Thứ 4, 15/05/2024, 13:25[GMT+7]

Tích tụ ruộng đất trồng măng tây cho thu nhập cao

Thứ 3, 12/05/2020 | 08:49:12
3,550 lượt xem
Chuyển đổi hơn 1ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng măng tây, giờ đây, chị Phí Thị Tám, thôn Cổ Hội Đông, xã Đông Quan (Đông Hưng) đã bắt đầu cho thu những lứa măng đầu tiên, hứa hẹn cho thu nhập cao.

Chị Tám chăm sóc măng tây.

Khoảng hơn 1 năm trở về trước, gia đình chị Phí Thị Tám trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cũng mang lại thu nhập hơn 120 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, muốn thử sức mình, chị đã tích tụ thêm hơn 1ha đất cấy lúa kém hiệu quả để đầu tư, cải tạo trồng măng tây, trước mắt, chị trồng 1ha. Chị Tám cho biết: Khi bắt đầu trồng măng tây, tôi gần như không có kinh nghiệm nhiều về giống cây này. Tôi đi khảo sát, học tập các mô hình ở các địa phương và tự mày mò tìm hiểu thông tin trên mạng về cách trồng, chăm sóc để phát triển giống cây này. Tôi thấy măng tây cho hiệu quả kinh tế khá cao. Măng tây vốn là giống cây thân thảo, dễ sinh trưởng. Tuy vốn đầu tư, cải tạo đất nhiều nhưng có thể thu hoạch liên tục trong vài năm. Thông thường, cây sẽ cho thu hoạch măng liên tục từ 3 - 4 tháng, nghỉ 1 tháng để dưỡng cây. Lúc này, chỉ cần cắt ngang gốc, phủ rơm tưới nước đầy đủ, sau 1 tháng có thể tiếp tục thu hoạch. Hiện nay, măng tây cũng được người tiêu dùng ưa chuộng vì giá trị dinh dưỡng cao, thị trường tiêu thụ mở rộng hơn so với trước.
Do thời tiết bất thuận, chuột phá hoại nên gia đình chị Tám mới thu hoạch măng tây được khoảng 2 tháng. Măng tây thường được chị Tám thu hoạch vào 4 giờ sáng nên giữ được độ tươi ngon. Trong quá trình trồng và chăm sóc, do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đây còn là sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Măng tây sau khi thu hoạch từ vườn, sẽ được loại bỏ những cây già, cắt bỏ phần gốc, rửa sạch và bó thành từng bó nhỏ rồi cung cấp ra ngoài thị trường. Trung bình mỗi ngày chị thu hơn 30kg với giá bán tại vườn khoảng 90.000 đồng/kg. Măng tây là giống cây phát triển nhanh, cần dinh dưỡng thường xuyên, chỉ qua một đêm có thể dài lên đến 15cm, vì vậy chị đã thuê thêm 6 nhân công để chăm sóc và thu hoạch măng tây hàng ngày 160.000 đồng/ngày công. Mỗi tháng, chị Tám thu về khoảng 50 triệu đồng.

Chị Tám không ngần ngại chia sẻ cách trồng, chăm sóc măng tây của mình. Chị cho biết: Trồng măng tây không quá khó nhưng cũng không phải dễ, đòi hỏi người trồng phải đam mê, chăm sóc thường xuyên, chịu khó. Măng tây ưa khí hậu mát và cần được tưới nhiều nước nhưng lại chịu rét và ngập úng kém, nếu trời nắng nóng măng tây cũng khó sinh trưởng tốt. Nhiệt độ thích hợp nhất để trồng măng tây là khoảng 25 - 30oC. Cây măng tây ưa sáng, cần phải được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nếu thiếu nắng và thiếu ánh sáng sẽ khiến cây sinh trưởng chậm và năng suất cũng như chất lượng thấp... Từ lúc trồng đến khi cây cho thu hoạch mất hơn 6 tháng, vì vậy ở giai đoạn này quy trình chăm sóc và bón phân rất kỹ lưỡng. Thường xuyên tưới nước cung cấp đủ độ ẩm cho đất để cây phát triển tốt. Vào mùa nắng thì có thể tưới ngày 2 - 3 lần, chú ý tránh tưới nước cho măng tây vào sau 5 giờ chiều để tránh làm ảnh hưởng đến những mầm măng mới nhú. Vào mùa mưa thì cần chú ý làm rãnh thoát nước tốt, kiểm tra mực nước tưới, tuyệt đối không để đất bị ngập úng, nếu không cây măng tây sẽ bị thối rễ...

Vì giá cây giống măng tây đắt, chi phí vận chuyển cao nên để mở rộng sản xuất, giảm chi phí đầu tư ban đầu hướng tới cung ứng cây giống, chị Tám đã tìm tòi hỏi học, mua hạt giống về ươm. Ngoài diện tích trồng măng tây, chị vẫn duy trì trồng cây ăn quả và đang nuôi thử nghiệm 20.000 con ốc bươu. Chị Hà Thị Như Quỳnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Quan cho biết: Đã có nhiều cán bộ, hội viên tới tham quan, học tập mô hình trồng măng tây của chị Tám. Không chỉ mạnh dạn trong phát triển kinh tế, chị Tám còn tích cực tham gia các hoạt động của hội phụ nữ, ủng hộ 10 triệu đồng và nhiều ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày