Thứ 7, 04/05/2024, 05:35[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 09/12/2019 | 09:03:59
1,166 lượt xem

Đám trẻ con đứng lặng hai bên, trố mắt nhìn các anh thanh niên rồi nhìn ông bác sĩ già.
Ông bác sĩ mặc chiếc áo dài trắng vừa rút ra từ ba lô. Nếp nhăn, nếp gấp làm cho lưng áo ông như tấm bản đồ nét thẳng xen nét chéo. Ông đứng trong đình, tay vẫn khoanh trên ngực, gương mặt tròn bụ, lành lạnh.
- Phong Châu vào khám! - Lệnh của anh tỉnh đội.
Hai chục thanh niên chen nhau bước lên thềm đình, rồi đứng sững lại, rụt rè, người nọ nhìn người kia như hỏi nhau: “Làm thế nào đây”?
Ông bác sĩ xòe hai bàn tay đưa ngang từ ngoài vào, mắt nhìn đám thanh niên trẻ măng qua cặp kính cận, tỏ ý mời.
Đồng chí tỉnh đội tưởng anh em chậm chạp, nói hơi gắt:
- Vào! Các đồng chí vào!
Ông bác sĩ ra hiệu cho các anh đứng tựa lưng vào tường đình, người nọ cách người kia một cánh tay khuỳnh. Rồi ông nói đủ nghe:
- Cởi quần áo!
Các bạn trẻ ngạc nhiên, ngần ngại nhìn nhau, không ai dám làm việc ấy ở chỗ đông người thế này.
Ông bác sĩ nghiêm nét mặt, hất hàm giục giã.
Một anh đứng giữa hàng, mắt tròn, lông mày rậm bạo dạn cởi áo trước tiên. Mọi người răm rắp làm theo. Rồi cuối cùng anh nào cũng trần như nhộng.
Đám thiếu nhi chen chúc đầy thềm đình. Chúng kiễng chân, vịn vai vào nhau nghiêng ngó, không hiểu sao ông già lại bảo các anh làm cái trò như thế. Những cặp mắt đen lay láy tò mò nhìn ông.
Ông bác sĩ bắt đầu. Tay ông lộn mí mắt từng anh, cúi gần vào, rồi lùi ra xa, ông xem mắt, hết anh nọ đến anh kia. Mấy gian đình im phăng phắc. Chỉ có tiếng dép ông bước lẹt xẹt. Có một người, chắc là mắt đau, ông ra hiệu cho mặc quần áo.
Anh thanh niên lom khom ra khỏi hàng, mặt cúi xuống, mắt chớp chớp liên hồi, bẽn lẽn nhặt quần áo, chạy như biến vào góc đình.
Ông bác sĩ ngó ngó vào tai từng người, rồi hỏi khẽ:
- Bao nhiêu tuổi?
- Mười chín!
- Vợ chưa?
- Chưa!
Hỏi tai phải, rồi ông hỏi tai trái. Không ai phải ra khỏi hàng.
Ông xòe bàn tay nắn nắn bụng từng anh:
- Đau không?
- Không!
- Đau không?
- Không!
Nắn bụng hết lượt, ông chuyển xuống cái “túi hạt vải” treo ở khoảng giữa hai đùi. Bàn tay trắng trẻo của ông khẽ nâng cái túi ấy lên, xem hai “hạt vải” có đều? Các anh quay đi ngượng nghịu. Đám trẻ con lấy làm lạ nhìn như dán mắt vào ông bác sĩ, rồi nhìn nhau. Một thằng không nhịn được cười, và cả lũ cười phì.
Cuối cùng, các anh được lệnh quay mặt vào tường. Ông bác sĩ áp ống nghe vào lưng từng người, miệng giục:
- Thở!... Thở mạnh!... Mạnh!...
Hết lượt, ông nói gọn lỏn:
- Xong!
Các anh vội vàng ngồi xụp bên đống quần áo, chọn nhanh cái của mình, vo gọn úp vào vùng dưới bụng, lỏn lại góc đình.
Ông bác sĩ nhìn anh cán bộ tỉnh đội gật đầu. Anh cán bộ hiểu cái gật đầu ấy có ba nghĩa: Một, đã khám và tuyển xong. Hai, được. Ba, cho tốp khác vào. Ông bác sĩ đi theo kháng chiến đã đến năm thứ năm, vào loại hiếm và quý. Phải cái ông có tính kiêu kỳ, ít nói, ít cười.
Trọng Quan, Đồng Phú, Minh Châu... Cuối cùng đến lượt Nguyên Xá vào khám.
Ông Chỉnh đứng ngoài hiên đình. Ông ngắm suốt lượt đám trai làng mình. Toàn những đô nhất được chọn đi dự tuyển trên huyện. Ông bảo Duyệt: “Xem cậu nào chắc được hãy đưa đi, không chắc mười cũng phải chắc chín. Đưa đi nhiều, chọn được ít, bác sĩ người ta kèo nhèo”.
Ông nhìn kỹ Chuyển, con trai ông. Chả biết cái số cái mệnh thế nào, ông bà cũng khỏe mà sinh nở được có mỗi Chuyển... Giá được đứa con gái nữa cho có nếp có tẻ, vui nhà. Giá được hai đứa, thời chiến không may sảy đứa này còn đứa kia... Thằng này, cái vai rộng, cái mặt vuông là giống mình. Cái miệng lúc nào cũng mím mím, ít nói là giống mẹ nó... Hôm xưa, chi ủy họp quyết định để Chuyển lại, tiếp tục làm bí thư thanh niên, làm nòng cốt cho trung đội du kích xã. Ý kiến ấy của Tuyền, được chi ủy nhất trí... Nhìn vào yêu cầu cụ thể của xã nhà lúc này, Chuyển ở lại là phải. Thanh niên đủ tiêu chuẩn tòng quân thay Chuyển có hàng chục người, không ngại thiếu... Nhưng đối với ông Chỉnh, cái đáng ngại là Chuyển phải ở nhà. Được đi có mấy cái lợi. Trước hết, nó được theo đồng đội học tập, rèn luyện theo kiểu bộ đội, đâu ra đó, chóng nên người tốt. Vào bộ đội được đi đông nam đoài bắc, con mắt mở mang, đi ngày đàng học sàng khôn. Đánh nhau mãi rồi cũng phải xong, rời bộ đội chuyển vào ngành nào cũng có vốn hiểu biết hơn hẳn ở nhà. Gia đình có hai bố con, người ở lại người đi cũng là hợp lý. Chuyển ở nhà gần gũi Quất, trai to gái lớn không nín nhịn được, đòi cưới sớm, sinh con đẻ cái ra là cả hai cùng bận bịu, ảnh hưởng đến công tác, hạn chế tiến bộ...
Nghĩ vậy, nhưng ông Chỉnh không dám nói với Tuyền xin cho con đi. Xin chưa chắc được còn bị phê là tính toán cá nhân. Ông bảo Chuyển cứ đi tuyển, rồi ông sẽ nhờ đồng chí tỉnh đội. Đồng chí ấy nói thì thiếu gì lý lẽ. Nào là cần Chuyển đi vì đơn vị mới cần có đảng viên làm nòng cốt; bảo vệ tỉnh ủy, cần phải có đồng chí trung kiên vững vàng... Thế là Tuyền cũng như cả chi ủy sẽ phải nhất trí... Ông cũng đã nói mảnh với Quất, để Quất “thuốc” cho Chuyển đi.
Đồng chí cán bộ tỉnh đội soát lại danh sách tân binh sáu xã vừa tuyển. Một tập giấy khổ rộng đặt trên bàn. Anh duỗi hai chân, tựa lưng thành ghế thoải mái. Việc tuyển quân thế là vượt yêu cầu. Xã nào cũng cử đi gấp rưỡi dự kiến. Sờ túi thấy còn điếu thuốc lá nhàu nhũn như con tằm rụt, anh lấy ra vuốt vuốt cho thẳng rồi đến chỗ ông Chỉnh, toan cấu làm đôi. Ông lắc đầu, đưa bật lửa cho anh.
Hai người đứng xem bác sĩ khám tân binh. Đồng chí tỉnh đội nói nhỏ với ông Chỉnh:
- Chuyển đô lắm, nhìn qua cũng biết được.
Ông Chỉnh bắt chuyện ngay:
- Em nó bắn vào loại khá rồi đấy. Lựu đạn cũng vậy. Vào bộ đội, giao súng là đánh ngay được.
- Cậu ấy vào là cán bộ trung đội loại vững ấy chứ!
Ông Chỉnh khoái trong bụng, đưa tay lên sờ sờ cằm, nói một câu không định nói:
- Du kích xã tôi nhiều tay khá lắm. Bộ đội cần cai kèn, tôi tuyển cho một người. Cậu Trù, cậu Thăng, thổi khá cả.
- Biết vậy, khi cần chúng tôi về tuyển.
Ông Chỉnh lân la sang chuyện xin cho Chuyển đi.
Đồng chí tỉnh đội nghe xong rồi cười:
- Tôi thì kết lắm rồi. Xã cho tôi xin ngay. Bổ sung vào đại đội huyện. Vào là cậu ấy phát huy tác dụng ngay lập tức. Nhưng... chi ủy các cụ phải nhất trí... Không lại bảo huyện về lấy hết cán bộ nòng cốt.


(còn nữa)

Bút Ngữ

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày