Thứ 5, 09/05/2024, 02:45[GMT+7]

5 bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10

Thứ 2, 01/04/2013 | 09:05:57
2,468 lượt xem
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10, 5 bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng CVÐ trong những năm tiếp theo là: Có vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, phát huy vai trò chủ động của MTTQ, các tổ chức thành viên, lồng ghép với các phong trào thi đua, thực hiện đúng nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Khu dân cư xã Vũ Hội (Vũ Thư). Ảnh: Thành Tâm

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 11/9/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện cuộc vận động (CVÐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là ở cấp cơ sở và khu dân cư; chính quyền phối hợp tạo điều kiện thuận lợi; các ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ, hướng về cơ sở đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước vào cuộc sống, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

 

Hàng năm có trên 29 nghìn lao động được giải quyết việc làm, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm 0,33%, tỷ lệ lao động đã qua sử dụng ở nông thôn tăng 1,14%. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,8%, thu nhập bình quân đạt 24,8 triệu đồng/hộ. Nhân dân tích cực dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng cánh đồng mẫu, tự nguyện hiến đất, hiến ngày công, đóng góp tiền của làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng… tạo nên diện mạo nông thôn mới ở địa phương.

 

Hưởng ứng CVÐ “Ngày vì người nghèo”, 10 năm qua, các khu dân cư đã huy động được trên 83,3 tỷ đồng, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Quỹ “Vì người nghèo” các cấp xây dựng mới, nâng cấp, sữa chữa nhà ở cho 3.735 hộ chính sách, 11.452 hộ nghèo. 100% khu dân cư đã xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước thôn làng, phát hiện và cung cấp hàng nghìn nguồn tin  có giá trị giúp lực lượng công an ngăn chặn, xử lý kịp thời những vụ vi phạm pháp luật, xóa tụ điểm mua bán, sử dụng ma túy. Toàn tỉnh hiện có gần 1800 tổ tự quản về an toàn giao thông, hơn 1500 tổ bảo vệ môi trường, trên 2000 tổ hòa giải, với hàng chục nghìn thành viên luôn hăng hái thực hiện nhiệm vụ đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh chính trị, an toàn xã hội. Ðến nay, 78% gia đình, 46% thôn làng, tổ dân phố được công nhận đạt danh hiệu “văn hóa”. Nhân dân các khu dân cư tự nguyện đóng góp hàng nghìn ngày công, trên 20 tỷ đồng xây dựng Nhà văn hóa, sửa chữa đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh… Cả tỉnh có hơn 200 khu dân cư từ 3 - 5 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Hàng năm, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện giám sát trên 1000 vụ, phát hiện 100 vụ có sai phạm, kiến nghị với cơ quan chức năng xử lý… góp phần ngăn chặn sai phạm ở địa phương, hạn chế tiêu cực, tăng cường đồng thuận xã hội. Ðúng như đánh giá của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh thì kết quả nổi bật nhất, đỉnh cao của CVÐ là việc tổ chức tốt Ngày hội đại đoàn kết toàn dân vào dịp 18 -11 hàng năm. Từ năm 2003 đến nay, có trên 97% khu dân cư tổ chức tốt Ngày hội, thu hút hàng vạn lượt người tham gia, biểu dương, khen thưởng trên 41.000 lượt “Gia đình văn hóa” tiêu biểu, tặng quà cho gần 24.000 gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhận gần 6000 lượt “Khu dân cư văn hóa”, có 285 khu đạt 3 - 5 năm liền.

 

Bà Hà Thị Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) đánh giá cao việc sáng tạo trong thực hiện CVÐ của Thái Bình, nhất là việc ban hành Chỉ thị số 10, cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ, MTTQ biết chọn lựa các nội dung khác nhau, xây dựng các mô hình phù hợp điều kiện, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và tập trung làm tốt. Ðiển hình như: MTTQ huyện Quỳnh Phụ với mô hình tổ tự quản, MTTQ Thành phố Thái Bình với mô hình xây dựng khu phố văn hóa, MTTQ huyện Vũ Thư với việc tăng cường phối hợp của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, nhiều nơi tổ chức tốt Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, tổ chức bữa cơm Ðại đoàn kết… 

 

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10, 5 bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng CVÐ trong những năm tiếp theo là: Có vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, phát huy vai trò chủ động của MTTQ, các tổ chức thành viên, lồng ghép với các phong trào thi đua, thực hiện đúng nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Ban chỉ đạo các cấp thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những lệch lạc, tránh sự chồng chéo, thiếu đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Ðưa những vấn đề quan trọng của mặt trận, của CVÐ vào chương trình làm việc của cấp ủy đảng, định kỳ nghe MTTQ báo cáo tình hình, cho ý kiến chỉ đạo. Thường xuyên củng cố, kiện toàn ban công tác mặt trận, thu hút những người tiêu biểu, có uy tín tham gia, phát huy dân chủ trong xây dựng các tiêu chí thực hiện CVÐ. MTTQ các cấp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, coi việc thực hiện CVÐ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác mặt trận. Coi trọng công tác chỉ đạo, làm điểm, phát hiện, nhân rộng điển hình, sơ kết, tổng kết, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu…

 

Bài, ảnh: Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày