nhà cười khanh khách: Nó là thằng gì nhỉ, hì hì, nó bắt ra chợ.

 

Nhà văn Minh Chuyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày