Chủ nhật, 19/05/2024, 02:22[GMT+7]

Đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới

Thứ 6, 21/02/2020 | 15:54:31
499 lượt xem
Đó là mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030 được đưa ra tại hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp” do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng ngày 21/2.

Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị. 

Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.

Thời gian qua, công nghiệp chế biến nông sản đã đạt được nhiều kết quả to lớn, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định kinh tế - xã hội của đất nước. Từ năm 2013 – 2018, công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước (2007 – 2012), tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt 5 – 7%. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, năm 2019 đạt mức kỷ lục 41,3 tỷ USD. Cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ; góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp; giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 180 nước và vùng lãnh thổ, kể cả thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu bảo đảm số lượng, chất lượng; liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị còn thiếu chặt chẽ; trình độ chế biến ở mức trung bình của thế giới; tổn thất sau thu hoạch còn lớn; sản phẩm chế biến chủ yếu là sơ chế, có giá trị gia tăng thấp…

Về phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 HP/ha canh tác; mức độ cơ giới hóa một số khâu trong một số lĩnh vực tăng nhanh và đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, so với các nước như: Thái Lan, Trung Quốc và các nước phát triển, tỷ lệ trang bị động lực bình quân trên héc ta của Việt Nam còn thấp, hầu hết máy làm đất công suất nhỏ, thích hợp với quy mô kinh doanh nhỏ lẻ và đất đai manh mún.

Năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đặt mục tiêu đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu; đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với tốc độ giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7-8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản có quy mô lớn, hiện đại, năng lực cạnh tranh quốc tế cao.

Đối với lĩnh vực cơ giới hóa: mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80-100%; công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 5-6HP/ha vào năm 2030. Tại những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa mức độ cơ giới hóa được đồng bộ và tiến tới tự động hóa.

Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu đã tập trung đánh giá thực trạng, xác định giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp gắn với chương trình khoa học công nghệ quốc gia, các chương trình đầu tư và chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp; đặc biệt là việc thu hút các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp tại vùng, địa phương trọng điểm phát triển nông nghiệp.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp các cơ chế, chính sách để tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp đón bắt thời cơ mới, vận hội mới.

Để thực hiện thắng lợi những mực tiêu, nhiệm vụ đề ra, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đây được xác định là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản; trong đó chú trọng tập trung phát triển các cụm liên kết sản xuất sản xuất - chế biến tại các địa phương, các vùng có lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực. Đồng thời, lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị vận hành một cách thông suốt, hiệu quả. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu; hình thành và phát triển hệ thống logistics đồng bộ gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng các nhà máy chế biến để giảm chi phí sản xuất cho những sản phẩm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao. Đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị cơ giới hóa trong nông nghiệp và chế biến nông sản; thực hiện áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp để đảm bảo kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ tốt môi trường. Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng đào tạo và nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách về môi trường đầu tư, đất đai, tài chính, tín dụng…

Lưu Ngần


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày