Thứ 6, 03/05/2024, 11:54[GMT+7]

Lại Văn Điệp Người chiến thắng tật nguyền

Thứ 3, 23/04/2013 | 11:00:42
2,442 lượt xem
Con đường đi đến thành công với người bình thường đã khó, với người khuyết tật càng gian nan gấp bội phần. Nhưng với Lại Văn Điệp (thôn Đông Hòa, xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương), tật nguyền, gian khó chẳng những không làm em nản chí mà còn là động lực thúc đẩy khao khát vươn lên.

Lại Văn Điệp và những công nhân có cùng cảnh ngộ như mình.

Bị bại liệt khi 10 tháng tuổi, lên 8 tuổi mới đi được những bước đầu tiên..., nhưng giờ đây, ở tuổi 33, Điệp đã là người đứng đầu Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật với doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm. Với nỗ lực phi thường của mình, Điệp không chỉ vượt lên số phận, chiến thắng tật nguyền, xây dựng cơ nghiệp mà còn giúp cho nhiều người có cùng cảnh ngộ tạo lập cuộc sống.

Dù 2 chân, 1 tay bị teo, việc sinh hoạt, đi lại hết sức khó khăn song không lúc nào cậu bé Điệp từ bỏ ước mơ được học tập. Trong những bước đi siêu vẹo, hàng ngày Điệp vẫn cắp sách đến trường và năm nào cũng là học sinh giỏi. Em còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn, đội ở trường cũng như ở địa phương và cũng gặt hái được nhiều thành công khiến cho các bạn phải nhìn mình với ánh mắt thán phục. Học hết lớp 9, như bao bạn bè khác, Điệp cũng nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão về con đường học vấn của mình, mong có một ngày được bước chân vào cổng trường đại học. Nhưng vì không muốn tạo thêm gánh nặng cho gia đình, Điệp quyết định tạm gác lại chuyện học văn hóa, chuyển sang học nghề. Nhưng học nghề gì, làm nghề gì cũng là quá khó với điều kiện, hoàn cảnh của em.

Sau nhiều ngày trăn trở, suy nghĩ, Điệp quyết định học nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ vì em vốn sẵn yêu thích ngành mỹ thuật, hơn nữa đây cũng là nghề phù hợp với người khuyết tật. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có lúc đã định bỏ cuộc nhưng niềm say mê và quyết tâm sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội đã thôi thúc em biến khó khăn thành động lực phấn đấu. Với sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ bảo của gia đình, thầy dạy và bạn học, chỉ sau 1 năm Điệp đã trở thành người thợ chạm khắc gỗ. Không dừng lại ở đó, em còn cất công đi tìm hiểu, học thêm kỹ thuật của các làng nghề truyền thống ở Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Tây, Nam Định với tâm nguyện phấn đấu trở thành một người thợ giỏi, có thể truyền nghề, tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ.

Năm 2002, Điệp quyết định mở xưởng sản xuất đồ gỗ ngay tại nhà. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, không vốn, không máy móc thiết bị, không khách hàng..., bao khó khăn đè nặng lên đôi vai chàng trai khuyết tật. Vay mượn được số vốn ít ỏi, Điệp mua sắm một số máy móc thiết bị cần thiết. Sau giai đoạn đầu nhận chạm thuê cho những cơ sở lớn, dần dần Điệp đã có những khách hàng riêng của mình. Và khi khách hàng tìm đến ngày càng đông hơn cũng là lúc các sản phẩm đồ thờ, đồ gỗ mỹ nghệ do bàn tay Điệp làm ra đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Lúc này, em bắt đầu thực hiện ước mơ thứ hai của mình là truyền nghề cho những người có cùng cảnh ngộ. Năm 2006, Điệp đã đào tạo, truyền nghề cho 7 thợ, trong đó 4 là người khuyết tật và 3 là người địa phương, tuyển dụng họ vào làm việc chính thức trong cơ sở của mình. Năm 2010, Điệp mạnh dạn vay thêm vốn mở rộng xưởng, đầu tư máy móc, thiết bị chuyên dùng, đào tạo thêm 12 thợ, đưa tổng số lao động lên 19 người (trong đó 11 trường hợp là người khuyết tật) với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng, tổng doanh thu 1,8 tỷ đồng.

Với thế mạnh về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, sau nhiều năm hoạt động, cơ sở của Điệp có sự phát triển vững chắc, quy tụ được đội ngũ công nhân lành nghề, số lượng khách đến đặt hàng ngày càng tăng, sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong huyện, trong tỉnh mà còn vươn lên Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Từ tháng 11/2011, cơ sở của Điệp đã trở thành Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật, được Sở Lao động - TBXH cấp giấy chứng nhận là “Cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật”. Thu nhập bình quân trong năm 2011 của người lao động đạt 3,5 triệu đồng/ người/ tháng, tổng doanh thu 2,5 tỷ đồng. Năm 2012, với quân số tăng lên 26 người (trong đó 15 lao động là người khuyết tật), Công ty bảo đảm thu nhập bình quân mỗi người đạt 4 triệu đồng/tháng, tổng doanh thu 3,5 tỷ đồng, thực hiện đầy đủ các chế độ với Nhà nước. Ngoài ra, được sự giúp đỡ, tài trợ của Hội Bảo trợ NTT - TMC Việt Nam, Hội Bảo trợ NTT - TMC tỉnh, Công ty của Điệp đã chiêu sinh, tổ chức thành công lớp dạy nghề cho 19 lao động là người khuyết tật tại địa phương.

Năm 2012, Lại Văn Điệp vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng giải thưởng Lương Định Của. Tháng 11/2012, Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật do Điệp làm chủ được Huyện ủy, UBND huyện Kiến Xương tin tưởng lựa chọn tham dự Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Đồng bằng Bắc bộ năm 2012 tại Thành phố Thái Bình. Đầu năm 2013, Điệp là một trong 7 đại biểu của tỉnh Thái Bình đi dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ IV, cá nhân em được Bộ Lao động - TBXH tặng Bằng khen.

Nhìn lại con đường lập nghiệp của mình, Điệp luôn trân trọng biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Bảo trợ NTT - TMC tỉnh, Hội Bảo trợ NTT - TMC huyện Kiến Xương cũng như của cấp ủy, chính quyền địa phương, giúp em vượt qua nhiều khó khăn, duy trì tốt mọi hoạt động của Công ty. Mong muốn thiết tha của Điệp lúc này là được các cấp, các ngành ủng hộ, tạo điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn vay, cho thuê mặt bằng để xây dựng và mở rộng nhà xưởng. Thực tế hiện nay dù “mang tiếng” là công ty, song mặt bằng sản xuất của Điệp chỉ có 150 m2 (bao gồm cả nhà ở, văn phòng làm việc và nhà xưởng - nơi 26 lao động, trong đó 15 lao động là người khuyết tật làm việc). Diện tích trên vừa không đủ để mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thực hiện các hợp đồng lớn, vừa ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người lao động.

Bài, ảnh: MINH SƠN

  • Từ khóa