Thứ 4, 08/05/2024, 04:22[GMT+7]

Niềm hạnh phúc của môt nhà giáo

Thứ 4, 09/02/2011 | 14:35:59
2,659 lượt xem
Hơn mười năm chị được Ban giám hiệu trường PTCS Tân Hòa và phòng giáo dục Vũ Thư giao bồi dưỡng đội tuyển lịch sử, năm nào đội tuyển cũng có học sinh đạt giải cao nhất, nhì tỉnh, có năm cả đội tuyển đều đạt giải.

Cô Đào Thị Quế tự học vi tính, khai thác internet làm phong phú tư liệu các bài giảng lịch sử.

Thủ khoa Khoa Lịch sử (khóa 2010-2014), Đại học sư phạm I Hà Nội - em Vũ Thu Thảo (thôn Nam Bi,Tân Hòa, Vũ Thư) tâm sự với chúng tôi: Trước đây, lớp em nhiều bạn ngại môn sử vì là môn học thuộc. Thi học sinh giỏi, ai cũng muốn được chọn vào đội Văn, Toán, Anh. Từ lớp 5 đến lớp 8,  em học đội tuyển học sinh giỏi văn. Năm lớp 9 em chuyển sang đội tuyển lịch sử do cô Quế phụ trách. Càng học, càng thấy hay. Giải nhất kỳ thi học sinh giỏi khối 9 của tỉnh đã đem lại cho em sự  tự tin và quyết định thi vào lớp chuyên sử, trường PTTH chuyên của tỉnh.

 

Khi làm hồ sơ thi Đại học, em lại quyết định thi ĐHSP I Hà Nội để trở thành cô giáo dạy sử. Em có may mắn được học cô Quế, thầy Khoa dạy giỏi, tâm huyết, đã truyền cho em sự say mê và phương pháp học lịch sử. Để lại trong em ấn tượng sâu sắc, cũng là thần tượng để em ước mơ phấn đấu trở thành một giáo viên giỏi, đó là cô Đào Thị Quế, cô dạy ở trường xã em- trường PTCS Tân Hòa.

 

Tình cờ được cùng chị Đào Thị Quế ôn lại những kỷ niệm về các thày cô và mái trường đã gắn bó với 4 năm sinh viên trẻ trung, nhiệt huyết. Giữa  những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, như nhiều bạn cùng khóa trường cấp 3 Lê Quý Đôn (Thành phố Thái Bình), mặc dù cầm trên tay giấy báo vào đại học nhưng chị Đào Thị Quế vẫn xung phong đi bộ đội. Trung đoàn vận tải 13, tiểu đoàn 01 của chị đã có mặt khắp chiến trường C, B.

 

Thực tế chiến trường ác liệt, những hy sinh, gian khổ, mất mát to lớn của dân tộc tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc sau này đã luôn là nguồn cảm xúc cho những bài giảng, những câu chuyện về chiến tranh chị truyền thụ cho học sinh cùng với tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc. 30 năm tròn gắn bó với nghề thì 25 năm chị giữ vững danh hiệu giáo viên dạy giỏi, trong đó 20 năm giỏi cấp tỉnh, 5 năm cấp trường. Suốt 25 năm qua, chị liên tục được đồng nghiệp tín nhiệm bầu là chiến sỹ thi đua các cấp.

 

Hơn mười năm nay, chị được Ban giám hiệu nhà trường và phòng giáo dục  giao bồi dưỡng đội tuyển lịch sử, năm nào đội tuyển cũng có học sinh đạt giải cao nhất, nhì tỉnh, có năm cả đội tuyển đều đạt giải. Năm học 2009-2010, đội tuyển do chị bồi dưỡng có ba giải nhất tỉnh là em Vân (trường Chu Văn An, xã Hòa Bình), em Toán (trường Dũng Nghĩa), em Hạnh (trường Thanh Phú, Việt Hùng). Nhiều người quan niệm: Môn lịch sử chỉ cần học thuộc, nhớ lâu, khi làm bài thi trình bày sạch đẹp sẽ được điểm cao. Nhưng thực ra, lịch sử là môn khoa học tổng hợp. Muốn học sinh học tốt, người thày phải truyền cho các em sự say mê, hứng thú, yêu thích môn học. Chị bảo, chị luôn đặt mình vào vị trí của học sinh, để tiết học hấp dẫn, chị tránh dạy “chay” mà thường tự vẽ bản đồ minh họa, công phu sưu tầm tư liệu qua nhiều kênh sách, báo, hội thảo khoa học và khai thác trên Intenet... Nhiều năm tích lũy kiến thức đa dạng, phong phú, cộng với những mẩu chuyện, những tư liệu nhân vật lịch sử sống động để mở rộng, nâng cao kiến thức, cuốn hút các em.

 

Chị Quế đã có hơn chục đề tài nghiên cứu về đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy môn lịch sử trong nhà trường, trong đó có đề tài giảng dạy lịch sử địa phương trong trường học. Tân Hòa- xã anh hùng thời kỳ chống Pháp, nơi đây, hơn 40 năm trước có vinh dự đón Bác về thăm Thái Bình, mừng công với Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta, lần đầu tiên đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Bác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ tán tại thôn Đại Đồng (Tân Hòa) và nghỉ tại đây đêm 31/12/1966. Tân Hòa cũng là xã điểm thực hiện lời dạy của Bác, cuối năm 1968 là xã đầu tiên được tỉnh công nhận là xã “Gương mẫu về mọi mặt”...

 

Qua những giờ học của cô Quế, các em hiểu thêm về mảnh đất, con người quê hương, thêm yêu quý, gắn bó, trân trọng mồ hôi, xương máu của bao thế hệ ông cha đã vun đắp lên cuộc sống hôm nay, thấm thía lời dạy của Bác:”Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”...

 

Ở trường, chị Quế là giáo viên giỏi, được bạn bè đồng nghiệp yêu mến, ở nhà, chị là người con dâu thảo hiền. Vợ chồng chị đã qua những năm tháng bươn chải, vất vả để cùng nuôi dạy 4 em chồng ăn học hết cấp 3, có nghề nghiệp ổn định. Chị Quế có một gia đình hạnh phúc. Chồng chị công tác trong ngành xây dựng bệnh viện. Con trai lớn của chị là sinh viên Đại học Kiến trúc. Con trai bé là học sinh giỏi trường PTTH Nguyễn Đức Cảnh. Đó là hạnh phúc lớn nhất của chị, là điểm tựa yên bình, vững trãi để chị có thể dành nhiều thời gian và công sức tâm huyết, gắn bó với nhiều thế hệ học sinh thân yêu suốt cả cuộc đời.

 

Bài, ảnh: Bảo Linh

  • Từ khóa