Thứ 2, 29/04/2024, 12:22[GMT+7]

Lao động, việc làm - một năm nhiều dấu ấn

Thứ 6, 29/12/2023 | 08:35:32
4,725 lượt xem
Năm 2023 đã khép lại với nhiều khó khăn song cũng không ít thời cơ thuận lợi để kinh tế - xã hội bứt phá đi lên. Sau khoảng thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mọi nút thắt như được cởi bỏ khi đất nước trở lại với giai đoạn bình thường mới. Có những lĩnh vực thậm chí không những phục hồi mà còn phát triển mạnh mẽ hơn so với thời điểm trước dịch, đó là lĩnh vực lao động, việc làm.

Sinh viên tìm hiểu cơ hội việc làm tại ngày hội việc làm và kết nối cung - cầu lao động năm 2023.

Không ngừng tạo thêm việc làm mới

Nhìn chung trong năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 10.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; trong đó có 4 doanh nghiệp nhà nước, 117 doanh nghiệp FDI và trên 10.100 doanh nghiệp dân doanh. Cơ cấu lao động của tỉnh chuyển dịch tích cực theo cơ cấu kinh tế, 46,5% lao động làm việc trong các ngành công nghiệp - xây dựng, 27,7% làm việc trong các ngành dịch vụ và 25,8% lao động làm việc trong các ngành nông - lâm - ngư nghiệp. Năm 2023, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho khoảng 34.500 lao động.

Ông Trần Văn Doanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thanh Hương, xã Vũ Hòa (Kiến Xương) chia sẻ: Công ty chúng tôi là đơn vị chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu. Không giống như nhiều doanh nghiệp dệt may khác phải cắt nhân công, giảm giờ làm do khan hiếm đơn hàng, doanh nghiệp chúng tôi vẫn duy trì sản xuất cho 550 công nhân làm việc. Thời gian qua, Công ty luôn cố gắng, nỗ lực hết sức để bảo đảm đời sống cũng như việc làm cho người lao động. Chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để duy trì tính ổn định và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương và các xã lân cận.

Ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Lao động việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 Khu kinh tế, 9 khu công nghiệp với 218 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho trên 76.000 lao động. Trong năm 2023, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã thường xuyên phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi kinh tế - xã hội. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Tình hình lao động, việc làm của người lao động khu vực doanh nghiệp cơ bản ổn định, thị trường lao động không có biến động lớn, tỷ lệ lao động thất nghiệp được kiểm soát dưới mức 3%.

Việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm giúp người lao động có thêm nhiều thông tin về thị trường lao động.

Tăng cường mở rộng thị trường lao động, việc làm

Dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực lao động, việc làm năm 2023 là tỉnh đã thực hiện linh hoạt các hoạt động thông tin thị trường lao động, định hướng giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động đến người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tổ chức các phiên giao dịch việc làm (trực tiếp và trực tuyến) để kết nối người tìm việc - việc tìm người; tăng cường hợp tác mở rộng thị trường lao động nước ngoài và cải cách quy trình thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động, việc làm. Trong năm qua, đã tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình. Tổ chức ngày hội, phiên giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh và Trường Đại học Thái Bình thu hút trên 150 doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và trên 4.000 học sinh, sinh viên, người lao động tham gia.

Nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho gia đình và địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ và thực hiện quyết liệt chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Vì vậy, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2023, toàn tỉnh có trên 3.300 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; một số địa phương đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Tiền Hải...

Huyện Quỳnh Phụ là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện chương trình đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Có thể nói, thành công của chương trình này là nền móng để tỉnh tiếp tục quan tâm, phối hợp với phía Hàn Quốc mở rộng phạm vi và quy mô nhằm tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội sang làm việc tại một đất nước phát triển như Hàn Quốc.

Mới đây, trong chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day”, chính quyền thành phố Icheon, tỉnh Gyeonggi đã tiếp tục ký kết bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác chương trình lao động thời vụ với huyện Vũ Thư và Kiến Xương để tiếp nhận lao động của hai địa phương này sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong năm 2024. 

Bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư chia sẻ: Việc ký thỏa thuận hợp tác về phái cử và tiếp nhận lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của huyện Vũ Thư. Điều này tiếp tục mở ra cơ hội giao lưu, hợp tác giữa hai địa phương của hai nước, cũng như tạo điều kiện cho người lao động Vũ Thư đến Hàn Quốc làm việc, tăng nguồn thu nhập và cập nhật, đúc kết thêm những kiến thức, kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp để trở về phục vụ cho huyện nhà. Với lực lượng lao động dồi dào, huyện Vũ Thư có thể đáp ứng đủ nguồn lao động cung ứng cho thành phố Icheon, tỉnh Gyeonggi khi có nhu cầu.

Theo ông Đoàn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kiến Xương: Việc ký kết giữa UBND huyện Kiến Xương với chính quyền thành phố Icheon đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, đây là hoạt động ngoại giao tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai địa phương của hai nước, là cơ hội để người lao động tìm hiểu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công việc chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ nông sản theo mô hình chuỗi sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp với khả năng và trình độ lao động của huyện; giúp người lao động có việc làm, thu nhập cao, góp phần giải quyết việc làm thời gian nông nhàn cho người lao động trên địa bàn huyện.

Đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, việc làm

Thời gian tới, do tác động bất ổn của tình hình thế giới và tác động của kinh tế trong nước nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn nhất định. Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong đó có chính sách phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội. 

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Tỉnh Thái Bình sẽ tăng cường thực hiện đa dạng các hình thức thông tin về thị trường lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội tư vấn học nghề và việc làm, giới thiệu việc làm trực tuyến để kết nối cung - cầu lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức phát động, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật; các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, nhất là các nội dung về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình cũng sẽ triển khai hiệu quả, nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới; tăng cường thực hiện liên kết trong đào tạo nghề, gắn với nhu cầu sử dụng lao động và thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động vay vốn duy trì sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động.



Duy Tùng

Nguyễn Quốc Nam - 4 tháng trước

Bên cạnh đó phải đẩy mạnh xuất khẩu lao động cho những hộ nghèo,hộ vùng sâu vùng xa, những người có thu nhập thấp.Cần thiết cho họ đến tham quan các vùng ven biển của Hà Tĩnh,nơi đây xuất khẩu lao động nhiều nhất nước,nông thôn đâu đâu cũng giàu đẹp khang trang.Đó là cách tuyên truyền về xuất khẩu lao động hiệu quả nhất.Phải hành động ngay từ bây giờ,ngay và luôn.Năm 2023 Hà Tĩnh có đến hơn 12.000 người đi xuất khẩu lao động.Về lĩnh vực này muốn làm tốt hãy học hỏi Hà Tĩnh.

Tải thêm