Thứ 6, 03/05/2024, 22:46[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh

Thứ 2, 06/03/2023 | 11:42:23
1,445 lượt xem
Xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình có mở đầu, nhưng không có điểm kết thúc, sau hơn 10 năm (2010-2022) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu ấn tượng.

Bảo tồn và giữ gìn nét đẹp trang phục truyền thống dân tộc của người dân xã Kỳ Thượng, thành phố Hạ Long.

Ðây là bước tạo đà quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành quả trên chặng đường xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với đô thị văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân những năm tiếp theo.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành một nghị quyết chuyên biệt và cũng là nghị quyết đầu tiên về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó lấy việc xây dựng nông thôn mới làm then chốt. Nghị quyết xác định chủ thể chính xây dựng nông thôn mới là nông dân; phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ.

Từ đổi mới tư duy…

Trước đây, Ðồn Ðạc là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ba Chẽ, nhưng nay đã khoác lên mình tấm áo mới. Hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng mới khang trang phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Kinh tế phát triển, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Năm 2011, khi mới bắt đầu xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân Ðồn Ðạc chỉ đạt 4,68 triệu đồng/người, đến nay đã đạt 60 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 77,17% (năm 2010) xuống còn 0,95% (năm 2022).

Anh Ðặng Văn Sồi ở thôn Khe Mằn cho biết: Từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân đã thay đổi rõ rệt. Thôn và xã có nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, con em được đến trường, đời sống văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, an sinh xã hội ngày càng được quan tâm. Và gia đình anh là một trong những hộ đầu tiên của xã đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Tại xã Lục Hồn, huyện miền núi Bình Liêu, có số đông là người dân tộc Tày và số hộ nghèo, hộ cận nghèo nhiều nhất huyện. Hầu hết các hộ dân sống rải rác, biệt lập và trình độ dân trí hạn chế. Trước thực trạng này, cán bộ xã cùng với cán bộ thôn, bản đã chủ động gặp gỡ, trao đổi với người dân về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó định hướng và thay đổi nhận thức, tư duy của người dân trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Nông Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ðồng Tâm chia sẻ: Chúng tôi tập trung tuyên truyền, trao đổi thẳng thắn với người dân để họ hiểu được những lợi ích mà chương trình nông thôn mới mang lại. Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc thay đổi tập quán canh tác manh mún của người dân, hướng đến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn những cây, con giống có chất lượng, phù hợp khung thời vụ, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, để sản xuất, nâng cao kinh tế gia đình, từng bước làm chủ cuộc sống.

Huyện Bình Liêu triển khai xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, các chỉ tiêu theo bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2010-2015 rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%; các xã, thôn đều thuộc diện đặc biệt khó khăn; kinh tế chậm phát triển, văn hóa lạc hậu, kết cấu hạ tầng yếu kém. Thế nhưng, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và các nguồn lực, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực vươn lên, chung sức xây dựng nông thôn mới, từng bước thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.

Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi", Quảng Ninh đã tạo được những phong trào sôi nổi do chính người dân tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Qua các phong trào, hàng trăm nghìn mét vuông đất đã được người dân hiến tặng để làm các công trình giao thông, nhà văn hóa; hàng trăm nghìn ngày công được các lực lượng quân đội, đoàn thể, cùng nhân dân đóng góp; hàng trăm tỷ đồng được huy động để hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo, nhà tình nghĩa, xây mới nhà vệ sinh, đường bê-tông liên thôn, kênh mương nội đồng, tu sửa nhà văn hóa, trạm y tế.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Bài học kinh nghiệm xuyên suốt trong việc thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, đó là phải bắt đầu từ tư duy. Tỉnh đã thật sự đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau; kiên trì thực hiện chủ trương quy hoạch đi trước một bước, trong đó khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tạo ra từ các hệ thống giao thông chiến lược, đồng bộ đã và đang hoàn thành để thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, nội vùng, hình thành các vùng động lực, hành lang phát triển mới để đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp, đổi mới tổ chức phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp và ở nông thôn.

đến những đột phá chiến lược

Trong công tác chỉ đạo điều hành, Quảng Ninh cũng là một trong số ít tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp trực tiếp do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban chỉ đạo. Cách chỉ đạo này rất sáng tạo, thể hiện rõ nét dấu ấn của lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở trên tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Quảng Ninh cũng thành lập các cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở phù hợp điều kiện của từng địa phương.

Ðể đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh tập trung vào các đột phá chiến lược là: Ðẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, bảo đảm đồng bộ liên thông tổng thể, kết nối chặt chẽ giữa đô thị với nông thôn, giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, tận dụng lợi thế từ kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đã hoàn thiện để tổ chức lại không gian và nguồn lực, quản lý sử dụng bền vững, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở khai thác tiềm năng lợi thế khác biệt, nhất là giá trị tài nguyên thiên nhiên, con người, văn hóa của các tiểu vùng, của từng địa phương trên tinh thần tiếp tục lấy thành thị dẫn dắt nông thôn, công nghiệp-dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Tập trung cho phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, con người, đào tạo nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm tăng thu nhập trên cơ sở tận dụng cơ hội việc làm ngay từ địa phương. Tăng cường phân cấp, nâng cao hiệu quả, chất lượng tổ chức thực hiện gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình. Huy động mọi nguồn lực và sức mạnh tổng hợp triển khai thực hiện chương trình, trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng nông thôn mới.

Ðặc biệt, trong huy động và tổ chức nguồn lực, Quảng Ninh đã kiên trì thực hiện chủ trương lấy đầu tư công kích hoạt các nguồn vốn xã hội từ các thành phần kinh tế khác. Theo đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng nông thôn mới, đổi mới tư duy gắn kết chặt chẽ, hài hòa phát triển giữa đô thị với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với phát triển nông nghiệp, phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, ý chí vươn lên của cán bộ, nhân dân. Trong tổ chức thực hiện luôn đề cao yếu tố đổi mới, sáng tạo, sự gương mẫu của người đứng đầu, của các địa phương cấp huyện, cấp xã các đơn vị.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo của Quảng Ninh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận và đánh giá Quảng Ninh hết sức năng động, sáng tạo trong việc cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương trong điều kiện của tỉnh qua từng giai đoạn; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh; ưu tiên dành nguồn lực tập trung cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Bên cạnh việc bố trí ngân sách địa phương, tỉnh cũng sáng tạo trong việc huy động nguồn lực xã hội. Cùng với đó, tỉnh huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lồng ghép khéo léo các chương trình mục tiêu ở từng địa bàn, có cơ chế để phát huy vai trò, tinh thần nỗ lực của người dân tự vươn lên thoát nghèo.

Kết thúc năm 2022, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn một năm so với Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 15 đề ra. Cùng với đó, tỉnh cũng hoàn thành trước ba năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và đã chuyển sang thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức chuẩn nghèo chung của cả nước.

Sau 12 năm thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, Quảng Ninh có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% (cả nước đạt 73,06%); có 56/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 57,1% (cả nước có 937 xã, đạt 11,4%); có 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 26,5% (cả nước có 110 xã, đạt 1,34%); 13/13 đơn vị huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% (cả nước có 255 huyện, đạt 39,6%). Hết năm 2022, tỉnh đã cơ bản đạt các nội dung theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Theo nhandan.vn