Thứ 7, 04/05/2024, 10:36[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 10/02/2020 | 09:11:42
1,026 lượt xem

Quất vuốt vuốt vài sợi tóc buông trước mặt để tay khỏi rỗi... Một lúc lâu, cô lảng sang chuyện khác:
- Bác Chỉnh lên huyện thật à anh?
- Thật.
- Vậy ai làm chủ tịch?
- Cô!
- Em mà làm chủ tịch! - Quất kêu giãy lên như dẫm phải than hồng.
Tuyền mủm mỉm cười:
- Không làm chủ tịch thì làm... vợ chủ tịch!
Quất hiểu ra, mặt đỏ bừng. Cô khoác túi bước vội ra cửa, nói vọng lại:
- Kệ anh đấy! Em chả biết đâu!... Hí... hí...


*
*      *


Hội đồng nhân dân xã bầu Chuyển làm chủ tịch Ủy ban.
Vừa nhận nhiệm vụ mới, Chuyển được huyện giao ngay một việc nặng: trong ba đêm phải đưa bốn nghìn cân thóc qua sông Hồng, bảo đảm an toàn, bí mật.
Một trận mưa sập tới. Tháng chín trời dễ mưa. Nước đổ ào ào từ mái nhà xuống sân. Chuyển ngại thổi cơm, lấy mấy củ khoai lang, hứng nước rửa qua loa rồi đem luộc.
Chuyển ngồi lặng lẽ, tay lùa rạ vào bếp lửa. Anh nghĩ về bốn nghìn cân thóc. Những cân thóc mấy năm nay làng Nguyễn dành dụm cho bộ đội. Thóc của nhà giàu bán để Cụ Hồ khao quân. Bán lấy tiền ngay và bán chịu... Thóc của những người nghèo chi chút dành lại. Thóc ấy có một phần nho nhỏ của mẹ Chuyển góp vào. Cái hũ sành da lươn miệng vũm, hông phình, mẹ Chuyển vẫn bỏ gạo vào. Bữa đến, nhà có ba người ăn, bà đong hai bát gạo đầy phần chồng, phần con và một bát vơi phần bà. Hai tay lắc lắc rá gạo bà thấy ít. Nhưng vẫn bốc một nắm bỏ vào cái hũ da lươn. Một trăm bữa, bà bốc lại đủ một trăm nắm gạo. Khi ăn, bà cố ý vừa ăn vừa nói chuyện để bát cơm của mình lâu hết, dành cho chồng con được ăn khá hơn. “Bố con ông ăn lấy sức mà thức đêm, mà làm việc”. Bà bảo vậy.
Những hạt thóc sắp chở đi là thế. Của một đồng nhưng lòng một nén. Hạt thóc dành dụm theo lời kêu gọi của Cụ Hồ. Hạt thóc này phải được chuyển tới Việt Bắc xa xôi nuôi anh bộ đội.
Từ đây ra sông Hồng, sang Hà Nam ba chục cây số. Đi đường hàng huyện không được; giặc cắm đồn bốt chi chít. Phải đi luồn qua các làng, tắt cánh đồng. Không cẩn thận, giặc biết, câu đại bác chặn đường, ném bom bến đò, chết hàng đống. Đi luồn, đi tắt thì đường gập ghềnh, ngập lội. Mỗi đêm đi giỏi cũng chỉ được chục cây số. Ban ngày phải ẩn tránh để khỏi lộ bí mật...
Những khó khăn như mớ sợi rối rắm, càng lần gỡ càng dài ra. Chuyển mải nghĩ, nồi khoai sôi lọc bọc lúc nào không biết... Bốn nghìn cân thóc, phải đóng bao tải mới đưa đi xa được. Bao tải phải lành, kẻo khuân lên, đặt xuống vật vã, rách đít, nứt vai. Mà lấy đâu ra bao tải lúc này?... Chỉ có ró... Bốn nghìn cân thóc. Mỗi người gánh ba mươi cân, vị chi... phải có một trăm bốn mươi người. Thời chiến, giặc càn quét, ném bom bất kỳ lúc nào. Đưa trăm con người ra khỏi làng, xa hầm, xa hố phải lo bảo vệ làm sao?... Phải có một ban phụ trách, ít nhất hai người. Một người đi trước thăm dò đường sá, tìm chỗ ăn, chỗ nghỉ; liên hệ với chi bộ địa phương để bảo vệ dân công, bảo vệ thóc, phòng giặc đánh bất thình lình...
Nồi khoai cạn nước lúc nào. Khoai cháy bốc mùi thơm thơm, khen khét... Chuyển vội dập lửa, lót tay bưng nồi khoai xuống vũng nước nhà dột. Đít nồi kêu xèo xèo.
Ăn vội mấy củ khoai, chẳng kịp uống nước, Chuyển ngả ngay lưng xuống đống rạ góc bếp, ngủ thiếp đi.
Hôm sau bừng mắt, Chuyển đã nghe con chích chòe đậu ở cây na trước cửa hót “chíp chiu chiu... chíp chiu...”. Ngó thấy trời tạnh, Chuyển mừng lắm. Anh toan sang nhà Tuyền bàn cách gỡ khó khăn, nhưng lại sợ Tuyền chưa khỏi đã phải lo công việc. Thôi, hãy bàn với Duyệt...
Chuyển đi tắt vườn cụ Nghệ sang nhà Duyệt. Thấy bóng anh, cụ gọi:
- Đêm qua anh Chuyển cũng về à? Khiếp, mưa thủng mái nhà. Vào uống nước đã!
Chuyển lắc lắc đầu, giũ những hạt nước trên lá cây vừa rơi xuống tóc, rồi bước vào nhà. Anh nói với cụ Nghệ về khó khăn của việc chuyển thóc.
Cụ Nghệ vừa day day chiếc chày giã trầu vào cái cối đồng, vừa nghe, chốc chốc lại “ừm” một tiếng. Ngửa cổ, gạt miếng trầu nát từ cối vào miệng, nhai lúng búng một lúc, cụ Nghệ nói:
- Anh trù đựng vào ró, không được đâu... Thứ nhất là không có ró tốt. Thứ hai là ró tốt cũng không chịu được vật vã. Rách nứt dọc đường lấy gì thay. Tôi hiến kế là gói bằng rơm...
- Bằng rơm ạ?
- Ừm. Có cách gói được! Lạt tốt, rơm tốt, biết gói, tung lên vật xuống không rách, không xổ. Việc này, Ủy ban cứ giao các cụ Liên Việt, chúng tôi hướng dẫn dân công làm.
Cụ Nghệ nói chắc như đanh đóng cột. Chuyển mừng như đắm đò vớ được phao.
Suốt ngày hôm ấy, làng Nguyễn dồn sức vào việc gói thóc, sửa quang gánh, cơm nắm cơm đùm, chuẩn bị lên đường.
Chuyển đứng trên thềm đình, ruột tượng gạo khoác chéo trên lưng, tay cầm gậy, quần vê sát đầu gối. Anh nói to:
- Thưa các đồng chí dân công xã nhà! Tôi có ý kiến trước khi lên đường. Đợt này ta đi không xa, nhưng gặp phải chầu mưa, đường nhiều quãng lầy lội. Ai chưa có gậy phải tìm gậy chống. Cố gắng không để ngã, lấm thóc... Đường đi có sáu chỗ gần đồn giặc. Qua đấy đừng nói to...
- Ho có được không ạ? - Một thanh niên hỏi xen, đùa nghịch.
Chuyển cười:
- Tức là cố giữ để khỏi lộ, đảm bảo đi xuôi về lọt. nếu không có trở ngại xảy ra, cả đi về chỉ hết năm ngày... Ban chỉ huy dân công có tôi là trưởng, đồng chí Tiệm là phó. Các đồng chí có ý kiến gì không?
- Khô... ông...!
- Chúng ta bắt đầu lên đường!
Chuyển chống gậy đi trước. Đoàn dân công giải hàng một đi sau như chơi trò rồng rắn.
Qua đường 39 thì trời sập tối. Dân công bước chậm giữa đoạn đường làng ngoằn ngoèo. Hai bên, những ngọn tre nặng trĩu rũ xuống sau nhiều trận mưa; lá tre quệt vào nón soàn soạt. Tối như chui vào hũ nút. Chiếc gậy chọc chọc phía trước, thấy không hổng, không vướng thì bước. Tiếng thì thào hỏi nhau:
- Có đúng đường không đây?
- Đúng! Cứ vậy mà đi!
Đoàn dân công đứt làm mấy đoạn. Đoạn đi trước không thấy đoạn sau phải đứng lại đợi.
Chuyển tinh mắt nhưng vào quãng đường tối vẫn không nhìn rõ. Anh chọc chọc gậy dò đường như người hỏng mắt. Có lúc quên chọc gậy, bước liều, trán anh vập phải một cây nhãn gù vươn ra đường, đau điếng. Vừa xoa trán, anh vừa truyền lại phía sau:
- Có cây ngả ra đường, khéo vập trán.

(còn nữa)

Bút Ngữ

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Bui Hoang Phat - 4 năm trước

Bài " pháo đài đồng bằng " không đánh dấu thứ tự, đố ai biết đâu là đầu, đâu là tiếp theo... đề nghị ai biên tập làm thay tác giả...

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày