Thứ 7, 27/04/2024, 14:49[GMT+7]

Làng hoa, cây cảnh Hồng Lĩnh: Rộn ràng vụ tết

Chủ nhật, 04/12/2022 | 22:25:38
3,996 lượt xem
Còn gần 2 tháng nữa là đến tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thời điểm này, người dân làng hoa, cây cảnh xã Hồng Lĩnh (Hưng Hà) tất bật chăm sóc cây để phục vụ thị trường tết. Mọi người hăng say lao động để có những cây đào, chậu hoa, cây cảnh đẹp nhất.

Vườn hoa, cây cảnh của gia đình chị Nguyễn Thị Gấm, xã Hồng Lĩnh (Hưng Hà) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đến thôn Đồng Hàn, chúng tôi như được hòa mình vào không khí nhộn nhịp của các chủ vườn đang hối hả chăm sóc, tuốt lá, tỉa cành cho đào. Vườn đào của anh Nguyễn Xuân Hoằng có diện tích gần 1 mẫu với 100 gốc đào rừng, 500 gốc đào 2 năm, 200 gốc đào 3 năm và hàng nghìn cây tùng, mai vạn phúc, nguyệt quế… Tuy có ảnh hưởng của thời tiết từ đầu vụ nhưng nhờ có kỹ thuật chăm sóc nên đào và cây cảnh của gia đình anh phát triển tốt. Thời điểm này, nhiều thương lái đã đến đặt mua đào với giá từ 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/cây. Hiện anh Hoằng đang huy động nhân lực để tập trung tuốt lá giúp hoa nở đúng dịp tết. Anh Hoằng chia sẻ: Tùy vào từng loại đào, thời gian tuốt lá sẽ khác nhau. Các loại đào thế, gốc to thì tuốt lá trước tết âm lịch khoảng 50 - 60 ngày, những cây già yếu thời gian tuốt lá chậm hơn so với những cây to khỏe. Công đoạn tuốt lá đào đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ. Tuốt lá để không gây hại đến các mắt hoa, bởi đây là những nụ hoa chuẩn bị nở. Trồng đào thường phụ thuộc nhiều vào thời tiết nhưng kinh nghiệm tuốt lá là rất quan trọng để có mùa đào ưng ý. Vì vậy, ở thời điểm gấp rút này, người dân thường tính toán rất chi tiết và kỹ càng để hoa nở đúng dịp. 

Tạm biệt anh Hoằng, chúng tôi tới thăm vườn đào của gia đình ông Nguyễn Văn Trung, người có hàng chục năm kinh nghiệm trồng đào. Năm nay ông Trung trồng trên 200 gốc đào. “Để trồng ra một cây đào có hoa nở đúng dịp tết, thế cây đẹp, nhiều nụ, người trồng phải rất kỳ công. Sau khi tuốt lá, tôi sẽ căn cứ vào thời tiết để có cách chăm sóc, “thúc” hay “hãm” đào sao cho cây đào có nhiều nụ, nụ to, sắc thắm, bung nở đúng dịp tết. Nghề trồng đào tốn nhiều công chăm sóc, phải tỉ mỉ, tâm huyết, mỗi năm chỉ thu một lần song thu nhập lại cao gấp nhiều lần trồng lúa và một số cây trồng khác. Hiện nay các thương lái, khách hàng từ khắp các nơi đã rục rịch tìm về để tham khảo giá, lựa chọn cây và đặt mua” - ông Trung chia sẻ. 

Làng hoa, cây cảnh Đồng Hàn có khoảng 65ha đất nông nghiệp, trong đó 75% diện tích đã chuyển đổi từ đất độc canh hai lúa sang trồng hoa, cây cảnh. Hiện nay, ngoài một số loại cây trồng chủ lực, nông dân thôn Đồng Hàn còn mở rộng sang trồng các loại cây cảnh mới có giá trị cao như: mộc hương, hoa giấy, nguyệt quế, nhài Nhật, mẫu đơn. Thu nhập bình quân của các hộ trồng cây cảnh đạt từ 30 - 40 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, giá trị bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ ha/năm. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, nông dân trong thôn còn đưa mộc hương vào trồng xen kẽ để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Gia đình chị Nguyễn Thị Gấm có trên 1 mẫu ruộng, trồng 2.500 cây mộc hương, ngoài ra còn có hàng trăm cây nhài Nhật, nguyệt quế, mẫu đơn. Mỗi năm, nhờ trồng hoa, cây cảnh gia đình chị Gấm thu về hàng trăm triệu đồng. Chị Gấm cho biết: Mộc hương là loại cây quý hiếm, hoa có hương thơm ngọt nên được nhiều người ưa chuộng với giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/cây. Những cây từ 5 năm trở lên có giá trị lên tới vài triệu đồng và được bán quanh năm nhưng bán chạy nhất là thời điểm từ tháng 12 âm lịch trở đi. 

Khác với chị Gấm, anh Nguyễn Thế Cường, thôn Đồng Hàn lại tập trung trồng và làm cây cảnh phát lộc để cung ứng thị trường tết. Hiện nay, gia đình anh có 1,5 mẫu trồng cây phát lộc. Một năm anh xuất bán hàng nghìn tháp phát lộc và lộc bình. Anh Cường cho biết: Gia đình tôi làm cây phát lộc đến nay đã 10 năm. Chúng tôi cải tiến làm các lẵng phát lộc từ 3 - 11 tầng, sau đó làm các lọ lục bình, làm thuyền buồm, nậm rượu... Để có đủ hàng cho khách, gia đình tôi phải thuê thêm người để làm cho kịp các đơn hàng. Ngoài làm phát lộc, tôi còn đứng ra thu mua sản phẩm tháp phát lộc của các hộ khác để cung ứng cho khách hàng trong nước nên mỗi năm thu nhập từ phát lộc hàng trăm triệu đồng. 

Anh Nguyễn Thế Cường, xã Hồng Lĩnh (Hưng Hà) phát triển kinh tế từ trồng và làm cây phát lộc.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc HTX DVNN Hồng Lĩnh cho biết: Nếu như năm 2021 xã Hồng Lĩnh chỉ có gần 30ha trồng hoa, cây cảnh thì năm 2022 toàn xã đã tăng lên trên 40ha với 240 hộ tham gia. Nông dân Hồng Lĩnh đã nhanh nhạy trong tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường, tích cực đưa cây trồng mới, có giá trị cao, áp dụng các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất. Nhiều hộ đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun sương vừa giảm công lao động, tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, bảo đảm sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đặc biệt, Hồng Lĩnh đang lựa chọn các sản phẩm cây thế mạnh, đặc thù của địa phương để đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP. 

Thanh Thủy 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày