Chủ nhật, 19/05/2024, 02:22[GMT+7]

Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên

Chủ nhật, 05/05/2024 | 19:35:08
6,749 lượt xem
Về xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ), chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện cùng 2 cựu chiến binh (CCB) Lâm Mạnh Hàn, thôn Tân Dân và Trần Đăng Tịnh, thôn Tài Giá để thấu hiểu hơn giá trị những hy sinh, mất mát để làm nên một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cựu chiến binh Lâm Mạnh Hàn (bên phải) và cựu chiến binh Trần Đăng Tịnh say sưa kể với bà con quê hương về những ngày đêm khói lửa trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhớ những đêm khoét núi, ngủ hầm

Những ngày này, trong căn nhà của CCB Lâm Mạnh Hàn luôn rộn rã tiếng cười nói của các CCB và bà con trong thôn, trong xã. Mọi người đến đây để nghe người CCB 91 tuổi cùng đồng đội kể về những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng rất đỗi tự hào tại chiến trường Điện Biên Phủ. 

Theo lời kể của ông Hàn, tháng 6/1952 ông nhập ngũ khi mới 18 tuổi. Sau hơn một năm huấn luyện tân binh tại tỉnh Phú Thọ, tháng 11/1953, ông được cử tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, địa điểm đóng quân là Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 với nhiệm vụ chiến đấu để giành lại cứ điểm Him Lam. Đây là một trong những cứ điểm mạnh, tập trung nhiều lực lượng địch tại chiến trường Điện Biên Phủ. Quân Pháp xây dựng cứ điểm Him Lam thành vị trí kiên cố, trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại. Ông được lệnh cùng đồng đội đào hào giao thông tiến vào gần cứ điểm Him Lam. Công việc đào hào diễn ra bí mật vào ban đêm.

 “Liên tục nhiều ngày đêm, tôi cùng đồng đội vật lộn với bùn đất, nhích dần từng mét hào. Ai cũng mong đào thật nhanh đến đích, phần vì muốn chiến thắng kẻ thù, phần vì muốn thoát khỏi cảnh suốt ngày đêm phải vùi mình trong bùn đất ẩm ướt, thiếu khí thở, ngột ngạt vào ngày mưa, nóng rát vào ngày nắng” - ông Hàn nhớ lại. 

Trong thời điểm gian khó ấy, ông và đồng đội luôn động viên nhau, chia sẻ từng miếng cơm, bát nước... Đến sáng ngày 13/3/1954, đường hào giao thông đã hoàn thành. 17 giờ ngày 13/3/1954, pháo ta tập trung bắn vào Him Lam. Phát hiện ra vị trí của ta, pháo binh của địch ở Hồng Cúm, Mường Thanh nã pháo điên cuồng vào trận địa. Sau hơn 5 giờ chiến đấu, ông Hàn cùng với các đồng đội ở Đại đoàn 312 đã hoàn toàn làm chủ trung tâm Him Lam.

Trận thắng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ đã cổ vũ rất lớn tinh thần chiến đấu của bộ đội ta. Ngày 16/4/1954, ông cùng đồng đội được cấp trên phân công tiếp tục bao vây cứ điểm 105. 

“Thời gian đánh chiếm cứ điểm, quân ta bao vây chặt và cắt đứt mọi liên lạc với các cứ điểm xung quanh của quân địch. Quân địch trong cứ điểm hoàn toàn bị giam chặt, không có tiếp tế, không có nước uống, hoảng loạn nên cứ thò đầu ra khỏi chiến hào, tôi và các đồng đội phục kích, bắn tỉa tiêu diệt” - ông Hàn chia sẻ. 

Ngày 22/4/1954, trong một trận đánh tại cứ điểm 105, ông cùng một số đồng đội bị thương và được đưa về hậu cứ điều trị. 

“Thời gian điều trị, tôi luôn ngóng tin về chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi nghe đồng đội báo tin, ngày 7/5 một chiến sĩ người Thái Bình xông vào hầm địch bắt sống tướng De Castriesi, mọi người vui mừng khôn xiết” - ông Hàn cho biết thêm.

Cựu chiến binh Lâm Mạnh Hàn (bên phải) và cựu chiến binh Trần Đăng Tịnh nâng niu những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Kỷ niệm trận đánh ở đồi A1

Cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như CCB Lâm Mạnh Hàn, CCB Trần Đăng Tịnh giờ cũng đã ở tuổi 90. Dù tuổi cao song ông Tịnh còn minh mẫn và nhanh nhẹn. 

Ông Tịnh đón tiếp chúng tôi bằng những câu chuyện hào hùng của một CCB đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Trong ký ức của ông Tịnh, chiến dịch Điện Biên Phủ có nhiều kỷ niệm nhưng kỷ niệm in sâu trong tâm trí ông đó là trận đánh ở đồi A1. 

Cầm trên tay chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, kỷ vật minh chứng cho chiến tích trong cuộc đời người lính, ông Tịnh nhớ lại: Sau khi ông và đồng đội chiếm được cứ điểm Him Lam, quân địch rệu rã, hoang mang, trong khi đó quân ta khí thế đang lên, tôi được lệnh hỗ trợ cho đồng đội đánh chiếm đồi A1 với nhiệm vụ tiếp tục đào hào lấn sâu vào sở chỉ huy của quân địch. Đây là cứ điểm rất quan trọng, là điểm cao cuối cùng gần đường sang sở chỉ huy của tướng De Castries. Cuộc chiến giữa hai bên diễn ra căng thẳng giành giật từng tấc đất. Trong gần 1 tháng, tôi và đồng đội đã dũng cảm, kiên cường, lao động cật lực đào một đường hầm từ trận địa ta dưới chân đồi đến đỉnh đồi nơi có hầm ngầm của quân địch. Thời gian này, chẳng những bộ đội ta đã liên tục dùng lực lượng nhỏ vây ép đánh lấn địch dưới mặt đất mà việc bắn máy bay triệt nguồn tiếp tế, tiếp viện của địch cũng được chú ý tăng cường. Lực lượng pháo cao xạ cùng với các đơn vị súng máy phòng không của các đại đoàn bộ binh tạo thành một hệ thống lưới lửa khống chế bầu trời Điện Biên Phủ trong tầm cao từ 3km trở xuống. Không ngày nào là không có máy bay địch bị bắn rơi hoặc bị thương. Việc hạ thấp độ cao để tiếp tế gặp khó, máy bay địch phải thả dù từ độ cao 3km nên 1/3 số dù đó đã rơi vào khu vực trận địa của ta. Rất nhiều đạn dược các loại, nhất là đạn lựu pháo 105mm, đạn cối 120mm, 81mm cùng nhiều lương thực, thuốc men... địch thả xuống được ta thu được. Sung sướng vì quân ta giành được nhiều lương thực, đạn dược, ngay trong đêm, tôi đã làm bài thơ “Hồi ức Điện Biên”, trong đó có những câu thơ: “...Quân ta đang thiếu địch mang đến mời/Ăn no ôm bụng nhau cười/Đánh tây như thế thật là vui thay...”.

70 năm đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Với CCB Lâm Mạnh Hàn và Trần Đăng Tịnh, dù tuổi đã cao song họ luôn phát huy phẩm chất của người lính Điện Biên năm xưa, hăng say trong mọi hoạt động, luôn động viên con cháu phát triển sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ ông cha.

Nguyễn Cường