Thứ 2, 29/04/2024, 19:40[GMT+7]

Hội làng Thượng Liệt và tục múa giáo cờ giáo quạt

Chủ nhật, 18/02/2024 | 21:29:42
6,670 lượt xem
Làng Thượng Liệt có tên Nôm là làng Giắng, nay thuộc xã Đông Tân (Đông Hưng). Từ mấy trăm năm trở lại đây, cứ vào dịp tết Nguyên đán là cả làng tấp nập chuẩn bị cho việc mở hội tại đình làng vào ngày mùng 9 tháng Giêng.

Múa giáo cờ giáo quạt ở làng Thượng Liệt. Ảnh tư liệu

Đình làng Thượng Liệt đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia từ rất sớm. Đình thờ công chúa Quý Minh con vua Trần Huệ Tông. Tương truyền bà có công khai phá vùng đất này và dạy dân làng điệu múa theo tích Chiêu Quân cống Hồ. Khi bà qua đời, dân làng thờ bà làm Thành hoàng. Hàng năm, dân làng Thượng Liệt mở hội vào những ngày sau tết Nguyên đán, trong hội duy trì điệu múa này như một nghi tục chầu Thánh trước cửa đình và vẫn được gọi là múa giáo cờ giáo quạt gắn với những nghi thức cổ truyền.

Trước khi mở hội ít ngày, các sự lệ chuẩn bị cho tục múa giáo cờ giáo quạt được triển khai. Vào thuở trước, sau khi các phe giáp trong làng làm xong thủ tục đăng cai múa thì sự lệ mở đầu là việc làm lễ xin phép Thành hoàng lựa chọn hai bà Thợ. Một bà ở bên Tây đình, một bà ở bên Đông đình để chỉ huy việc luyện tập múa. Ngoài hai bà Thợ phải chọn một ông Thầy để duy trì điển lễ của hội.

Ông Thầy và bà Thợ phải là người có đức độ, trong năm đó không có tang trở, gia đình hòa thuận, sống trọn đạo nghĩa vợ chồng. Sau khi chọn được ông Thầy, bà Thợ xong, các giáp trong làng chọn cử các cô gái đồng trinh sạch người, sạch nết, sạch tang tham gia vào đội hình múa. Các chức sắc cùng chủ hội tổ chức cho dân làng rước chân hương ở đình về nhà hai bà Thợ, đội múa bước vào luyện tập. Những gia đình có người được bầu chọn là bà Thợ được sự hỗ trợ của gia tộc và hàng giáp tất bật trang trí nhà cửa lộng lẫy để đón các cô gái trong làng đến tập và đón thân hữu xa gần đến chúc tụng, chia vui.

Sau ba ngày tập luyện ở nhà bà Thợ, các quan viên trong làng đến xem và tuyển chọn những cô múa đẹp nhất, xinh nhất đóng vai cô đi sứ, đi đôi và đứng cửa đình. Cô đi sứ chính là vai Chiêu Quân.

Việc múa đã thành thạo, ngày mồng 10 làng cho hai đội múa nghỉ để các cô múa tắm gội mình bằng nước lá thơm. Hôm sau, hai đội múa tiến hành múa ở sân đình. Diễn viên tham gia múa thường không hạn chế về số lượng, gồm tất cả các cô gái trẻ, chưa đến tuổi lấy chồng của làng Giắng. Các cô múa gọi là cô lèn. Múa giáo cờ giáo quạt được thực hiện theo sự điều khiển của ông Quản trò, ở một vài lớp múa có lời róng, người đọc róng gọi là ông Róng.

Đạo cụ truyền thống của múa giáo cờ giáo quạt rất đơn giản, chỉ có một trống cái làm hiệu lệnh chỉ huy và cờ, quạt nhỏ bằng giấy cho các cô lèn (tay phải cầm cờ, tay trái cầm quạt). Trang phục cổ truyền được duy trì nghiêm cẩn với ông Thầy, bà Thợ, ông Róng và ông Quản trò. Các cô lèn mặc áo dài, khăn đỏ, thắt lưng xanh yếm đào. Riêng hai cô đi sứ: mặc đẹp hơn các cô lèn. Khi rước được ngồi võng có lọng che như hai bà Thợ.

Nội dung điệu múa diễn tả tâm trạng của một cô công chúa trước khi đi xa làm lễ tạm biệt vua cha.

Múa giáo cờ giáo quạt có tất cả 36 cấp múa. Nhiều cấp sử dụng chất liệu múa dân gian của người Việt và được cải biên cho phù hợp. Các thế múa uyển chuyển, nhịp nhàng, đội hình cũng như tuyến múa khá đa dạng và phức tạp. Nhiều động tác tập trung diễn tả cảnh sinh hoạt nơi thôn dã, đồng quê như chim bay, cò bay, chao tép, vạt tôm, chèo thuyền... tạo cho điệu múa có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thể hiện rõ ở các cấp múa. Trong 36 cấp múa thì có 16 cấp cơ bản gồm: múa đi sứ, múa má, múa bái vua, múa sắc ngũ ph¬ương, múa chèo, múa nhị quấn lân, múa lòng ta cật ta, múa lòng ta cật người, múa diễn hoa cài cổ, múa đổi giáo một tay, múa đối giáo hai tay, múa giáo cờ giáo quạt, múa xênh xang, múa rồng, múa nẩy cờ.

Thuở trước, đội hình múa giáo cờ giáo quạt chỉ bao gồm những cô gái đồng trinh của làng được xét theo tiêu chuẩn sạch người, sạch nết, sạch tang nhưng từ sau năm 1954 trở lại đây gồm cả các phụ nữ ở độ tuổi khác nhau để gìn giữ. Vì nghi thức tế lễ Thành hoàng của làng không thể thiếu múa giáo cờ giáo quạt nên nó có khả năng trường tồn với tín ngưỡng của dân làng Thượng Liệt. Từ xa xưa đến nay, dân làng Thượng Liệt vẫn tự hào coi múa giáo cờ giáo quạt là tài sản văn hóa độc đáo, gắn với tính thiêng của Thành hoàng làng. Con em trong làng được tham gia vào đội hình múa là một vinh dự cho gia đình và dòng họ.

Từ những năm cuối thế kỷ XX trở lại đây, điệu múa này đã được nhiều nhà nghiên cứu dân ca, dân vũ trong và ngoài nước tìm về khảo sát và đã được khôi phục lại nguyên bản bằng sự truyền dạy của lớp nghệ nhân cao niên trong làng. Cho đến nay, đội hình múa cao tuổi đã hội tụ hầu hết các nghệ nhân có tuổi ngoài 70 của làng, trong đó có những nghệ nhân từng đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Đội múa trẻ gồm các thanh thiếu nữ tuổi từ 12 - 13 đến ngoài 40. Ngoài múa ở làng, các nghệ nhân múa giáo cờ giáo quạt còn được mời tham gia liên hoan ca múa nhạc dân gian ở nhiều nơi trong nước.

Múa giáo cờ giáo quạt là điệu múa độc đáo so với nhiều điệu múa dân gian khác ở vùng châu thổ Bắc Bộ, là điệu múa mang tính nghệ thuật tổng hợp cao. Bằng các cấp múa kết hợp với lời róng kể lại tích Chiêu Quân cống Hồ vốn được lưu truyền trong dân gian. Đây là điệu múa gắn nghệ thuật với các yếu tố tâm linh. Các cấp múa đã dùng diễn xướng dân gian một cách hài hòa, vừa để mô phỏng lai lịch của nhân vật được thờ cúng làm Thành hoàng vừa để khấn Thái Thượng lão quân, cầu cho dân làng an khang, cầu được phong đăng hòa cốc. Điệu múa này vẫn gọi là tục múa và chỉ diễn ra ở đình làng Thượng Liệt vào ngày hội làng. Các động tác múa như xe chỉ luồn kim, chèo đò mô phỏng các động tác lao động của người thời xưa. Trình thức múa của các cấp múa từ động tác chân, động tác tay, thân hình uốn lượn, đội hình di chuyển mang sắc thái đặc trưng tiêu biểu của múa dân gian vùng châu thổ Bắc Bộ. Điệu múa này phản ánh sự đa dạng về văn hoá và sự sáng tạo của con người, từng được lưu truyền qua nhiều thế hệ cư dân làng Thượng Liệt. Vì nghi thức tế lễ Thành hoàng của làng không thể thiếu múa giáo cờ giáo quạt nên nó có khả năng trường tồn với tín ngưỡng của dân làng Thượng Liệt.

Từ xa xưa đến nay, dân làng Thượng Liệt vẫn tự hào coi múa giáo cờ giáo quạt là tài sản văn hoá độc đáo, gắn với tính thiêng của làng, được cả cộng đồng làng chăm lo xây dựng và gìn giữ. Con em trong làng được tham gia vào đội hình múa là một vinh dự cho gia đình và dòng họ. Mọi người đều đồng tâm cam kết bảo vệ.

Ngoài việc cả cộng đồng làng chăm lo giữ gìn bảo vệ, ngành văn hoá, thể thao và du lịch Thái Bình đã thường xuyên quan tâm khuyến khích và trong điều kiện cho phép đã hỗ trợ kinh phí để giữ gìn thông qua việc hỗ trợ kinh phí tu sửa đình làng vì ngôi đình này đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa của quốc gia. Năm 2005, Quỹ phát triển văn hóa Việt Nam - Đan Mạch đã hỗ trợ một dự án để bảo lưu, truyền giữ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định ghi danh hội làng Thượng Liệt và  múa giáo cờ giáo quạt là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)


  • Từ khóa