Thứ 6, 03/05/2024, 23:03[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 04/11/2019 | 11:28:05
1,317 lượt xem

Ảnh minh họa

Cự đưa hai ngón tay lên day hai thái dương, mặt nhăn lại. Hỏi dỏm xem có ai cũng chạy dài thì mình đỡ lẻ loi. Chẳng phải chỉ có mình mình. Nhưng cứ như Bường nói thì...
- Có ai nói tề tùng gì không?
- Có. Khối người nói.
Không giữ được thì tề quách cho xong chuyện - Cự nghĩ - Làng tề, mình khỏi phải kiểm điểm phê bình. Trâu lấm thì lấm cả đàn... Làng tề, mình cũng có điều phải lo đấy. Mình là cán bộ, đảng viên, đồn bốt nó chẳng bỏ qua đâu. Nó tra hỏi thử thách, nghi ngờ. Phải biết giữ mồm giữ miệng thế nào. Rồi lại phải tính đến cái đận hai bên giằng co, du kích chưa thua hẳn, đồn bốt không mạnh hẳn, mình ở giữa có phen chết chẹt... Mong làm sao cho ngã ngũ một bề, để mình yên thân...
Hôm nay, độp một cái, Cự nhận được thư Tuyền gọi về. Rồi tin giáo Lạc bị khử, Bường bị chụp bao tải đưa ra gò Rùa cảnh cáo... Thư Tuyền có mấy dòng:
Thân gửi anh Cự.
Anh thu xếp về ngay. Công việc ở nhà mất mươi lăm ngày đảo lộn, nay lại như cũ. Cổng làng đã làm lại, những đoạn lũy đổ đã sửa xong. Quân đồn Nguyễn mấy hôm nay co vào, không đến đầu làng ta quấy rối nữa. Anh em đông đủ cả, ai vào việc ấy. Những người bị bắt, phần được thả, phần trốn về gần hết rồi.
Nhận được thư này anh về ngay nhà. Có nhiều việc mới phải làm đấy.
  Tuyền
Bà cụ Nếp đưa thư cho Cự. Cự ngồi lặng như phỗng đá ở lăng bà Đại Vương. Đôi mắt lờ đờ như vừa qua một trận sốt rét. Mái tóc cánh ngan khô xác vuốt qua loa bằng mười đầu ngón tay. Mồ hôi hột trên trán, trên cổ, trên mí mắt. Giọng Cự rè rè khản khản như có cát trong họng:
- Tôi sang Khuốc, định về ngay tối hôm ấy. Nhưng ngộ phải cơn gió độc, mặt mày xây xẩm, người đồng đao đảo địa mồm cứ úa khan... Sáng sau cố dò sang đây. Tưởng uống thuốc vài ngày đỡ thì về. Bất đồ người cứ mệt bã. Miệng đắng như mật công. Ống xương chân như có kiến rúc vào... Bà xem người tôi...?
Bà cụ Nếp nhìn Cự như thầy lang quan  hình sát sắc(1):
- Trông da anh xấu hơn hồi nọ. Nhưng được cái đỡ gầy.
Cự đưa cả hai bàn tay lên, vừa gãi gãi trán vừa che đôi má bánh đúc xề xệ, hỏi lảng:
- Anh em cán bộ xã có ai chưa về không bà?
- Còn anh Hướng. Chạy tuột sang phía Vũ Tiên. Thấy bảo bên ấy có khu căn cứ rộng lắm...
Hướng là cán bộ Bình dân học vụ, con cửu Thạc, chức vụ kém Cự, lại không phải đảng viên. Nhưng cũng là một cán bộ xã chạy dài chưa về... Cự vò đầu:
- Bực quá! Không ốm thì tôi về lâu rồi!
- Ừ,... anh có lý do... - bà Nếp an ủi - Anh thu xếp, chiều nay tôi đưa anh về. - Bà thì thào - Hồi này tôi được giao nhiệm vụ giao thông từ xã lên huyện. Đêm qua, tôi đón về xã nhà sáu anh bộ đội 88... ừ, các anh ấy cắm ở xã, phối hợp với du kích...
Bộ đội về cắm ở xã... - Cự vừa gấp áo vừa băn khoăn - Sao không về đông đông chút nữa. Chí ít cũng phải một trung đội. Được có sáu người, đánh chác làm sao. Giở ngô giở ngọng, nó tức đốt sạch cả làng, bỏ mẹ...

18

Xếp Thả đi thị xã Thái Bình có mấy ngày, trở về đã thấy ở ven đường 10, gần đồn Nguyễn mọc lên một cái quán. Bốn cột bằng cây núc nác. Hai mái lá mía xộc xệch. Ba mặt tường đất đắp nện qua loa. Dăm bảy ngọn cỏ chưa kịp héo dính trên mặt tường sù sì. Ông thợ cắt tóc ngồi trên chiếc ghế xếp, mặt ghế là miếng vải gai lâu ngày đen nhẻm. Ông ngồi đợi khách, đưa hai móng tay lên nhổ nhổ râu...
Cạnh quán cắt tóc, một cái nhà ba gian làm vội. Cột tre tươi vạc mấu qua loa. Mái rạ cũ vuốt lại, phủ giàn mỏng tèo. Trong nhà, nền đất rời lủng củng. Gian bên trái kê cái chõng rộng và cao. Trên chõng, một cái mâm vuông sơn then đã tróc, đựng đĩa thịt gà xé nhỏ. Cạnh đấy là con gà luộc nằm nghiêng bị xẻo mất đùi...
Ông hàng phở mở thùng nước dùng, múc một ít nếm rồi đổ toẹt chỗ còn dở vào thùng, nhăn mặt quay ra cửa sau:
- Đa! Đưa ấm muối ra đây!
Chú bé mười ba, mười bốn tuổi, mình trần, mặc độc một chiếc quần đùi, da phơi nắng đen thui như gác bếp, bụng dán vào xương sống, từ sân sau chạy lên, hai tay lễ mễ bưng cái ấm, vốn để nấu nước bị thủng hông chuyển sang đựng muối.
Xếp Thả cau trán lại, khoảng giữa đôi lông mày rậm hình thành ba cái rãnh sâu hệt chiếc đinh ba chĩa ngược. Thả cho lính gọi lão cắt tóc và lão hàng phở lại. Mặt Thả lạnh thinh:
- Ai cho phép các ông làm hàng quán ở đây?
Ông cắt tóc xoa xoa hai bàn tay nhìn ông hàng phở. Ông hàng phở miệng “dạ... dạ...” mắt nhìn xuống ngón chân mình. Ông ta làm ra vẻ khó nói:
- Dạ... thưa ông. Việc này em đã trình lên ông đồn phó.
- Ông ấy bảo sao?
- Ông ấy cho phép ạ!
Ông cắt tóc nói hùn thêm:
- Ông đồn phó bảo cho phép, là vì ông đồn trưởng là người ta. Chứ là người Tây thì xin cũng khó ạ!
Xếp Thả lặng lẽ rung rung đùi... Đúng thế. Rơ-na còn ở đây thì đừng hòng... Cho mở hàng quán thì sự kiểm soát khó khăn. Nhưng không cho mở cũng không được. Từ cầu Bo lại đây, chỗ nào có đồn sở là hàng quán mọc lên. Lính tráng muốn mua cái này cái kia, ăn tấm bánh bát phở phải có người bán. Người Tây chỉ huy rắn tay không cho mở còn được. Mình là người ta chỉ huy quân đội quốc gia, rắn tay không được...
Quán hàng dần dần đông người ra vào. Ở gốc bàng, gần quán cắt tóc có thêm một bà cụ từ làng Gòi đến. Lưng bà gù rạp, cái cằm giơ ra phía trước. Bà ngồi im phăng phắc suốt sáng đến tối bên cái thúng mẹt cũ kỹ. Trên mẹt, một lọ thủy tinh vỡ đánh đai ngang lưng, đựng mấy chục viên kẹo vừng; một khay gỗ bày bao thuốc lá Bát-tô bóc dở...
Thỉnh thoảng một bác bán kẹo kéo từ phía Đống Năm đi lại, chiếc chuông đồng trong tay leng keng. Đến bên bà cụ, bác chạng cái chân ghế xếp ra đặt khay kẹo.
Những chú bé chăn trâu gần đấy nghe tiếng chuông chạy bổ lên, xúm xít bên khay kẹo. Bác kẹo kéo cất tiếng rao lảnh lót, khoe cái giọng chua lòm của mình:
- Kẹo kéo càng kéo càng rài, càng rai càng ngọt, chạy tọt về nhà, xin bà một xu, xin u một hào, ra mua kéo kẹo, nà... ào...!
Mấy thằng ngụy trẻ măng, chắc là mới bị bắt vào lính, từ trong đồn lỏn ra mua kẹo.
Bác kẹo kéo tay đè thỏi kẹo to bằng bắp chuối, một tay vuốt vuốt, kéo kẹo thành sợi, dài như cái ruột gà vàng quánh, giữa sợi có một chuỗi nhân vừng rang.
Tên ngụy ném vào khay một hào. Ông kẹo kéo chìa ngón tay trỏ gõ đánh tách, sợi kẹo gãy gọn như xén, trao cho hắn một đoạn dài như cái đũa. Hắn đòi thêm, ông gõ tách cái nữa, một mẩu kẹo bằng hai đốt ngón tay gãy ra. Hắn nhón bỏ tọp vào mồm.
Mấy chú bé không có tiền vẫn thích thú đứng xem kéo kẹo như xem làm trò. Bỗng một chú gọi như reo:
- Đa ơi! Kẹo!

BÚT NGỮ

Thành phố Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày