Thứ 2, 29/04/2024, 23:03[GMT+7]

Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2024 Nét độc đáo riêng có tại lễ hội đền Trần

Thứ 3, 20/02/2024 | 23:05:06
9,501 lượt xem
Mấy thập niên qua từ khi di tích đền Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) được tôn tạo thì lễ hội truyền thống tại đây luôn được duy trì hàng năm với quy mô lớn, thu hút hàng vạn lượt du khách từ nhiều tỉnh, thành phố về tham dự, thành kính tri ân công lao của các vua Trần, các bậc tiền nhân. Đây cũng là dịp để du khách được tìm hiểu về những nét sinh hoạt đặc sắc mang giá trị về văn hóa, lịch sử không dễ tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu.

Tục rước nước tại lễ hội đền Trần Thái Bình.

Các nghi thức tế lễ cổ truyền

Dù lễ khai mạc lễ hội đền Trần diễn ra vào tối ngày 13 tháng Giêng nhưng năm nào cũng vậy, ngay từ sáng sớm, hàng nghìn du khách cùng nhân dân địa phương đã nô nức về đền Trần thành kính dâng hương, dâng hoa tri ân công lao của các vua Trần, các bậc tiền nhân và tham gia vào các nghi lễ như lễ tế mở cửa đền, lễ dâng hương tại lăng mộ các vua Trần cầu mong xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn, đất nước hòa bình, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

 Ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng ban quản lý đền Trần chia sẻ: Các vua Trần đã cho xây dựng khu Sơn Lăng ở Thái Đường Lăng, nay là thôn Tam Đường, xã Tiến Đức để làm nơi chôn cất tổ tiên và các vua tiền triều nhà Trần. Đó là mộ (phần Cựu) của Thái tổ Trần Thừa, Chiêu lăng của vua Trần Thái Tông, Dụ lăng của vua Trần Thánh Tông, Đức lăng của vua Trần Nhân Tông cùng lăng mộ của 4 vị hoàng hậu. Lễ dâng hương là nghi thức mời các vị tiền nhân về dự lễ để bày tỏ lòng biết ơn của hậu thế.

Trong khuôn khổ lễ hội truyền thống, vào chiều ngày 13 tháng Giêng diễn ra lễ rước nước với hình thức rước thủy và rước bộ năm nào cũng tạo nên nhiều xúc cảm với những người tham gia. Mùa lễ hội năm 2024, lễ rước nước thu hút 76 đoàn với trên 2.000 người tham dự. Hình ảnh đoàn rước đi thành hàng dài ven đê với trống rong cờ mở rợp trời tạo nên khung cảnh tráng lệ. Đây không chỉ là nghi lễ khuyến nông, khuyến ngư, cầu mong mưa thuận gió hòa, nông nghiệp phát triển mà còn mang ý nghĩa tri ân tổ tiên nhà Trần, một vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới, gắn với sông nước.

Những hội thi dân gian

Hòa mình vào không khí trảy hội xuân tại lễ hội đền Trần, du khách không thể bỏ lỡ những hội thi dân gian công phu trong từng khâu chuẩn bị, tài hoa trong nghệ thuật ẩm thực của người dân xã Tiến Đức. Để có mâm cỗ cá dâng lên cúng vua, thể hiện tấm lòng của người dân địa phương với các vua Trần và với lễ hội truyền thống của quê hương, các thôn trong xã Tiến Đức đã dành nhiều tháng trời chuẩn bị từ khâu chọn cá, đánh bắt cá đến chế biến sao cho khi đã hoàn thành mâm cỗ không con cá nào bị tróc vẩy, con nào cũng to, đẹp và có thế như đang bơi. Chiêm ngưỡng những mâm cỗ cá thịnh soạn, được bày biện kỹ lưỡng bao gồm các món giò, mọc, chân giò, hạt sen, nem chạo, trầu cánh phượng, hoa cắm, ít ai biết những đầu bếp tài hoa và lành nghề trong ngày lễ hội thường ngày là những thợ cày, thợ cấy của làng.

Ngoài hội thi cỗ cá, năm nay, trong lễ hội đền Trần còn có hội thi gói bánh chưng thể hiện sự đảm đang, khéo léo, nhanh nhẹn, kết hợp nhịp nhàng của những người phụ nữ trong từng thôn để làm ra những chiếc bánh to, đẹp nhất dâng vua. Hội thi kéo lửa nấu cơm cần tái hiện thực tế ứng biến của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo đảm cho quân ta bách chiến bách thắng, bảo vệ đất nước.

Hội thi kéo lửa nấu cơm cần tại lễ hội đền Trần. 

Ngoài ra, tại lễ hội đền Trần năm nay còn có hội thi têm trầu cánh phượng, thi pháo đất, giao lưu các câu lạc bộ chèo, liên hoan hát văn, hội thi viết thư pháp, giải vật cầu, giải kéo co, giải cờ tướng. Sôi nổi các hội thi diễn ra trong suốt những ngày lễ hội tạo nên không khí sôi nổi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân dịp đầu xuân. Đồng thời, đó cũng như sợi dây vô hình mà bền chặt gắn kết thế hệ hôm nay với những nét văn hóa đặc trưng của quê hương, dân tộc, để từ đó thêm yêu, thêm tự hào và gắn bó với truyền thống quê hương.

Đông đảo du khách về đền Trần trong dịp lễ hội truyền thống.

Với ý nghĩa và giá trị lịch sử, văn hóa, tháng 1/2014, lễ hội đền Trần tại Thái Bình được cấp bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tháng 12/2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cấp bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần. Kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất và con người Thái Bình, lễ hội đền Trần với 5 ngày diễn ra không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương, du khách thập phương mà còn là điều kiện thuận lợi để phát huy giá trị của lễ hội và các di sản văn hóa thời Trần, qua đó giáo dục thế hệ hôm nay và muôn đời sau tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Tú Anh