Chủ nhật, 28/04/2024, 06:02[GMT+7]

“Ông trùm vùng biên đông bắc” hầu tòa

Thứ 6, 27/08/2010 | 08:53:50
2,701 lượt xem
Phiên tòa sơ thẩm xét xử “ông trùm vùng đông bắc” Nguyễn Tiến Phương (Phương “Ninh Hột”) về tội “giết người” đã được Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức sáng 23-8-2010. Cùng bị truy tố về tội này còn có Nguyễn Tiến Chung (em trai Phương “Ninh Hột”) và Bùi Hải Bài. Các bị cáo Nhâm Đức Thông, Phạm Văn Kiêm, Nguyễn Thế Cường bị truy tố về tội “che giấu tội phạm” và “không tố giác tội phạm”.

Phương “Ninh Hột”

NHỮNG TÊN GIẾT NGƯỜI KHOÁC ÁO DOANH NHÂN

Không quá nổi tiếng như Năm Cam, không nôn nóng đầu cơ chính trị như Khánh “trắng”, nhưng Phương “Ninh Hột” đã làm được việc mà hai ông trùm giang hồ một thời này không làm được, đó là trở thành một doanh nhân đầy quyền uy. Dù khoác trên mình bộ cánh lịch lãm nhưng bản chất Phương “Ninh Hột” vẫn là một kẻ khát máu, sẵn sàng cho đàn em xuống tay rất tàn độc để triệt hạ đối thủ. Cuối tháng 5-2009, Phương ra lệnh cho tay chân đánh đập, bắt cóc hai người đưa sang Trung Quốc thủ tiêu hết sức dã man.

Phải mất rất nhiều công sức và được Công an Trung Quốc giúp đỡ, Công an tỉnh Quảng Ninh mới làm rõ được vụ án nghiêm trọng này. Sự lạnh lùng của những tên giết người khiến ai nghe đến cũng phải rùng mình. Là vụ án phức tạp, các bị cáo là những đối tượng cộm cán nên ngay từ sáng sớm, hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an đã có mặt tại phiên tòa để ổn định trật tự. Những người được vào phòng xử án đều bị kiểm tra an ninh chặt chẽ.

Những năm 90 của thế kỷ 20, nền kinh tế Việt Nam có những thay đổi bước ngoặt, hoạt động giao thương với nước ngoài diễn ra rầm rộ. Cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh trở thành điểm nóng về buôn lậu. Móng Cái giàu lên nhanh chóng và là miền đất hứa cho bọn đầu trộm đuôi cướp. Đám giang hồ lập băng nhóm bảo kê, vận chuyển hàng cho đám buôn lậu, chuyện đâm chém thanh toán diễn ra như cơm bữa.

Những người từng lên Móng Cái làm ăn không thể không biết đến những cái tên như “Mặt Ma”, “Mặt Sắt”, “Táo Lê”. Đây là những ông trùm vùng biên thao túng, bảo kê các tụ điểm ăn chơi, gom các mối hàng xuất nhập khẩu, đòi nợ thuê...

Thời điểm này, tuy có thừa máu liều và cũng có trong tay đám đàn em máu lạnh nhưng Phương vẫn bị xếp chiếu dưới. Một lần va chạm với đám “Mặt Sắt”, “Táo Lê” trong một quán karaoke, đám đàn em của Phương bị đánh tơi tả. Coi đây là cơ hội lấy số và cũng ấm ức từ lâu vì luôn thua kém trên giang hồ nên Phương quyết định đi một nước cờ mạo hiểm. Găm thanh kiếm sắc lẻm trong bụng, một mình Phương đi tìm “Táo Lê”. Một cuộc đấu sinh tử diễn ra ngay trong đêm. “Táo Lê” bị đâm thủng ruột, thương tật vĩnh viễn hơn 40%, Phương “Ninh Hột” dính vài vết thương nhưng đổi lại, từ đó Phương giành ngôi vị thống lĩnh giang hồ vùng biên Móng Cái.

Nổi tiếng, rất thoáng với đàn em nên thanh thế của Phương ngày càng mạnh. Phương cùng đàn em bao thầu hầu hết việc vận chuyển, thu gom hàng xuất sang Trung Quốc. Công việc này giúp Phương hái ra tiền và nhanh chóng trở thành một đại gia. Có tiền, Phương nghĩ ngay đến việc tìm một vỏ bọc sạch sẽ và hắn thành lập Công ty TNHH Quang Phát có trụ sở to đùng ở Móng Cái. Không chỉ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng, Công ty Quang Phát còn mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác như xây dựng. Với những mối quan hệ được xây dựng từ tiền bạc, Công ty Quang Phát nhận được khá nhiều công trình lớn của tỉnh Quảng Ninh. Cũng từ đó, Phương thật sự lột xác với những bộ cánh lịch sự, đi xe hơi sang trọng, trông Phương lúc nào cũng như chính khách.

Thỉnh thoảng trong những lễ khai trương, khánh thành người ta lại thấy Phương “Ninh Hột” xuất hiện cười nói, bắt tay với người nọ người kia khiến nhiều người càng nể gã giang hồ núp bóng doanh nhân này. Người Quảng Ninh đến giờ vẫn truyền tai nhau giai thoại về sự giàu có của Phương “Ninh Hột”. Trong một lần uống rượu cao hứng, Phương thách đố các đại gia khác đọ tiền. Hắn mạnh miệng tuyên bố “tiền của tôi rải từ sông Ka Long tới cầu Bãi Cháy vẫn chưa hết” (quãng đường từ sông Ka Long đến Bãi Cháy gần 200 km). Tất nhiên chẳng ai dại gì tham gia cuộc thi kỳ quặc này nhưng như thế cũng đủ chứng minh Phương “Ninh Hột” giàu nứt đố đổ vách bởi hắn luôn được tiếng là người không nói chơi.

VỤ GIẾT NGƯỜI TÀN ĐỘC
Mặc dù là chủ một doanh nghiệp lớn với hàng ngàn công nhân nhưng nguồn thu chính của Phương “Ninh Hột” vẫn là những hoạt động buôn bán hàng qua biên giới. Phương sẵn sàng làm mọi chuyện, kể cả giết người, để giữ bát cơm.

Hành vi giết người của Phương và đám đàn em bị lộ tẩy khi anh Lê Hữu Vinh (trú tại phường Ka Long, Móng Cái), Phó giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Hồng Công, đến Công an TP. Móng Cái trình báo. Theo lời khai của anh Vinh, chiều 30-5-2009, anh cùng với các anh Lê Văn Điệp, Nguyễn Minh Trí (tên thường gọi là Sỹ), Đoàn Quyết Chiến, Hà Thanh Tùng đến đồn biên phòng nằm trên địa phận xã Hải Sơn, Móng Cái làm thủ tục xuất hàng đông lạnh sang Trung Quốc. Xong thủ tục, anh Vinh và anh Tùng về trước, những người còn lại đứng chờ hàng ở thôn Lục Chắn.

Khoảng 17 giờ, một nhóm người đi trên hai xe ôtô bất ngờ nổ súng, đánh đập, bắt hai anh Điệp và Sỹ đi, anh Chiến may mắn chạy thoát. Nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các trinh sát được lệnh đi tìm bằng được và động viên anh Chiến khai báo toàn bộ vụ việc. Sau hai ngày kiên trì thuyết phục, câu chuyện phần nào được làm sáng tỏ.

Hôm đó, nhóm Điệp, Sỹ, Chiến đứng đợi hàng ở ngã ba Lục Chắn thì bị Phương phát hiện. Phương bảo Bài gọi cho Khổng Thanh Thu lên xử lý nhưng Thu bị bệnh, vì vậy Bài gọi cho Chung. Biết quá rõ máu côn đồ của anh em nhà Phương “Ninh Hột” nên anh Điệp bảo anh Chiến quay về lấy súng, mìn tự chế để đề phòng có đánh nhau. Anh Chiến gọi Vũ Trọng Anh mang theo một khẩu súng, hai quả lựu đạn đến thôn Lục Chắn. Sợ bị lực lượng tuần tra phát hiện nên anh Chiến và Trọng Anh cầm số vũ khí này đứng vào chỗ kín. Anh Chiến vừa đi khỏi thì hai chiếc xe ôtô lao đến, một nhóm đối tượng lao ra khỏi xe tấn công nhóm anh Điệp, Sỹ. Bị đánh bất ngờ nên anh Điệp gọi Chiến mang súng, thuốc nổ lại trợ chiến. Thấy bạn bị đánh, anh Chiến chạy đến nhưng bị chặn đường khiến anh Chiến và Trọng Anh phải bỏ chạy.

Sau nhiều ngày tìm kiếm không ra tung tích của các anh Điệp, Sỹ, Công an tỉnh Quảng Ninh nhận định hai anh đã bị bọn đàn em của Phương “Ninh Hột” bắt cóc đưa qua biên giới. Tuy nhiên, khi xác các nạn nhân và một số vật chứng quan trọng chưa được tìm ra thì không thể khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng về tội giết người vì vậy bước đầu cơ quan điều tra bắt giữ Phương “Ninh Hột” và một số đối tượng về tội danh “không tố giác tội phạm”, bắt Nguyễn Tiến Chung về tội “bắt giữ người trái pháp luật”.

Đồng thời với việc bắt giữ các đối tượng, cơ quan công an đã liên hệ với phía Trung Quốc nhờ hỗ trợ. Nhận định các đối tượng sau khi gây án sẽ vứt súng, thậm chí xác nạn nhân, xuống sông Ka Long nên một nhóm thợ lặn được lệnh tìm kiếm trên diện rộng. Sau hai ngày tìm kiếm, cơ quan công an đã vớt được khẩu súng tang vật. Bên kia biên giới, Công an tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cũng huy động một lực lượng lớn điều tra vụ án. Chỉ sau một thời gian ngắn, Công an Quảng Tây đã bắt giữ năm đối tượng liên quan.

Các đối tượng này khai, khi bị bắt cóc sang Trung Quốc, các anh Điệp và Sỹ vẫn còn sống. Một đối tượng người Việt Nam có biệt danh Chấn “điên” (tên thật là Vũ Ngọc Tuất) đã đánh đập nạn nhân hết sức dã man. Đánh chán, chúng dùng băng keo bịt mũi, miệng của nạn nhân cho đến chết.

Giết người xong, chúng đem xác anh Điệp vứt xuống hẻm núi trong dãy Thập Vạn Đại Sơn, xác anh Sỹ chúng cho vào bao vứt xuống sông Ka Long. Một cuộc tìm kiếm quy mô đặc biệt lớn diễn ra. Hàng trăm cảnh sát, quân đội và nhân dân tỏa đi khắp hẻm núi Thập Vạn Đại Sơn để tìm kiếm thi thể nạn nhân. Một đội tìm kiếm chuyên nghiệp cũng dùng mọi biện pháp có thể rà soát dòng sông Ka Long. Sau nhiều ngày tìm kiếm không có kết quả, nhà chức trách đã treo giải thưởng hàng vạn nhân dân tệ cho ai tìm ra xác các nạn nhân. Những cố gắng phi thường của các cơ quan chức năng Việt Nam, Trung Quốc cuối cùng cũng gặt được thành công. Xác anh Điệp được tìm thấy trong tình trạng bị phân hủy.

Sau khi các đối tượng người Trung Quốc khai nhận, Công an tỉnh Quảng Ninh đã thay đổi tội danh một số bị can. Phương “Ninh Hột”, Chung “Ninh Hột” và Bùi Hải Bài bị truy tố tội “giết người”. Vũ Ngọc Tuất, Nông Văn Môn, Vũ Huy Đô, Ty Tuấn Luân và Khổng Thanh Thu bị truy nã đặc biệt.

Trong ngày xét xử đầu tiên, Nguyễn Tiến Chung đổ hết trách nhiệm cho Chấn “điên”. Chung khai: y có mặt tại thôn Lục Chắn hôm xảy ra vụ việc là để giảng hòa vì có quen biết với hai nạn nhân. Y không đưa súng cho Chấn “điên” để bắn anh Sỹ mà là Chấn giật khẩu súng của y. Khi xảy ra đánh nhau, Chung nghe thấy anh Điệp hô châm cho anh quả mìn. Sau khi đánh nhau, Chung nói mọi người đưa nạn nhân đi bệnh viện để cứu chữa. Mối quan hệ của Chung với Chấn là bình thường, không thân thiết...

Thẩm phán Nguyễn Xuân Tiến - chủ tọa phiên tòa - đã chứng minh lời khai của Chung trước tòa là không có cơ sở vì khi lên Lục Chắn, Chấn “điên” đi cùng xe với Chung, chính Chung nói với Chấn rằng có “hàng” (súng) trong cốp. Hơn nữa, Chung quá biết Chấn “điên” là tên côn đồ hung hãn sẵn sàng bắn giết, nếu không muốn đánh nhau thì Chung hoàn toàn có thể đòi lại súng vì Chấn là đàn em. Khi đến Lục Chắn, nếu Chung muốn giảng hòa thật thì chắc chắn Chấn cùng một số đàn em khác phải nghe và anh Điệp cũng không phải gọi người mang mìn tới.

Việc đưa hai nạn nhân sang Trung Quốc, Hội đồng xét xử bác bỏ lời khai của Chung với lý lẽ: Nếu muốn cứu người tại sao không đưa vào Bệnh viện Móng Cái ngay gần đó mà phải đưa sang Trung Quốc. Nếu quan hệ của Chung và Chấn không thân thiết thì tại sao Chung lại đưa cho Chấn 20 ngàn nhân dân tệ để giải quyết vụ việc.

Hội đồng xét xử cũng công bố nhiều lời khai của Chung tại cơ quan điều tra (có sự chứng kiến của luật sư). Theo những bản cung đó, trước khi vụ án xảy ra, Bài gọi điện cho Chung nói: “Có mấy thằng lạ mang theo đồ, hình như nó chơi anh”. Nghe xong, Chung cùng Chấn và một số đối tượng khác đến ngay thôn Lục Chắn.

                                                                           Theo congan.com

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày