Thứ 3, 21/05/2024, 03:17[GMT+7]

Lão nông “ôm” ruộng làm giàu

Thứ 2, 09/05/2022 | 08:55:48
1,529 lượt xem
Trong khi ở một số địa phương nhiều hộ nông dân không mặn mà với đồng ruộng thì ở Hưng Hà vẫn có những lão nông không quản ngại khó khăn thuê lại từng thửa ruộng bỏ hoang để cấy lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người mà chúng tôi nhắc đến là ông Lê Bá Thưởng, thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh.

Ông Lê Bá Thưởng (người bên trái) cùng cán bộ xã Phúc Khánh (Hưng Hà) kiểm tra sâu bệnh trên lúa xuân.

Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm ông Thưởng đã có mặt trên cánh đồng lúa của mình. Nhìn cánh đồng xanh mướt đang thì con gái ông rạng rỡ hẳn lên. Ông Thưởng luôn suy nghĩ, sinh ra từ làng thì ruộng đồng chính là kế sinh nhai, vì thế ông luôn trăn trở làm thế nào để có thể làm giàu từ ruộng, nhất là khi những thửa ruộng bị bỏ hoang càng khiến ông thêm xót xa. Năm 2019, ông bàn với gia đình thuê lại ruộng của hơn 100 hộ trong xã để tích tụ ruộng đất cấy lúa. Khi bắt tay vào làm, ông bị mọi người cho là “dở hơi” vì trong lúc người ta chán ruộng thì ông lại hăng hái đi xin được thuê lại ruộng để cấy lúa. 

Để có những thửa ruộng xanh mướt như bây giờ, ông Thưởng đã vật lộn hàng tháng trời để hoàn thành việc chỉnh trang đồng ruộng và gieo cấy được 20 mẫu. Vụ đầu tiên có thu nhập tốt, ông mạnh dạn đấu thầu thêm trên 20 mẫu nữa. Cứ thế, cái ý nghĩ “làm ruộng thì ra, làm nhà thì thiếu” đã thôi thúc ông “ôm” hết những diện tích hoang hóa ở địa phương. 

Ông Thưởng cho biết: Tuy lâu nay gia đình tôi vẫn làm dịch vụ làm đất cho bà con nhưng các loại máy móc tôi sở hữu cũng chỉ là máy cày, máy bừa đơn giản. Thế là tôi bắt đầu đi tham quan học hỏi ở các nơi, mạnh dạn đầu tư 2 tỷ đồng để mua sắm thêm máy phun thuốc trừ sâu, máy bón phân, máy gặt đập liên hợp, máy sấy thóc, máy cấy và hơn 5.000 khay gieo mạ… để sản xuất. Ruộng tập trung lớn nên có thể thực hiện chuyên canh lúa “đồng trà, cùng giống” thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Làm lúa cánh đồng lớn có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là giảm được rất nhiều công sức và chi phí trong sản xuất.

Đến nay, sau hơn 2 năm không ngừng mở rộng diện tích, xây dựng mô hình, ông đã có cánh đồng với 40 mẫu lúa và sở hữu một kho máy móc hiện đại mà nhiều nông dân đang mơ ước. Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nên vụ lúa năm nào cũng cho năng suất cao. Như năm 2021, mỗi sào lúa đạt từ 1,7 - 2 tạ, có thời điểm đạt trên 2,5 tạ, trừ chi phí mỗi năm ông thu lãi từ 600 - 700 triệu đồng.

Hệ thống máy móc của gia đình ông Lê Bá Thưởng.

Ông Phạm Văn Khải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Khánh khẳng định: Tích tụ ruộng đất là xu hướng tất yếu để hướng tới sản xuất hàng hóa. Qua mô hình của ông Thưởng cho thấy đây là mô hình đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thực hiện cơ giới hóa toàn bộ các khâu từ sản xuất đến thu hoạch… Mô hình của ông Thưởng xứng đáng là mô hình điểm để các địa phương, nông dân trong huyện và các địa phương khác nghiên cứu, học tập, nhân ra diện rộng.

Chia sẻ về thành công của mình, ông Thưởng cho rằng, đối với người nông dân không gì bằng sản xuất nông nghiệp. Ruộng đồng cũng là một phương tiện làm giàu rất hiệu quả và bền vững, mang lại thu nhập cao không kém gì các ngành nghề khác nếu người nông dân thật sự có tâm huyết, quyết tâm và khai thác tốt lợi thế, điều kiện tự nhiên của địa phương. Khát vọng lớn nhất của ông Thưởng lúc này là mở rộng thêm diện tích cấy lúa, hình thành vùng sản xuất gạo hữu cơ chất lượng cao và xây dựng thương hiệu gạo sạch riêng của mình để vừa làm giàu cho bản thân vừa tạo việc làm cho người dân.

Thanh Thuỷ

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày