Thứ 4, 08/05/2024, 08:01[GMT+7]

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp: Giảm lý thuyết, tăng thực hành

Thứ 7, 09/03/2024 | 13:10:12
3,290 lượt xem
Giảm lý thuyết, tăng thực hành đang là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp ở Thái Bình trước đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động. Trong thời đại nền kinh tế tri thức, kinh tế số, việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những đột phá phát triển trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với học lý thuyết, học sinh Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đông Hưng thường xuyên được thực hành nhằm nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Đông Hưng hoạt động với hai mảng chính là đào tạo nghề và dạy văn hóa THPT theo chương trình GDTX. Những năm qua, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác giáo dục văn hóa kết hợp đổi mới đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện nay, Trung tâm đang có 32 lớp nghề với trên 1.000 học sinh đang theo học các ngành, nghề như may thời trang, điện dân dụng và công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ thông tin, kỹ thuật chế biến món ăn, tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp.

Bà Bùi Thị Diệu Thúy, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đông Hưng chia sẻ: Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học. Hiện nay, Trung tâm có hệ thống phòng học mới đạt tiêu chuẩn, trang thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng tốt cho học văn hóa THPT theo chương trình GDTX và học nghề. Trung tâm cũng rất quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, truyền dạy kiến thức một cách chủ động, xây dựng bài giảng định hướng theo đối tượng người học. Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đông Hưng luôn xác định học lý thuyết đi đôi với thực hành, giảm lý thuyết hàn lâm, tăng thời lượng thực hành, áp dụng phương pháp dạy học tích cực để giúp học sinh dễ hiểu, dễ áp dụng những kiến thức, kỹ năng vào thực tế, qua đó nâng cao trình độ kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu thị trường, doanh nghiệp và tìm kiếm việc làm cho người lao động.

Tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình, thời gian qua, công tác nâng cao chất lượng đào tạo nghề được nhà trường đặc biệt quan tâm với mong muốn các em học sinh, sinh viên khi ra trường có cho mình một hành trang đủ tốt để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động. 

Theo chia sẻ của bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường thì nhà trường đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên bằng việc thường xuyên tổ chức cho họ được học tập, nâng cao trình độ, nhất là với những chuyên ngành mới. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin giúp sinh viên dễ tiếp thu và nâng cao hiểu biết về môn học hơn. Với đặc thù là trường đào tạo về nghệ thuật, trường cũng tập trung rèn luyện cho học sinh, sinh viên được tham gia biểu diễn tại các sự kiện trong và ngoài tỉnh, từ đó tạo cho các em có môi trường thực hành kỹ năng, bản lĩnh nghề thuần thục. Trường còn đẩy mạnh việc nâng cao công tác nghiên cứu khoa học, đặt hàng soạn tài liệu dạy các môn truyền thống như chèo, nhạc cụ dân tộc để phục vụ tốt nhất cho giảng dạy, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay.

Tỉnh Thái Bình hiện có 25 cơ sở GDNN, trong đó có 3 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 8 trung tâm GDNN - GDTX huyện, thành phố và 9 trung tâm dạy nghề tư thục, hội đoàn thể. 

Ông Nguyễn Quang Sáng, Phó Trưởng phòng, phụ trách Phòng GDNN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, các trung tâm GDNN trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, doanh nghiệp và thực tiễn phát triển. Một trong những điều dễ nhận thấy nhất đó là các cơ sở GDNN đã đẩy mạnh phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn, chuyên nghiệp, tinh gọn và hiệu quả. Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN cũng đang tập trung phát triển chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, mở, linh hoạt với yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Theo ông Nguyễn Quang Sáng: Để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng, có tay nghề thì các cơ sở GDNN cần đổi mới phương pháp đào tạo với phương châm lấy người học làm trung tâm, giảng viên là người hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học đa dạng, linh hoạt; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong đào tạo. Xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại người lao động ở các cấp trình độ GDNN đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đào tạo ngành, nghề mới và kỹ năng nghề mới, nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động và theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Việc nâng cao chất lượng GDNN sẽ bảo đảm nguồn nhân lực trực tiếp đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, cơ cấu ngành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao chất lượng GDNN, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người lao động trong tỉnh.

Học sinh Trung tâm GDNN – GDTX huyện Đông Hưng trong giờ thực hành môn học điện công nghiệp.

Đỗ Hồng Gia