Thứ 2, 20/05/2024, 22:46[GMT+7]

10 kết quả nổi bật của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2018

Thứ 2, 21/01/2019 | 08:35:30
1,045 lượt xem
Năm 2018, quán triệt chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tập thể cán bộ, công nhân viên chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu, phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực.

Khám, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn huyện Đông Hưng.

Dưới đây là 10 kết quả nổi bật theo thống kê của ngành trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

1. Hơn 33.000 lao động được tạo việc làm mới 

Thực hiện chương trình việc làm của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, năm 2018, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho khoảng 33.540 người (đạt 101,6% kế hoạch năm, tăng 1,6% so với cùng kỳ), trong đó tạo việc làm tại địa phương cho 24.580 người, lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài 5.660 người, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 3.300 người. Thu nhập của người lao động ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần được bảo đảm. 

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình.

2. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng 2,5% so với năm 2017 

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 4 trường cao đẳng nghề, 7 trường trung cấp nghề, 10 trung tâm dạy nghề và 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, ngoài ra còn có các cơ sở khác tham gia dạy nghề. Năm 2018, các đơn vị đã chủ động xây dựng đề án phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế đến năm 2025. Trong năm, các đơn vị đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 34.700 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50% (đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tăng 2,5% so với năm 2017). 

Đào tạo nghề may tại Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình.

3. Giải quyết cơ bản hồ sơ người có công còn tồn đọng 

Theo kết quả tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, toàn tỉnh có 1.342 trường hợp đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng. Đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh cơ bản giải quyết xong hồ sơ người có công còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh. 

4. Hỗ trợ 15.498 hộ người có công xây mới nhà ở 

Thực hiện đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các phòng liên quan tập trung thực hiện tốt việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu tổng hợp từ các huyện, thành phố, tổng số hộ người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh cần sửa chữa, xây mới nhà ở là 25.830 hộ. Đến nay, đã hỗ trợ 15.498 hộ xây mới nhà ở (đạt 60%). 

5. Giải quyết tốt các chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học 

Năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành quy trình rà soát, thực chứng tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ người hoạt động kháng chiến làm cơ sở giải quyết chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Việc rà soát, thực chứng được thực hiện theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đúng với chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Việc xử lý, đình chỉ chính sách các đối tượng hưởng không đúng quy định đã bảo đảm công bằng, khách quan, thận trọng, chính xác, ổn định tình hình chính trị tại các địa phương. 

6. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm 

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, năm 2018, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 21.361 hộ, đạt tỷ lệ 3,35% (giảm 0,66% so với năm 2017 - đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2018 đề ra là giảm từ 0,5% trở lên); tổng số hộ cận nghèo là 20.151 hộ, đạt tỷ lệ 3,16% (giảm 0,25% so với năm 2017). 

Truyền thông phòng, tránh xâm hại trẻ em cho học sinh THCS huyện Kiến Xương. Ảnh trong trang: Nguyễn Cường

7. Hệ thống trợ giúp xã hội hoạt động hiệu quả 

Thực hiện chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020, việc thực hiện chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh qua hệ thống bưu điện được thực hiện từ năm 2017 bảo đảm chính xác, nhanh gọn, hiệu quả. Đến nay, qua thống kê, hàng tháng chi trả trợ cấp xã hội cho 110.055 đối tượng bảo trợ xã hội thông qua dịch vụ bưu điện. Việc chi trả trợ cấp bảo đảm kịp thời, chính xác, theo đúng quy định của pháp luật. 

8. Triển khai nhiều mô hình trợ giúp trẻ em 

Năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức triển khai tháng hành động vì trẻ em năm 2018; triển khai mô hình cung cấp kết nối dịch vụ trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Triển khai 4 mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; toàn tỉnh có 88,8% xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. 

9. Sáp nhập một số đơn vị để nâng cao hiệu quả hoạt động 

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Sở đã tham mưu xây dựng 3 đề án sáp nhập các đơn vị, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, đơn vị cai nghiện ma túy và các trường nghề. Đến nay đã ra mắt Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công. Việc sáp nhập một số đơn vị góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động 

10. Chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực 

Trong năm, Sở đã chỉ đạo rà soát, chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngành ở 3 cấp, trong đó: cấp tỉnh tăng từ 93 lên 128 thủ tục; cấp huyện giảm từ 52 xuống còn 33 thủ tục; cấp xã giảm từ 67 thủ tục xuống còn 19 thủ tục. Công khai thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ, giảm 50% thời gian trong quá trình thực hiện.

Nguyễn Văn Bái
(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày