Thứ 6, 03/05/2024, 11:22[GMT+7]

Chị Phạm Thị Dung Nghị lực vượt lên số phận

Thứ 6, 19/04/2013 | 16:45:31
4,000 lượt xem
Từ lúc lọt lòng mẹ, Phạm Thị Dung (thôn Cốc, xã Phú Châu, Đông Hưng) đã là đứa trẻ kém may mắn vì bị teo khèo cả hai chân. Với khát khao đi trên chính đôi chân của mình, có tri thức, có nghề nghiệp và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, 45 năm qua, chị Dung đã vượt lên bao đau đớn cả về tinh thần và thể xác.

Chị Phạm Thị Dung với nghề đan làn xuất khẩu.

Vừa qua, chị vinh dự được đại diện cho những người khuyết tật của tỉnh đi dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ IV.

Vượt lên số phận...

Khi biết mình có đôi chân không lành lặn, chị đau khổ, mặc cảm lắm. Nhưng nhờ có tình thương yêu, sự động viên, khích lệ của bố mẹ và các anh, các chị, chị  hiểu ra rằng: dù đôi chân có bị teo khèo cũng không nên giam mình trong bốn bức tường mà phải đi học để có kiến thức, có nghề nghiệp, tự chăm sóc bản thân. Trên tấm lưng còng của mẹ, đôi vai gầy của cha, hàng ngày chị Dung vẫn đến trường. Lên lớp 4, hai anh trai thay nhau cõng em đi học. Rồi chị quyết tâm tập đi. Mỗi bước đi đều đau nhói đến tận tim, toàn thân bầm tím, xây xước vì ngã. Những kỷ niệm một thời không thể quên đó luôn tiếp thêm động lực cho chị vượt khó. Cái ngày chị đi được trên chính đôi chân của mình, dù bước đi có xiêu vẹo, là ngày hạnh phúc nhất đời chị. Chị còn tiếp tục tập đi xe đạp. Lại ngã, lại đau nhưng chiếc xe đạp đã bị cô gái can đảm khuất phục. Học hết cấp II (THCS), vì nhà nghèo phải nghỉ học, chị buồn, khóc suốt mấy tuần; sau đó người anh trai đã đăng ký cho chị học lớp khâu nón trên Hà Nội. Một năm sau, chị về quê, tìm đến thầy hiệu trưởng xin được đi học tiếp. Vừa đi học, vừa khâu nón lấy tiền đóng học, đối với người bình thường đã là một sự cố gắng vượt bậc, với chị là hành trình phấn đấu không mệt mỏi. Đáng mừng là năm nào cô học trò kém may mắn cũng đạt học sinh tiên tiến hoặc học sinh giỏi. Không thể học lên đại học, chị theo học lớp học nghề tại trường dành cho người khuyết tật. Nhờ sáng dạ và ham học hỏi nên sau khi tốt nghiệp loại giỏi, chị Dung được nhận vào làm việc tại Xí nghiệp May thương binh Thái Bình.

... Để làm người có ích

Được một thời gian, chị xin nghỉ việc ở xí nghiệp, theo học nghề móc hộp xuất khẩu do hội phụ nữ tổ chức. Cũng trong thời gian này, chị không quản vất vả, khó nhọc đến từng nhà có người khuyết tật ở xã Phú Châu vận động họ tham gia câu lạc bộ (CLB) người khuyết tật và trẻ mồ côi do chị thành lập. Hiện CLB có 32 hội viên. 3 năm qua, dưới mái nhà chung này, các hội viên đã cùng nhau chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, giúp nhau vượt qua mặc cảm, quên đi nỗi đau bệnh tật… Để tiếp thêm nghị lực cho những người kém may mắn, bản thân chị đã cố gắng rất nhiều. Mạnh dạn vay vốn từ người thân, bạn bè, chị Dung mở cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho mọi người, ưu tiên cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, với 3 nghề chính: may công nghiệp, móc hộp xuất khẩu, làm hương. Từ cơ sở của chị, hàng trăm người đã thạo nghề, đi làm tại các công ty, xí nghiệp, cơ sở may hoặc tự nhận hàng về nhà làm, trong đó có hàng chục người khuyết tật. Hiện cơ sở của chị đang giải quyết việc làm ổn định cho trên 10 lao động.

Năm 2012, chị mở thêm lớp dạy nghề lắp ráp bật lửa cho công ty Hoa Việt. Đến giờ, dù đã thạo hơn 10 nghề, nhưng kế hoạch của chị vẫn còn dài: nào là mở rộng dạy nghề, làm nghề, làm nước đậu để bán, nào là học máy vi tính, làm thơ, cộng tác viết bài cho một số bản tin dành cho người khuyết tật và một số báo. Sức nào chị kham nổi? Tôi hỏi. Chị cười bảo: làm nghề, dạy nghề vừa để nuôi bản thân, khẳng định mình, vừa giúp người khác có công ăn, việc làm. Còn làm thơ, viết bài là để gửi gắm tâm tư, tình cảm, tự tạo động lực cho mình và cho cả những người như mình. Chị khoe: một số bài thơ, bài báo của mình đã được đăng rồi đấy.

Hạnh phúc lớn nhất của chị Dung là đã vượt qua được số phận, sống có ích và giúp nhiều người có công ăn, việc làm. Niềm an ủi lớn nhất của chị nằm ở cô con gái ngoan ngoãn. Mong mỏi lớn nhất lúc này của chị là được các hội, đoàn thể hỗ trợ kinh phí mua nguyên vật liệu để chị tổ chức dạy nghề theo dự án (từ trước tới giờ không được hỗ trợ; số tiền đền bù nguyên vật liệu do học viên làm hỏng đã lên tới hơn một trăm triệu đồng). Căn nhà nhỏ lợp Fibrô xi-măng là nơi 2 mẹ con chị sinh sống bị cơn bão số 8 làm tốc mái, dù đã gia cố lại nhưng hiện tại nhiều chỗ vẫn bị dột, chỉ mong chính quyền xã tạo điều kiện sửa nhà trước khi mùa mưa bão tới.

Những lời tâm sự và mong muốn của chị Dung thật giản dị, chân thật, chính đáng. Với những người kém may mắn như chị, nếu có thể làm gì để giúp họ được sống ý nghĩa và cống hiến hết mình, chúng ta nên làm.

Bài, ảnh: Thu Hiền

  • Từ khóa