Chủ nhật, 19/05/2024, 09:33[GMT+7]

Thời hoa lửa

Thứ 7, 30/04/2022 | 22:48:28
16,403 lượt xem
Trong kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Thái Bình có hơn 34.000 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) phục vụ chiến đấu trên các chiến trường, góp phần to lớn vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại đội 932, Đội 81 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu. Ảnh: Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh cung cấp

Năm 1965, phong trào “Ba sẵn sàng” của đoàn thanh niên ở giai đoạn cao trào. Ai cũng tha thiết được gia nhập quân đội hoặc TNXP để thực hiện lý tưởng của thanh niên lúc bấy giờ là lên đường đánh Mỹ. Đăng ký rồi chưa yên tâm, mỗi người còn viết đơn tình nguyện, nhiều người viết bằng máu, yêu cầu cha mẹ cùng ký tên. Chưa đủ tuổi thì khai tăng tuổi, thiếu cân nặng thì nhờ bạn cân thay. Khi được tham gia lực lượng thì mong muốn vào sâu trong chiến trường. Dù gian khổ, hiểm nguy nhưng TNXP vẫn can trường, dũng cảm lập nhiều chiến công. Cùng với các đơn vị bộ đội và lực lượng TNXP các tỉnh, lực lượng TNXP Thái Bình đã tham gia mở đường, chiến đấu bảo vệ đường để luôn bảo đảm giao thông thông suốt, góp phần đưa hàng triệu tấn hàng hóa, vũ khí cùng những đoàn quân ra tiền tuyến, phục vụ thắng lợi từng chuyến đi, từng chiến dịch.

Ga Núi Gôi bây giờ thật bình lặng, thỉnh thoảng mới có những chuyến tàu lướt qua; nhưng trong chiến tranh, đây là nơi tập kết hàng hóa lớn để vận chuyển vào chiến trường. Ở đây có tấm bia đá ghi: “Nơi đây, ngày 20/8/1966, cán bộ, chiến sĩ C895 thanh niên xung phong cùng cán bộ, công nhân viên đường sắt khu vực ga Núi Gôi và nhân dân địa phương đã dũng cảm cứu chữa đoàn tàu hàng bị cháy trong trận ném bom của máy bay Mỹ. Nhiều đồng chí đã hy sinh, hàng trăm người bị thương nặng. Tinh thần chiến đấu quên mình của các đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo”. Sư thầy Thích Đàm Đoán, cựu TNXP Đại đội 895, Đội 89 bồi hồi nhớ lại: Chiều hôm ấy, một tàu quân sự vừa tập kết xong mấy trăm tấn hàng, chủ yếu là vũ khí, đạn dược, lương thực, hóa chất chuẩn bị vượt cầu Ninh Bình vào Thanh Hóa - Vinh để chi viện cho chiến trường thì bất ngờ máy bay Mỹ ập tới bắn tên lửa, thả hàng chục quả bom vào ga và đường sắt. Tàu bị trúng bom. Một số toa bốc cháy, hàng hóa vỡ tung tóe. Lệnh được đưa ra, phải bốc dỡ hết hàng ra khỏi các toa tàu. Cả đại đội lao ra chia cắt đám cháy, không để cháy lan sang các toa khác. Sau một giờ dập tắt lửa, phần lớn hàng hóa được chuyển ra khu vực an toàn. Tuy nhiên, đến toa cuối cùng gần đầu máy, những thùng hóa chất phát nổ, bốc lửa, cột khói màu cam ùn lên. Khói bom đạn ngột ngạt, thêm lửa cháy từ các thùng hóa chất mù mịt, trùm cả toa tàu... Ngọn lửa nhanh chóng được khống chế nhưng không khí cả khu vực loãng ra, mùi hóa chất nồng nặc. Biết nguy hiểm, có thể hy sinh nhưng chúng tôi vẫn xông lên cứu tàu, cứu hàng chi viện cho tiền tuyến.

Cua Chữ A, km12 là một trong những trọng điểm ác liệt nhất trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Theo lời kể của ông Hoàng Công Ánh, nguyên Đội phó Đội 81 TNXP: Một bên là núi Chà Ang dựng đứng, cao chót vót, một bên là vực sâu. Đường vừa dốc hẹp, lại toàn đá nên đào hầm tránh bom đạn địch rất khó khăn. Đỉnh núi Chà Ang có một mỏm đá nhô ra chon von, hiểm trở. Đứng ở đây có thể quan sát cả cung đường, nhìn rõ chỗ nào bị tắc, chỗ nào còn bom nổ chậm để báo cho đơn vị kịp thời xử lý. Nhưng đó cũng là “túi” đựng bom đạn của giặc Mỹ. Đầu tháng 10/1968, Đại đội 932 TNXP Thái Bình, Đội 81 đã dũng cảm thay bộ đội công binh nhận nhiệm vụ quan sát trên đỉnh Chà Ang. Anh chị em phân công từng người luân phiên nhau để nếu có hy sinh thì có đồng đội khác lên thay. Cả đơn vị giành giật với kẻ thù từng phút, từng mét đường, máu của các chiến sĩ đã đổ xuống trọng điểm này. Người này ngã xuống, người kia lên, thay nhau chiếm lĩnh các cao điểm quan sát máy bay, đánh dấu bom nổ chậm, cảnh giới cho lực lượng ở mặt đường đánh bom mìn, phá đá san lấp hố bom.

Ở tuổi xưa nay hiếm, bà Đỗ Thị Xoa, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 892, Đội 89 vẫn cố gắng nhớ, ghi và kể lại những dòng hồi tưởng về những tháng năm hào hùng của tuổi thanh xuân, khi bà còn là một TNXP ở chiến trường ác liệt nhất lúc bấy giờ. “Cần phải xông pha. Đường đứt là phải lăn ra, làm ngày không hết thì làm đêm để lấp hố bom, làm sao cho cứng, cho chắc để xe đi qua được. Ai cũng với tinh thần vì miền Nam ruột thịt, không tiếc máu xương, chịu đựng gian lao, vất vả, thiếu thốn về vật chất và tinh thần để bám đường, bám cầu, mở đường, phá bom, đào hầm trú ẩn, bảo đảm cho người và xe qua lại an toàn” -  bà Xoa chia sẻ.

Các cựu thanh niên xung phong thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh tại ga Núi Gôi (Nam Định).

Những năm tháng ác liệt của chiến tranh, nơi nào gian nan khổ cực, nơi nào máu xương có thể đổ, cán bộ, chiến sĩ TNXP Thái Bình đều có mặt ứng cứu với khẩu hiệu “Sống bám cầu, bám đường, chết không rời trận địa”. Ở mỗi địa danh hay mỗi tọa độ bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ đều có dấu chân và cả máu của chiến sĩ TNXP. Góp phần cùng cả nước đánh Mỹ, ở hậu phương Tổng đội TNXP Thái Bình có 2.500 đội viên được biên chế ở 22 đại đội ra đời. Hàng nghìn TNXP đã ngày đêm thường trực canh giữ, sửa chữa những tuyến đê trọng yếu ven sông Trà, sông Luộc, sông Hồng, bảo vệ công trình đại thủy nông: cống Trà Linh, cống Lân… đóng góp to lớn sức người, sức của vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhiều TNXP anh dũng hy sinh khi ước mơ còn dang dở, khi tuổi xuân vừa chớm mười tám, đôi mươi. Chính sự đau thương, mất mát và lòng căm thù giặc đã biến hành động thành sức mạnh đoàn kết để đồng đội hoàn thành nhiệm vụ khôi phục các tuyến giao thông huyết mạch để từng đoàn xe nam tiến chi viện cho chiến trường miền Nam đến ngày toàn thắng.

Phương Chi