Thứ 7, 04/05/2024, 09:16[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 3, 26/11/2019 | 08:55:13
1,483 lượt xem

Anh Tính bảo Chuyển và Tuyền:
- Ở đây không có rừng núi hiểm trở, giặc có thể tập trung quân càn đi quét lại. Nhưng không phải lúc nào nó cũng tập trung được ở đây. Nước ta rộng, nó dồn sức đánh vùng này thì nhiều vùng khác nó sơ hở. Ta phải làm cho dân thấy mặt yếu căn bản ấy của giặc, để khi giặc mạnh ở từng nơi từng lúc, dân không hoang mang. Dân phải là tường đồng vách đá làm chỗ dựa cho bộ đội, du kích, tiến lên đánh giặc khi chúng phải rút quân cơ động đi nơi khác.
- Vừa qua tỉnh ta phá nhiều tề không anh? - Tuyền hỏi xen.
- Năm phần, phá ba còn hai. Số còn lại ở gần đường lớn, đồn to, tề ác... Dân ta căm ghét giặc, nhưng cán bộ phải bám sát dân mới biến lòng căm ghét ấy thành ý chí đánh giặc. Không có lãnh đạo thì lòng căm ghét giặc dần dần chìm lắng đi, sức chiến đấu giảm sút... Vừa qua, những nơi phá tề có kết quả là vì cán bộ, du kích bám sát dân. Những nơi chưa phá được, phần vì điều kiện khách quan này khác, phần vì cán bộ không bám dân bám đất...
Đến quãng đường rộng, anh Tính đi chậm lại, bước sóng đôi với Chuyển. Chuyển lúng túng xoay dọc đòn gánh, để đôi troạc lấm láp khỏi va vào quần anh.
- Vừa qua, anh em làng Nguyễn làm như vậy là đúng - Anh Tính tiếp - Phải nói rằng dân ta ở làng nào cũng tốt, tin Cụ Hồ, tin kháng chiến. Nhưng ở làng nào cũng có những người không tốt. Họ sợ giặc đốt nhà, giết người, hại đến bản thân họ. Họ tưởng giặc mạnh, ta yếu, giặc sẽ được, ta sẽ thua. Họ theo giặc, dựa vào giặc chống lại ta. Trong lúc ta chưa đủ mạnh để chặn được giặc, thậm chí phải rút vào hoạt động bí mật, họ càng dễ nghĩ sai, làm sai như thế... Làng Nguyễn này cũng có những người như vậy. Họ không làm gì được, vì các đồng chí có mặt ở làng, tên nào hung hăng bị trừng trị ngay. Nói ví thử các đồng chí nằm liệt ở nơi nào đấy, hôm nay làm gì chúng ta được đi đứng đàng hoàng thế này.
Thật thế... - Tuyền nghĩ, chân bước chầm chậm - Giá có ông Chỉnh ở đây thì hay bao nhiêu. Ông ấy cứ cãi với mình về lão chánh Củng, về đám nhà giàu. Họ bỏ lợn bỏ gạo ra ủng hộ bộ đội, du kích là việc tốt. Nhưng làm dăm ba việc tốt trong lúc thuận buồm xuôi gió chưa hẳn đã là người tốt. Bảy ngày ba bão mới biết cây cứng mềm.
- Anh xem... còn khuyết điểm gì, anh chỉ cho chúng tôi... Tuyền thành thực hỏi.
Không trả lời thẳng vào câu hỏi của Tuyền, anh Tính nói nửa nhận xét, nửa dặn dò:
- Trận giặc càn một tháng và trận biệt kích vừa qua là thử thách nặng nề với chi bộ làng Nguyễn. Giặc bắt người, đốt nhà, ép lập tề. Nó ở vào thế mạnh... Chi bộ ta, những đảng viên bị bắt không khai báo, tìm cách trốn khỏi tay giặc. Những đồng chí ở nhà kịp thời hướng dẫn nhân dân đấu tranh chính trị, biết nhân nhượng những cái có thể nhân nhượng với giặc, đánh đổi lấy người bị bắt. Khi đạt yêu cầu lại chuyển sang đấu tranh vũ trang... Trong những ngày tới, cuộc đấu tranh giữa các đồng chí với giặc còn xen kẽ linh hoạt như vậy. Điều cần nhớ là khi giặc tập trung đông, càn quét ác liệt làm cho ta hại người hại của, ta đừng nghĩ lúc ấy ta yếu. Tạm thời chuyển hướng đấu tranh võ trang sang đấu tranh chính trị là do ta chủ động để thích ứng với tình hình trước mắt, chứ không phải vì yếu mà chuyển hướng. Cũng cần nhớ, ngay khi có điều kiện đấu tranh võ trang, ta vẫn kết hợp đấu tranh chính trị...
- Ô kìa anh Tuyền! - Cụ Nghệ từ phía đình Thượng đi lại, dáng tất bật - Sao bảo có đồng chí tỉnh ủy về?
- Có đấy ạ?
- Thấy bà Nếp bảo về rồi cơ mà!... Thế sao anh không ở nhà tiếp khách lại ra đồng?... Nghe đồng chí tỉnh ủy về, tôi đến xem đồng chí ấy có dặn dò gì giới phụ lão. Đến thì nhà anh vắng tanh vắng ngắt.
Tuyền nhìn anh Tính rồi nói với cụ Nghệ:
- Đồng chí tỉnh ủy đây, cụ ạ!
Cụ Nghệ chưa biết nói gì, anh Tính đã bước lại xòe cả hai bàn tay nắm lấy tay cụ:
- Tôi về lúc chiều cụ ạ. Nãy giờ theo anh Tuyền đi xem phong cảnh làng ta.
Cụ Nghệ cười:
- Thoạt trông đồng chí tôi tưởng anh xã đội nào đến thăm quan. Xã tôi có tới mấy chục anh xã đội, huyện nhà có, huyện bạn có, đến thăm quan rút kinh nghiệm... Đồng chí quá bộ vào nhà tôi xơi nước. Cả anh Tuyền, anh Chuyển nữa, đi.
Chuyển từ chối, đi gánh nốt mấy gánh phân. Tuyền về trước chuẩn bị cuộc họp chi bộ. Cụ Nghệ đưa anh Tính về nhà mình.
- Chúng tôi mong đồng chí về để hỏi tin tức ra sao... Vâng, là hỏi tin về cả tỉnh cơ. Anh em thông tin họ nói thì chả khác gì bài trong báo Đại đoàn kết. Muốn biết những điều ngóc ngách hơn cơ.
Anh Tính cười:
- Tôi nói, không khéo lại giống bài báo đã đăng.
- Được, đồng chí cứ nói. Để tôi họp các cụ, tôi nói lại. Đồng chí nói cho tình hình...
- Vâng. Tôi nói từ sau đợt giặc càn hồi đầu năm nay. Nó dồn quân từ nhiều nơi đến, cụ ạ. Vây kín bốn mặt, đánh cả bằng thủy, lục, không quân, đánh cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế. Nó âm mưu phá vỡ cơ sở kháng chiến, bình định cả tỉnh ta, biến thành chỗ đứng chân an toàn cho nó. Nó lập hơn một trăm đồn bốt, lập tề ở nhiều làng. Cơ sở của ta có bị đảo lộn...
Cụ Nghệ bước lắp xắp cho nhanh để anh Tính khỏi phải vừa đi, vừa đợi. Cụ nói xen:
- Ấy cái làng Nguyễn tôi, không cứng tay thì nó bắt lập tề đấy đồng chí ạ!... Vâng!...
- Bên ta, lúc đầu có lúng túng...
- Phải, cái việc đánh giặc, lúc đầu đã giỏi sao được. Ngay đánh một đám cướp cũng vậy. Tôi nói đồng chí nghe, cái hồi năm Tuất, trước Cách mạng dễ đến ba chục năm. Hồi ấy tôi còn trẻ. Có đám cướp từ cánh đồng sau làng vào lối cầu Kế. Những thằng đi trước huơ dao bầu loang loáng. Cả lũ xông vào nhà bá Mậu cướp đi khối của nả. Vậy mà tuần tráng sợ dúm lại. Dân làng chỉ đứng kêu, không ai dám đánh... Lo bọn cướp quen mui đến nữa, hôm sau chúng tôi bàn cách đánh. Bọn nhà giàu khiếp mất của phải xu phụ cho chúng tôi ăn uống, sắm cho chúng tôi những ngọn trường, tức là những cây tre dài năm sải tay, vót nhọn. Bấy giờ Tây nó cấm không cho sắm giáo mác, sợ mình đánh nó. Mai tráng gang, lưỡi sắc như dao, cán có dây thừng, phóng xong, cầm thừng giật nhanh về. Chúng tôi chặt hàng thúng gai bồ kết. Những cái gai dài như ngón tay, kết thành chùm bốn năm ngạnh...
- Lần ấy nó có đến không cụ?
- Lần ấy nó đến. Nó xông vào ngõ nhà cửu Xuyên. Cái ngõ sâu như cái ống. Ông nhiêu Bảy từ bên đây bụi tre phóng một mũi trường. Thằng cướp đi đầu thủng bụng nằm lăn kêu ằng ặc. Ông hai Lượng đứng trong vườn nhà cửu Xuyên phóng mai ra, xể vai một thằng nữa. Dân xóm thì vừa kêu “làng nước” vừa hè “đánh đi.. i..”... Thế là bọn cướp tắt đuốc, chạy nháo ra đồng. Tôi đoán chúng nó rút ra phía ấy, lẻn đến vãi gai bồ kết. Có đứa dẫm phải, nhảy cò cò một chân. Đứa dẫm phải hai chân thì bò. Trận ấy chúng nó bỏ lại hai xác. Sau trận ấy, không bọn cướp nào dám bén mảng đến làng Nguyễn nữa. Bên Rí, bên Đọ thì cứ đến cuối năm là kêu ồi ồi.

BÚT NGỮ

Thành phố Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày