Thứ 2, 06/05/2024, 21:27[GMT+7]

Tuyên truyền dân số: "mưa dầm, thấm đất"

Thứ 5, 11/07/2013 | 08:31:17
1,248 lượt xem
Hiện nay, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang phải gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng suy giảm dân số thì tại Việt Nam, việc giảm gia tăng dân số vẫn đang còn là bài toán khó.

Tổ chức tư vấn, khám sức khỏe sinh sản cho vị thành niên tại xã Vũ Đoài (Vũ Thư).

Nhìn lại chặng đường dài thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ, kết quả đạt được là đáng ghi nhận: tỷ lệ sinh, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên có xu hướng giảm, mức sinh thay thế được duy trì trong nhiều năm, mô hình gia đình ít con được phần đông các cặp vợ chồng chấp thuận.  Tuy nhiên, bên cạnh kết quả nổi bật trên, đánh giá về công tác dân số, hạn chế lớn luôn được nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm qua là "công tác dân số đạt kết quả chưa bền vững".

Chưa thực sự thay đổi nếp nghĩ và hành động nên công tác dân số khi không được siết chặt, chỉ hơi lơ là, buông lỏng là ngay lập tức lại có dấu hiệu gia tăng trở lại. Ví dụ điển hình: Năm 2003, khi Pháp lệnh Dân số ban hành, một số quy định mới được đề cập đã nhanh chóng đẩy tỷ lệ sinh tăng đột biến, tỷ lệ sinh toàn tỉnh tăng lên mức 15,12%o (những năm trước trung bình 11 - 12,5%o); năm 2004 tỷ lệ này là 15,61%o. Các năm sau ổn định ở mức 11 - 12,8%o. Nhưng đến năm 2012, tỷ lệ sinh lại tăng lên mức trên 14%o.

Không chỉ có tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 thiếu ổn định, thời gian gần đây, công tác dân số còn xuất hiện một số khó khăn mới. Trước đây, phần lớn chỉ gặp các gia đình tại nông thôn sinh con thứ 3, thứ 4 và chủ yếu nằm trong những  gia đình có con một bề gái. Nay, việc sinh con thứ 3 trở lên lại chiếm tỷ lệ cao ở những gia đình có mức sống khá giả, đã có cả con trai, con gái. Điều này cũng không chỉ nằm trong nhân dân mà xuất hiện ở không ít gia đình cán bộ, công chức, đảng viên. Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn, sinh con sớm, những phong tục, tập quán, tư tưởng lạc hậu và bảo thủ về sinh đẻ cũng đang có xu hướng quay lại và lan đến cả thành thị. Ở đâu chúng ta cũng dễ bắt gặp những chuyện đùa mà hóa thật: sự công kích, khích bác nhằm vào các cặp vợ chồng sinh con một bề gái. Một số lệ làng cổ hủ như tình trạng phân biệt trai gái, mâm trên (dành cho người có con trai), mâm dưới (dành cho những người chỉ có con gái) đang manh nha tái diễn không chỉ trong các bữa cỗ ở thôn quê mà đang có xu hướng phát triển ngay trong các bữa tiệc nơi đô thị.

Đã vất vả, đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà…", nhiều thông điệp "dân số - phát triển" đã được chuyển tải hàng ngày mà tại sao những nếp nghĩ, tư tưởng lạc hậu về sinh đẻ vẫn còn nhiều đất nảy nở, kết quả công tác dân số đạt được vẫn chưa bền vững? Câu hỏi đó trở đi trở lại với không chỉ đội ngũ cán bộ dân số. Trong dịp triển khai chiến dịch tăng cường tuyên truyền, tư vấn lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) - KHHGĐ đến vùng khó khăn, đoàn cán bộ từ Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức giám sát tại Tiền Hải. 10 giờ 30 phút ngày triển khai chiến dịch tại xã Đông Hải (Tiền Hải), đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã vẫn có mặt tại Trạm Y tế động viên cán bộ y tế, dân số và nhân dân tham gia thực hiện chiến dịch. Tuy có sự sâu sát, nhiệt tình của cả lãnh đạo chính quyền và cán bộ y tế, dân số cơ sở song số lượng người đến tham gia chiến dịch rất thưa thớt. Ông Chu Bảo Lộc, Chủ tịch UBND xã Đông Hải cho biết, cấp ủy đảng, chính quyền xã chỉ đạo rất sát sao với công tác dân số - KHHGĐ, đã huy động các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc trong các hoạt động. Tuy nhiên, công tác dân số và tuyên truyền về dân số càng ngày càng khó thực hiện, khó thu hút được bà con tham gia. Đây không chỉ là nhận xét của ông Chu Bảo Lộc mà còn là nhận xét của nhiều lãnh đạo, cán bộ dân số cơ sở. 

Tổ chức truyền thông và thực hiện dịch vụ tại tuyến xã, người tham gia thưa thớt, nhìn đi nhìn lại chỉ thấy cán bộ đoàn, hội. Các chương trình đào tạo, tập huấn vẫn được tổ chức thường xuyên nhưng chất lượng và hiệu quả mang lại rất hạn chế. "Cán bộ vất vả, làm nhiều mà kết quả thu được chẳng đáng bao nhiêu…" - đó cũng là tâm sự thật lòng của cán bộ tại nhiều địa phương. Sự chững lại trong các hoạt động dân số - KHHGĐ không khỏi làm nản lòng nhiều cá nhân, tập thể.  "Không phải vì kết quả chưa đạt như mong muốn mà chúng ta sao nhãng, càng phải làm tích cực hơn và đổi mới hơn" - bà Nguyễn Thị Huê, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh vẫn đem nhiệt huyết của mình truyền tải đến đội ngũ cán bộ dân số cơ sở. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chỉ đạo công tác dân số tỉnh chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới là: đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông theo hướng đa dạng hóa các hình thức và phương thức tiếp cận phù hợp với đối tượng tuyên truyền. Ưu tiên hướng về cơ sở, tập trung phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn, tổ dân phố trong công tác tuyên truyền.

Tư tưởng muốn đông con, nhiều cháu, trọng nam, khinh nữ đã tồn tại ở xã hội ta bao đời này. Để thay đổi những tư tưởng và định kiến này không phải ngày một ngày hai hoặc trong một thời gian ngắn mà cần thực hiện trong thời gian dài, bền bỉ. Bởi có một quy luật tự nhiên mà đơn giản: "Mưa dầm, thấm đất". Nếu tích cực và bền bỉ kết hợp với những đổi mới trong tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của mỗi người trong thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ, nhất định công tác dân số - KHHGĐ sẽ đạt kết quả cao và bền vững hơn.

Bài, ảnh: Trần Thu Hương

  • Từ khóa