Thứ 6, 03/05/2024, 14:23[GMT+7]

Nữ doanh nhân Đào Thị Loát Hương Ngời sáng chữ tâm

Thứ 5, 07/02/2013 | 17:03:54
1,716 lượt xem
Trải qua bao sóng gió, từng phải đối mặt với đói, rét và sự khinh miệt của mọi người, nhưng người phụ nữ mang cái tên đẹp và lạ Đào Thị Loát Hương không cam chịu số phận, nỗ lực vượt qua chông gai, dư luận để trở thành một nữ doanh nhân thành đạt. Khi đã tạo dựng cho mình một sự nghiệp vững chắc, Đào Thị Loát Hương lại chìa tay ra để sẻ chia, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh và hướng tâm mình theo Đức Phật từ bi.

Chị Đào Thị Loát Hương bên bức tượng đồng chị dâng cúng vào chùa Nam Quang, xã Giao Hương, huyện Giao Thủy (Nam Định)

Mọi người bảo cuộc đời chị thăng trầm, dâu bể, gian chuân, vất vả; trực tiếp nghe chị kể tôi cũng thấy ngậm ngùi. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở nơi có nghề làm nón lá truyền thống nổi tiếng - Nam Hà (Tiền Hải). Khi lập gia đình chị không chỉ bị cái nghèo bủa vây mà còn bị gia đình chồng chà đạp, hắt hủi. Cay đắng, tủi nhục, chị đoạn tuyệt với gia đình chồng, nhảy xe ô tô lên cửa khẩu Lạng Sơn kiếm sống, bắt đầu một cuộc sống tăm tối chốn quê người.

Hàng ngày, vắt sức để làm thuê, làm mướn mong có đủ tiền trả tiền thuê nhà và rau cháo qua ngày. Chị bảo: lúc đó đói, rét là chuyện bình thường. Rồi chị bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ người ta. Khi đã có 2 con, chị mới có cơ hội quay trở về cửa khẩu Lạng Sơn, trở về quê hương. Từ đó, chị lo chắp mối kinh doanh, buôn bán các mặt hàng nông sản thực phẩm và sản xuất màn, chăn ga, gối đệm. Năm 2010, chị trở về Nam Hà, xây dựng cơ ngơi khang trang làm trụ sở giao dịch buôn bán và sản xuất, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động.

Dù bận rộn với công việc buôn bán nhưng chị Loát Hương vẫn dành thời gian đi lễ phật, thường xuyên phát tâm cúng giàng chư Phật, lúc thì bằng tiền mặt để giúp tu sửa, nâng cấp đình, đền, chùa, khi thì đúc tượng Phật cúng tiến. Đến nay, chị đã phát tâm hơn 700 triệu đồng đúc tượng Phật bằng đồng dâng vào chùa Nam Quang, xã Giao Hương, tỉnh Nam Định, vốn là quê gốc của cụ thân sinh ra chị; đúc một quả chuông bằng đồng (30 triệu đồng) và 2 chỉ vàng dâng vào chùa Kim Cương Tự (Quỳnh Phụ). Từ khi chị trở về lập nghiệp tại quê nhà, năm nào, chị cũng dâng cúng vào chùa Đông Hào, chùa Hướng Tân, miếu làng và đình làng ở Nam Hà, số tiền gần 100 triệu đồng. Cuối năm 2012, đầu năm 2013, thông qua Mặt trận Tổ quốc xã Nam Hải, trao tặng hơn 200 suất quà và chị tự trao tặng hơn 100 suất là chăn, đệm trải giường cho hộ nghèo, hộ chính sách, người già cả, cô đơn, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trạm y tế, trường mầm non, mỗi suất quà trị giá hơn 600.000 đồng.

Chỉ cần mắt thấy hoặc tai nghe người nào có hoàn cảnh éo le, nghèo đói là chị đến tặng chăn, tặng đệm, tặng tiền. Đơn cử như có lần đi chợ mua đồ, thấy mọi người nói về hoàn cảnh 2 mẹ con (người mẹ già yếu) trời lạnh dưới 10 độ mà không có lấy một cái chăn đủ ấm để đắp, chị động lòng trắc ẩn, nhờ mấy người đó chỉ đường tới tận nhà để trao chăn và đệm ấm, giúp 2 mẹ con vượt qua cái lạnh của mùa đông. Thấy chị bán củ từ ở chợ gia cảnh khó khăn cũng đến bên chia sẻ, giúp đỡ… Hiện, chị Loát Hương đang nhờ người đúc bức tượng Phật bà Quan Âm để cúng tiến vào chùa Hướng Tân. Chị hăng hái làm từ thiện bởi chị học theo lời Đức Phật “từ bi, hỷ xả”, coi việc cứu người là trên hết để tạo phúc cho người, cho mình.

Trong suốt buổi trò chuyện, chị Đặng Thị Lanh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nam Hà không ngớt lời khen ngợi chị Loát Hương, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Hoàng Đại Lộc là nữ doanh nhân có tấm lòng nhân từ, luôn lấy việc giúp đỡ người khó làm niềm vui và lẽ sống, là người luôn ngời sáng chữ tâm. Qua những việc chị Loát Hương đã làm thì lời khen ngợi đó quả không ngoa chút nào.

                          Bài, ảnh: Đỗ Hiền

  • Từ khóa